03/03/2015 10:18 GMT+7

​Mỹ coi Việt Nam là đối tác quan trọng

TIẾN SĨ TERRY F. BUSS (viện sĩ, Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ) - THÚY ĐÀO chuyển ngữ
TIẾN SĨ TERRY F. BUSS (viện sĩ, Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ) - THÚY ĐÀO chuyển ngữ

TT - Mới đây, Tổng thống Barack Obama công bố Chiến lược an ninh quốc gia định hướng chính sách trong hai năm cuối nhiệm kỳ của ông.

Các phi công Philippines (thứ ba và năm từ phải qua) tham gia cùng đội bay của máy bay tuần thám hiện đại P-8A Poseidon của Mỹ trong đợt hoạt động ba tuần đầu tháng 2 trên biển Đông - Ảnh: Hải quân Mỹ
Các phi công Philippines (thứ ba và năm từ phải qua) tham gia cùng đội bay của máy bay tuần thám hiện đại P-8A Poseidon của Mỹ trong đợt hoạt động ba tuần đầu tháng 2 trên biển Đông - Ảnh: Hải quân Mỹ

Trên nguyên tắc, chiến lược này phải xác định các ưu tiên để quyết định ngân sách và nguồn lực, đồng thời phải đảm bảo các cơ quan liên quan nhận thức rõ nhiệm vụ an ninh, tình báo, quốc phòng và nhân đạo để từ đó phối hợp thực hiện.

Trước đây các chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế và các tổ chức khủng bố đều luôn cố gắng tiên đoán Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ để xác định trọng tâm ưu tiên của nước Mỹ.

Mặc dù có tầm quan trọng như vậy, Chiến lược an ninh quốc gia 2015 của nước Mỹ khi được công bố hầu như không nhận được ý kiến bình luận gì của cả phe ủng hộ và đối lập.

Việc duy trì chính sách “ngoại giao mềm” cho thấy mặc dù khu vực này vẫn tiếp tục là mối quan tâm nhưng mức độ chú ý sẽ không được như những gì chính quyền Mỹ đã hứa trong chính sách xoay trục ban đầu đưa ra
Tiến sĩ Terry F. Buss

Tiếp tục học thuyết “Lãnh đạo từ phía sau”

Các nhà phê bình cho rằng Chiến lược an ninh quốc gia 2015 này giống như một bài phát biểu trong chiến dịch tranh cử hơn là một tài liệu chiến lược chính thức.

Tuy nhiên Chiến lược an ninh quốc gia 2015 đã thể hiện sâu sắc quan điểm của chính quyền Obama về các vấn đề an ninh nói chung và hướng giải quyết của nước Mỹ đối với các lo ngại liên quan đến khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.

Chiến lược an ninh quốc gia đã thể hiện rõ quan điểm về vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu - chỉ một văn bản 29 trang, nhưng từ “lãnh đạo” đã được nhắc đến gần 100 lần.

Chính quyền Mỹ tái khẳng định chủ trương duy trì “quyền lực mềm” trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, thậm chí ngay trong bối cảnh của hàng loạt thất bại chính sách không chỉ ở Trung Đông mà cả ở Nga, Ukraine và CHDCND Triều Tiên.

Điều này có nghĩa là nước Mỹ sẽ tiếp tục tham gia cùng các nước đồng minh và đối lập để thiết lập một sân chơi và thỏa hiệp chung.

Mỹ sẽ vẫn “lãnh đạo từ phía sau” để chính các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất đi đầu giải quyết với sự hỗ trợ của nước Mỹ.

Chiến lược an ninh quốc gia bao hàm trong đó học thuyết Obama về cái gọi là lãnh đạo với “sự kiên trì và bền bỉ chiến lược”. Điều này có nghĩa là nước Mỹ sẽ không hành động vội vàng, hấp tấp mà sẽ chờ đợi “dù lâu đến mức nào” để xác định diễn biến hành động cần thiết.

Ví dụ có thể thấy chính là phản ứng của Mỹ trước cuộc nội chiến ở Syria và những động thái của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Chiến lược an ninh quốc gia cũng tái khẳng định quan điểm của Mỹ về sự cân bằng. Mỹ nghiêng về hướng phản ứng “có chừng mực” nhằm thay đổi hành vi của nước đối lập.

Một ví dụ là Washington chọn cách trừng phạt kinh tế Nga một cách từ từ để tạo ảnh hưởng đến hành vi của quốc gia này chứ không áp đảo hoàn toàn.

Cuối cùng, Chiến lược an ninh quốc gia duy trì phương thức giải quyết trên cơ sở các quy tắc “cộng đồng quốc tế tuân thủ luật pháp, hiệp ước và thỏa hiệp quốc tế”.

Tuy nhiên các nhà phê bình chỉ ra rằng Chiến lược an ninh quốc gia không hề đả động gì đến việc sẽ làm thế nào với những nước không tuân thủ quy tắc, không thỏa hiệp và vội vã hành động không kiềm chế.

Một lo ngại lớn là Chiến lược an ninh quốc gia đã tuyên bố rõ Mỹ sẽ tiếp tục cắt giảm lực lượng quân sự đến mức thấp nhất từ trước đến giờ trong khi yêu cầu nhiệm vụ đặt ra lại nặng nề hơn.

Văn bản này cho rằng sử dụng chính sách ngoại giao mềm và tận dụng tối đa công nghệ, đặc biệt là công nghệ do thám và tình báo sẽ giúp khắc phục khó khăn này.

Việt Nam - chỉ số quan trọng

Có lẽ một trong những tuyên bố quan trọng nhất trong Chiến lược an ninh quốc gia là tuyên bố về Việt Nam (cũng như Indonesia và Malaysia). Mỹ coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong các vấn đề “an ninh, phát triển và dân chủ”.

Mặc dù tài liệu này không nói rõ điều này có ý nghĩa thế nào đối với vấn đề an ninh Việt - Mỹ, nhưng chỉ riêng việc Việt Nam được nhắc đến đã là một chỉ số quan trọng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Chiến lược an ninh quốc gia tuyên bố rõ rằng Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Á và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Việc hợp tác với các tổ chức khu vực này thể hiện Mỹ tiếp tục cam kết với cái gọi là “xoay trục sang châu Á” hoặc “tái cân bằng” hướng tới khu vực này.

Các nhà phê bình ngay lập tức lên tiếng rằng các tổ chức khu vực này cũng chính là diễn đàn quan trọng đối với lợi ích của Trung Quốc và Nga. Như vậy nó có thể sẽ là một thách thức cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Chẳng hạn như Trung Quốc đang nỗ lực đẩy mạnh các thỏa hiệp thương mại khu vực đầy tính cạnh tranh của mình.

Việc nhấn mạnh vai trò của các tổ chức quốc tế và vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - tự do hóa thương mại và thiết lập tiêu chuẩn các quy tắc/chính sách thương mại - đã làm dấy lên hi vọng về các lợi ích mang lại cho các quốc gia trong khu vực.

Có điều là chính quyền Mỹ sẽ cần phải có được sự thông qua của quốc hội đối với các mục đích đặt ra cho các thỏa thuận thương mại với các nước trong khu vực. Mà cho đến giờ thì quốc hội vẫn chưa phê chuẩn thẩm quyền thúc đẩy thương mại để cho phép chính phủ có thể thực hiện phương thức tốc hành đối với các hiệp định thương mại, hạn chế tối thiểu can thiệp của quốc hội. Cũng chưa rõ là ông Obama có thể có được thẩm quyền này hay không.

Lửng lơ về “Các vùng biển đảo tranh chấp”

Hợp tác thông qua các tổ chức khu vực luôn mang lại lợi ích cho thương mại nhưng an ninh thì không. Các hiệp hội khu vực chưa có đóng góp gì trong việc giải quyết các tranh chấp do sự bành trướng của Trung Quốc tại các vùng đảo trên biển Đông - một vấn đề đang ảnh hưởng rất lớn đến chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

Chiến lược an ninh quốc gia chỉ ra rằng có lẽ cách tốt nhất để giải quyết “những bế tắc” trong quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia là để chính quyền Trung Quốc giải quyết thông qua Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà bản thân Trung Quốc cũng là một nước tham gia. Chiến lược này cũng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy tắc ứng xử.

Chiến lược an ninh quốc gia có đề cập việc Mỹ sẽ giám sát sự tuân thủ của Trung Quốc nhưng sẽ không tham gia các vấn đề tranh chấp chủ quyền hải đảo.

Washington chưa đả động gì nhiều đến việc Trung Quốc đang biến đổi các rạn san hô để làm cơ sở quân sự. Chiến lược này nhấn mạnh nhiều hơn đến thỏa thuận về biến đổi khí hậu mới đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc mà ít động chạm đến các vấn đề an ninh.

Chiến lược an ninh quốc gia nhấn mạnh rằng Mỹ đang cập nhật các thỏa thuận an ninh chung với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines nhưng lại không đề cập cụ thể. Tuy nhiên, đây dường như là một thông điệp tế nhị gửi đến Chính phủ Trung Quốc về việc Mỹ đang có kế hoạch gây ảnh hưởng đến khu vực bằng cách bắt tay với các đồng minh chiến lược.

Chiến lược an ninh quốc gia chỉ ra rằng học thuyết Obama hướng đến duy trì an ninh theo phương thức đã thực hiện trong suốt sáu năm vừa qua. Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sẽ vẫn là mối quan tâm của nước Mỹ, tuy nhiên sẽ phải cạnh tranh với các vấn đề khác cấp bách hơn.

Việc duy trì chính sách “ngoại giao mềm” cho thấy mặc dù khu vực này vẫn tiếp tục là mối quan tâm nhưng mức độ chú ý sẽ không được như những gì chính quyền Mỹ đã hứa trong chính sách xoay trục ban đầu đưa ra.

TIẾN SĨ TERRY F. BUSS (viện sĩ, Học viện Hành chính quốc gia Hoa Kỳ) - THÚY ĐÀO chuyển ngữ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp