Các đặc vụ FBI điều tra hiện trường vụ tấn công khủng bố ở Garland, Texas - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, những ngày qua các quan chức Mỹ liên tục lên tiếng báo động về nguy cơ các nhóm cực đoan Hồi giáo nội địa, đặc biệt là những “con sói cô độc”, tìm cách tấn công các mục tiêu đông dân tại Mỹ. Việc ngăn chặn các nhóm cực đoan này là một nhiệm vụ khó khăn.
“Thách thức lớn nhất của chúng ta là ngăn chặn chúng một cách hiệu quả, bởi chúng ở trên Internet, trong từng ngôi nhà” - giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) James Corney nhấn mạnh.
Ông Corney cho biết thời gian qua nhà chức trách Mỹ bắt giữ nhiều nghi can khủng bố nội địa nhưng cảnh báo: “Tôi lo ngại về những kẻ ngồi trong tầng hầm ở nhà và hình thành các tư tưởng cực đoan. Chúng ta rất khó phát hiện chúng”.
Kêu gọi tấn công
Cơ quan Nghiên cứu quốc hội (CRS) cho biết từ năm 2001-2013 ở Mỹ có ít nhất 63 âm mưu tấn công khủng bố do những kẻ cực đoan trong nước tìm cách thực hiện. Con số này đặc biệt tăng cao kể từ năm 2009.
Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper cho biết các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS), Al-Qaeda, Al-Qaeda trên bán đảo Ả Rập (AQAP), Al-Shabab (Somalia)… đều kêu gọi những kẻ cực đoan tổ chức tấn công khủng bố tại Mỹ và châu Âu.
Các chuyên gia chống khủng bố cho biết khác với các tên phiến quân được đào tạo ở Trung Đông, những kẻ cực đoan nội địa thiếu kỹ năng sử dụng vũ khí, chế tạo bom hay năng lực tài chính để tổ chức tấn công khủng bố quy mô lớn. Nhưng chúng có lợi thế là khả năng gây ngạc nhiên, rất khó đề phòng.
Khủng bố nội địa cũng ít khi liên hệ với các nhóm khủng bố ở nước ngoài, do đó nhà chức trách không thể nghe lén được chúng.
Dù vậy, chuyên gia Max Abrahms thuộc ĐH Northeastern nhận định nguy cơ khủng bố nội địa ở Mỹ dù đang gia tăng nhưng vẫn là nhỏ so với các nước châu Âu.
“Nguyên nhân lớn nhất là cộng đồng Hồi giáo tại Mỹ khá hòa hợp với xã hội Mỹ, có năng lực tài chính tốt hơn so với người Hồi giáo ở châu Âu” - ông Abrahms cho biết.
Dù vậy, ông cảnh báo những sự kiện như cuộc thi biếm họa nhà tiên tri Mohammed ở Garland, Texas sẽ là điểm nóng kích động phản ứng bạo lực từ những kẻ cực đoan.
“Những cuộc thi như thế là hành vi gây chia rẽ đối với cộng đồng người Hồi giáo tại Mỹ và ảnh hưởng xấu đến các nỗ lực chống khủng bố. Khi cộng đồng người Hồi giáo cảm thấy họ bị đối xử bất công, nguy cơ cực đoan sẽ gia tăng” - chuyên gia Abrahms bức xúc.
Hợp tác với cộng đồng Hồi giáo
Hiện nay, nhà chức trách Mỹ thường sử dụng hai phương pháp để đối phó với cực đoan nội địa. Đó là tổ chức các chiến dịch bí mật với sự tham gia của các điệp viên FBI nằm vùng, hoặc bắt giữ nghi can cực đoan với các cáo trạng không liên quan đến khủng bố, ví dụ như vi phạm quy định nhập cư hoặc thuế.
Năm 2010, FBI phát hiện bốn người đàn ông âm mưu bắn máy bay quân sự ở sân bay Stewart tại Newburgh, New York. Một đặc vụ nằm vùng đã đóng giả làm kẻ cực đoan, cung cấp cho bốn nghi can này chất nổ và tên lửa dỏm.
Nhà chức trách Mỹ cũng hợp tác chặt chẽ với các cộng đồng Hồi giáo để nhờ họ chỉ mặt điểm tên những kẻ cực đoan. Năm 2011, nhờ nguồn tin từ cộng đồng Hồi giáo, FBI bắt giữ công dân Mỹ gốc Pakistan Farooque Ahmed, kẻ âm mưu đánh bom trạm tàu điện ngầm ở Washington D.C.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Tổ chức New America Foundation cho biết kể từ vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, các nhóm cực hữu, bao gồm những kẻ theo đuổi sự thống trị của người da trắng, những kẻ chống chính phủ… giết người Mỹ nhiều hơn là Hồi giáo cực đoan.
Từ vụ 11-9 đến nay, các nhóm cực hữu sát hại 34 người tại Mỹ vì các lý do chính trị. Trong khi đó, những kẻ Hồi giáo cực đoan mới giết 21 người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận