20/07/2017 10:59 GMT+7

Mỹ đi nước đôi về chuyện Qatar tài trợ khủng bố

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng hệ thống tài chính của Qatar vẫn đang bị các thực thể hỗ trợ tài chính cho chủ nghĩa khủng bố sử dụng.

Các ủng hộ viên của phong trào Hezbollah Li Băng dưới quyền lãnh đạo của Sayyed Hassan Nasrallah trong cuộc tuần hành đánh dấu ngày lễ Al-Quds ở phía nam Beirut, Li Băng - Ảnh: Reuters
Các ủng hộ viên của phong trào Hezbollah Li Băng dưới quyền lãnh đạo của Sayyed Hassan Nasrallah trong cuộc tuần hành đánh dấu ngày lễ Al-Quds ở phía nam Beirut, Li Băng - Ảnh: Reuters

Theo kênh truyền hình Al Arabiya của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về chủ nghĩa khủng bố năm 2016, công bố ngày 19-7, khẳng định Qatar đang cố gắng đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp tài chính cho khủng bố vẫn đang sử dụng hệ thống tài chính của Qatar và tiền được những người hành hương bí mật tuồn sang cho các nhóm cực đoan.

Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), tổ chức khủng bố al-Qaeda, Phong trào Hồi giáo Hezbollah và các nhóm khác là mối đe dọa trước tiên và nghiêm trọng nhất đối với chính quyền Mỹ.

Vừa đấm vừa xoa

Dĩ nhiên, ở góc độ khác, như đài al Jazeera ủng hộ Qatar thì thông tin được khai thác dưới góc độ “Qatar đã đạt được những tiến bộ đáng kể” trong cuộc chiến chống khủng bố và là đối tác tích cực của Mỹ trong tiến trình này.

Chính câu chữ và những tuyên bố của Mỹ cho thấy nước này rất cần đồng minh lớn Saudi Arabia (được khen ngợi đang hỗ trợ tích cực cho Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực) nhưng cũng không dám bỏ Qatar (nơi có căn cứ quân sự lớn của Mỹ).

Hôm 9-6, vài ngày sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng cô lập Qatar, tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Qatar chấm dứt hỗ trợ tài chính cho chủ nghĩa khủng bố.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Romania Klaus Iohanni, ông Trump nhấn mạnh: "Thật không may, Qatar là nhà bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta cần phải ngăn chặn hoạt động cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố. Đã đến lúc cần phải kêu gọi Qatar chấm dứt hoạt động hỗ trợ tài chính cho khủng bố và tư tưởng cực đoan của Doha".

Ông Donald Trump nói thêm rằng ưu tiên số một của ông trên cương vị tổng thống là đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ.

Đến ngày 11-7, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến công du vùng Vịnh nhằm tháo ngòi căng thẳng ở khu vực đã ký kết bản thỏa thuận chống tài trợ cho khủng bố với Qatar - bước đi được cho là nhằm xoa dịu khu vực dù bị các nước cấm vận tuyên bố là "vẫn chưa đủ".

Ngoại trưởng Mohammed Ben Abdulrahman Al-Thani của Qatar và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, trao đổi văn bản Doha
Ngoại trưởng Mohammed Ben Abdulrahman Al-Thani của Qatar và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, trao đổi văn bản Doha

Rồi phía Mỹ tại tung tin tình báo cho rằng chính UAE đã tổ chức tấn công tin tặc khiến nổ ra vụ khủng hoảng hiện tại.

Trong khi đó, hôm 18-7, bốn quốc gia Ả rập ở vùng Vịnh đang cô lập Qatar lại hối thúc chính quyền Doha cam kết thực thi 6 nguyên tắc về chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan cũng như thương thuyết một kế hoạch với những giải pháp cụ thể để thực hiện các nguyên tắc này.

Trong số 6 nguyên tắc này có các cam kết chống chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố; ngăn chặn hoạt động hỗ trợ tài chính cũng như cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm khủng bố; và ngừng tất cả các hoạt động khiêu khích và tuyên truyền kích động thù hận hay bạo lực.

Bước đi này có thể mở đường cho việc sớm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.

Từ hôm 5-6, Saudi Arabia, Ai cập, UAE và Bahrain đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Qatar, với cáo buộc Doha hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước láng giềng. Qatar đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc này.

Nhóm nước trên sau đó đã đưa ra bản yêu sách gồm 13 điểm và đặt ra hạn chót 10 ngày để Qatar thực hiện các yêu cầu.

Tuy nhiên, Qatar đã bác bỏ các yêu cầu trên, cho rằng chúng vi phạm chủ quyền quốc gia của mình.

Báo cáo mới của Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Iran, Syria Sudan là 3 nước bảo trợ khủng bố ở năm thứ hai liên tiếp.

Theo đó, 3 nước này sẽ bị áp đặt các quy định nghiêm ngặt về hoạt động tài trợ nước ngoài của Mỹ, cấm hoạt động mua bán và xuất khẩu liên quan đến quốc phòng cũng như các biện pháp trừng phạt về tài chính.

Binh sĩ Iraq chụp ảnh lưu niệm với lá cờ của khủng bố IS thu giữ được ở thành phố Mosul - Ảnh: Reuters
Binh sĩ Iraq chụp ảnh lưu niệm với lá cờ của khủng bố IS thu giữ được ở thành phố Mosul - Ảnh: Reuters

Chưa đụng Triều Tiên

Đáng chú ý là trong danh sách mới nhất về các nước bảo trợ khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ không có Triều Tiên.

Như vậy, Mỹ vẫn duy trì quyết định từ năm 2008 đến nay mặc dù Washington đe dọa có thể xem xét việc đưa Bình Nhưỡng trở lại danh sách này nhằm gia tăng sức ép lên quốc gia Đông Bắc Á liên quan đến vấn đề hạt nhân.

Trong văn bản mới này, Washington xác nhận Bình Nhưỡng không có bất cứ động thái gì ủng hộ chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đồng thời đảm bảo Bình Nhưỡng sẽ không ủng hộ hoạt động khủng bố trong tương lai.           

Mỹ đã đưa Triều Tiên vào danh sách các nước tài trợ khủng bố vào năm 1988 sau vụ đánh bom máy bay khiến toàn bộ 115 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Đến năm 2008, Mỹ đã rút Triều Tiên khỏi danh sách này để bày tỏ thiện chí cho vòng đàm phán 6 bên cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, vòng đàm phán này sau đó đã đổ vỡ do Bình Nhưỡng rút khỏi bàn đàm phán.

Hồi tháng 4-2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Washington đang xem xét khả năng đưa Bình Nhưỡng trở lại danh sách nói trên nhằm gia tăng sức ép đối với nước này trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp