Một tiêm kích F-16 của Đài Loan cất cánh trong cuộc tập trận hồi tháng 5 - Ảnh chụp màn hình EPA-EFE
Ngày 17-12, Tập đoàn Phát triển công nghiệp hàng không vũ trụ Đài Loan (AIDC) và nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, mở đường cho việc xây dựng trung tâm bảo dưỡng tiêm kích F-16 vào năm 2023.
Theo Hãng tin CNA của Đài Loan, trung tâm bảo dưỡng F-16 sẽ là cơ sở sữa chữa, bảo dưỡng đầu tiên thuộc loại này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đây là thỏa thuận mới nhất trong một số thỏa thuận quan trọng mà chính quyền Đài Bắc đạt được với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Hồi tháng 7, ông Trump đã tán thành thương vụ bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá 2,2 tỉ USD, trong đó có 108 xe tăng M1A2T Abrams và 250 tên lửa Stinger.
Đến tháng 8, trong một bước đi được đánh giá nhanh hơn nhiều so với những người tiền nhiệm liên quan tới tiêm kích F-16, nhà lãnh đạo Mỹ đã duyệt bán lô 66 tiêm kích F-16V trị giá 8 tỉ USD cho Đài Loan. Tất cả tiêm kích này sẽ được bàn giao cho Đài Loan vào năm 2026.
Lockheed Martin chính là nhà sản xuất các tiêm kích F-16V. Đây là phiên bản tiêm kích F-16 hiện đại nhất thế giới, được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến như radar mảng pha điện tử chủ động (AESA), máy tính và khung thân nâng cấp cùng buồng lái được cải tiến.
Cùng với việc nâng cấp phi đội hiện tại gồm 142 tiêm kích F-16A và F-16B dự kiến hoàn thành năm 2023, Đài Loan sẽ sở hữu tổng cộng 208 tiêm kích F-16 vào năm 2026. Chính vì thế thời gian qua AIDC được cho là đã hối thúc Lockheed Martin lập trung tâm bảo dưỡng ở Đài Loan.
Theo CNA, nhiều quốc gia châu Á hiện sở hữu tiêm kích F-16, gồm Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Thái Lan và Pakistan. Tuy nhiên, đội F-16 của Đài Loan, với hơn 200 chiếc, sẽ có quy mô lớn nhất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Collin Koh - nghiên cứu viên Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore - nhận định việc xây dựng trung tâm bảo dưỡng trên cho thấy quan hệ quân sự Mỹ - Đài ngày càng thắt chặt hơn dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
"Bằng cách cải thiện tính sẵn sàng hoạt động của đội F-16, trung tâm bảo dưỡng tiêm kích F-16 sẽ cho phép Đài Loan duy trì đội máy bay chiến đấu không chỉ dùng cho hoạt động hằng ngày mà còn phục vụ huấn luyện" - ông Collin Koh đánh giá.
Nhà nghiên cứu này nói thêm: "Đây là một bước tiến. Giờ đây Đài Loan không chỉ là 'người dùng cuối' vận hành vũ khí của Mỹ, mà còn được trao quyền bảo dưỡng. Điều đó giúp Đài Loan có sự độc lập lớn hơn về phòng vệ, vốn là một trong những cam kết quan trọng của chính quyền bà Thái Anh Văn".
Trong khi đó, ông Thang Thiệu Thành (Tang Shao Cheng) - nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Chính trị Đài Loan (NCU) - bình luận: "Chính quyền bà Thái quan tâm những gì Mỹ nghĩ, chứ không quan tâm suy nghĩ của Bắc Kinh, từ đó mở đường cho quan hệ thắt chặt hơn với Washington.
Điều đó chắc chắn khiến Bắc Kinh ít có khả năng đẩy Đài Loan vào quỹ đạo của mình, dù sử dụng nhiều biện pháp kinh tế".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận