Theo tờ New York Times, cảnh báo đã được đưa ra trong bức thư do các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ ký và gửi tới bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng các vấn đề chiến lược của Israel.
Ngày 15-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller xác nhận bức thư đã được gửi cho Israel vào hôm 13-10.
Ông Miller cho biết viện trợ nhân đạo vào Gaza trong tháng 9 là thấp nhất kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ vào ngày 7-10-2023: "Viện trợ nhân đạo không được duy trì trong vài tháng qua. Trên thực tế, nó đã giảm hơn 50% so với mức đỉnh điểm".
Ông Miller không nêu rõ hậu quả có thể xảy ra đối với Israel nếu họ không cho phép tăng viện trợ vào dải đất này. Nhưng một bản sao của bức thư đã được một phóng viên của trang tin Axios đăng tải, đã chỉ ra khả năng Mỹ đình chỉ viện trợ quân sự cho Israel.
Luật pháp Mỹ cấm viện trợ quân sự cho bất kỳ quốc gia nào bị phát hiện đang ngăn chặn việc cung cấp viện trợ nhân đạo của Mỹ.
Hiện có khoảng 400.000 người vẫn ở lại phía bắc Gaza dù Israel đã ra lệnh cho sơ tán khu vực này, cảnh báo nguy hiểm do giao tranh tái diễn trong khu vực.
Mỹ tỏ ra đặc biệt lo ngại. Bức thư của Mỹ kêu gọi Israel chấm dứt "sự cô lập" ở phía bắc Gaza và bảo đảm rằng "sẽ không có chính sách của Chính phủ Israel buộc người dân sơ tán từ phía bắc tới phía nam Gaza".
Thời hạn 30 ngày được đặt ra trong bức thư sẽ rơi vào sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5-11 sắp tới.
Israel không có bình luận ngay lập tức về bức thư, nhưng vào hôm 14-10, cơ quan Israel phụ trách chính sách với vùng lãnh thổ Palestine COGAT cho biết có 30 xe tải viện trợ đã đi vào miền bắc Gaza.
Theo Hãng tin Reuters, ngày 15-10, một quan chức Israel tại Washington cho biết Israel đang xem xét bức thư của Mỹ. "Israel coi trọng vấn đề này và có ý định giải quyết những lo ngại nêu trong bức thư này với các đối tác Mỹ của chúng tôi", vị quan chức Israel cho biết.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ cảnh báo Israel về vấn đề viện trợ với Dải Gaza. Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gửi một bức thư tương tự cho Bộ trưởng Quốc phòng Israel. Vào thời điểm đó, Mỹ ghi nhận Israel có tăng viện trợ vào Gaza.
Theo New York Times, ngay cả khi thúc đẩy Israel cho phép nhiều viện trợ vào Gaza hơn, Mỹ vẫn tiếp tục gửi viện trợ quân sự cho Israel. Gần đây nhất, Mỹ đã gửi cho Israel hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và khoảng 100 binh sĩ để vận hành hệ thống này.
Thiệt hại trong cuộc chiến ở Gaza lên tới 20 tỉ USD
Ngày 15-10, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) Ajay Banga cho biết thiệt hại do các cuộc không kích của Israel vào Gaza hiện có thể lên tới 14-20 tỉ USD. Thiệt hại sẽ gia tăng với các vụ ném bom do Israel thực hiện ở miền nam Lebanon.
Phát biểu tại sự kiện Reuters NEXT ở Washington, ông Banga cho rằng cuộc xung đột có tác động tương đối nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng sự mở rộng đáng kể của xung đột sẽ kéo theo sự tham gia của các quốc gia vốn có đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng toàn cầu, bao gồm các nước xuất khẩu hàng hóa.
"Trước hết, tôi nghĩ rằng sự mất mát sinh mạng không thể tin được với phụ nữ, trẻ em, thường dân... là điều không thể chấp nhận được đối với tất cả các bên. Mặt khác, tác động kinh tế của cuộc chiến này phụ thuộc rất nhiều vào mức độ lan rộng của nó", ông Banga nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận