Hình ảnh Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trên bìa tạp chí của Trung Quốc ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh - Ảnh chụp màn hình CNBC |
Bài xã luận trên tờ báo đảng của Trung Quốc số ra ngày 19-7 cho rằng nước Mỹ đang trong tình trạng hỗn loạn về chính trị và chịu ảnh hưởng từ một hệ thống bị phá vỡ, đó là lý do vì sao Washington không làm chuyện gì ra hồn trong thời gian gần đây.
Nhưng đó lại là cơ hội để Trung Quốc "tỏa sáng", bài báo trên Nhân dân nhật báo viết.
"Chính sách đối ngoại của Mỹ đang trong tình trạng hỗn loạn và mối quan tâm của thế giới đối với Mỹ đã giảm mạnh. Từng một thời là hình mẫu của thế giới, nhưng giờ cuộc khủng hoảng vĩ đại của nước Mỹ đã biến nước này trở thành một bộ phim dài tập dở tệ", tờ báo đảng Trung Quốc châm chọc.
Đây không phải là lần đầu tiên truyền thông nhà nước Trung Quốc nhại lại các khẩu hiệu của nước Mỹ, đài CNBC cho biết. Nhưng thời điểm bài xã luận trên Nhân dân Nhật báo được đưa ra cho thấy nó có nhiều ẩn ý.
Hôm nay (19-7), Trung Quốc và Mỹ sẽ bắt đầu Đối thoại toàn diện thường niên về kinh tế - một cái tên trên danh nghĩa cho những cuộc đàm phán về thương mại.
Cả Bắc Kinh lẫn Washington đều hiểu họ cần "chơi đẹp" với nhau nhưng lại đang đẩy chương trình nghị sự theo cách mong muốn của riêng họ, đài CBNC nhận định.
Trong khi Tổng thống Trump muốn cắt giảm thâm hụt thương mại lên tới 347 tỉ USD (2016) với Trung Quốc và đưa việc làm trở về Mỹ, thì Bắc Kinh đã phản pháo, cho rằng dòng tiền đầu tư của Trung Quốc đã cứu nền kinh tế Mỹ.
Giới chuyên môn nhận định sẽ có rất ít những kết quả đáng kể đạt được trong cuộc đối thoại kinh tế lần này.
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Tập Cận Bình hồi tháng 4 vừa qua, Washington và Bắc Kinh đã đặt ra kế hoạch 100 ngày đối thoại về kinh tế, bao gồm cả vấn đề thặng dư thương mại.
"Tôi nghĩ hai bên sẽ cùng bắt tay trong một số lĩnh vực mà cả hai cùng tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc đối thoại", Giáo sư Eswar Prasad - chuyên gia về chính sách thương mại tại Đại học Cornell và là người đứng đầu bộ phận chuyên trách về Trung Quốc tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nhận định với hãng tin Reuters.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết sẽ tìm cách thúc giục Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính cho các công ty Mỹ khi đối thoại.
Để xoa dịu những chỉ trích của Tổng thống Trump xung quanh thâm hụt thương mại, Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thịt bò Mỹ và cam kết mua khí đốt hóa lỏng cũng như cho phép các công ty dịch vụ thanh toán bằng thẻ của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc.
"Tuy nhiên, trong khi thịt bò Mỹ đã có mặt tại các cửa hàng của Trung Quốc, sẽ còn mất một thời gian dài nữa để những lời hứa hẹn khác trở thành sự thật", hãng tin Reuters bình luận
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận