100 lính thủy đánh bộ, máy bay quân sự và các thiệt bị hạng nặng Mỹ đã có mặt ở Nepal - Ảnh:AFP |
Hàng cứu trợ chất đống ở sân bay Kathmandu ngày 4-4 - Ảnh: Reuters |
Trận động đất 7,8 độ Richter làm rung chuyển Nepal, đến sáng 4-5 (giờ Việt Nam) đã khiến hơn 7.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người mất nhà cửa khi nó phá hủy nhiều phần ở thủ đô Kathmandu và san bằng các làng mạc trên một vùng rộng lớn của đất nước.
Thiếu tướng Paul Kennedy thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ nói với Reuters rằng sáu máy bay quân sự, bao gồm hai trực thăng, đã tới Nepal trong ngày 4-4, cùng với 100 lính thủy đánh bộ và các thiết bị cần thiết để hỗ trợ cứu hộ sau khi được sự đồng ý của chính phủ Nepal.
Quân đội Mỹ sẽ giúp xử lý các đống đổ nát và cung cấp hậu cần để nhanh chóng đưa sân bay quốc tế duy nhất ở Nepal tại Kathmandu trở lại hoạt động bình thường.
“Điều khó chịu nhất là hàng cứu trợ tồn ứ và chất đống nhưng lại không tới tay được những người đang cần và làm cản trở các chuyến hàng cứu trợ khác”, Kennedy giải thích.
Liên Hiệp Quốc ước tính 8 triệu trong dân số 28 triệu người của Nepal đã bị ảnh hưởng bởi trận động dất, và ít nhất 2 triệu người đang cần lều bạt, nước uống, thức ăn và thuốc men trong ba tháng tới.
Chuyến bay của chính Kennedy trên một máy bay chở hàng C-130 “suýt nữa thì hết xăng” vì đã phải lượn nhiều vòng trên Kathmandu mà không tìm thấy chỗ đáp sau một chuyến bay dài từ căn cứ của Mỹ tại Okinawa, Nhật Bản.
“Nepal là kịch bản tệ nhất cho các máy bay quân sự chở hàng cứu trợ”, Kennedy phân tích. “Đó là một quốc gia không có bờ biển và chỉ vài sân bay sử dụng được”.
Người dân được cứu khỏi vùng đổ nát sau động đất - Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định Mỹ sẽ không tham gia vào việc điều phối không lưu ở phi trường Kathmandu vì vấn đề chủ quyền quốc gia. “Khi bạn kiểm soát cửa ngõ quốc tế duy nhất vào bất kỳ quốc gia nào, bạn sẽ không muốn mất quyền kiểm soát không lưu, họ sẽ kiểm soát ai được vào và được mang theo gì”, ông nói.
Tình trạng ùn ứ hàng cứu trợ tại sân bay Kathmandu hiện là rất nghiêm trọng, theo lời điều phối viên địa phương của Liên Hiệp Quốc, Jamie McGoldrick. Việc vận chuyển hàng cứu trợ qua đường biên giới Ấn Độ-Nepal cũng gặp nhiều khó khăn vì điều kiện sau động đất cũng như các thủ tục hải quan phức tạp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận