Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange đang trú ẩn tại đại sứ quán Ecuador ở Anh - Ảnh: AFP |
Cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ về ông Assange và WikiLeaks bắt đầu từ năm 2010 khi trang này thu hút sự chú ý của công chúng sau khi nắm được hàng ngàn tài liệu mật của chính phủ bị chuyên viên phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning đánh cắp.
Các công tố viên đã phải vật lộn với việc Tu chánh án Thứ nhất bác bỏ việc truy tố ông Assange. Tuy nhiên, theo đài CNN ngày 20-4, giờ đây các công tố viên tin rằng họ đã tìm ra cách để tiếp tục theo đuổi vụ việc.
Dưới thời tổng thống Barack Obama, Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder và các quan chức của Bộ này xác định rằng sẽ rất khó để buộc tội ông Assange vì WikiLeaks không phải là nơi duy nhất công bố các tài liệu bị chuyên viên Manning đánh cắp.
Quan điểm trên thay đổi sau khi các nhà điều tra phát hiện được những thứ có thể làm bằng chứng cho việc WikiLeaks đóng vai trò tích cực trong việc giúp đỡ Edward Snowden.
Snowden là một cựu nhà thầu của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và là người đã tiết lộ một khối lượng khổng lồ các tài liệu mật của chính phủ Mỹ về nghe lén và do thám.
Hiện ông Assange vẫn đang trú ẩn tại đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) khi tìm cách tránh lệnh bắt giữ của Thụy Điển liên quan đến các cáo trạng cưỡng hiếp phụ nữ trước đó.
Trong những tháng gần đây, cơ quan chức năng Mỹ tập trung vào khả năng chính quyền mới của Ecuador sẽ trục xuất ông Assange và ông ta có thể bị bắt.
Tuy nhiên ứng cử viên tổng thống cánh tả đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gần đây của Ecuador đã cam kết sẽ tiếp tục bảo vệ ông Assange.
Giám đốc CIA Mike Pompeo cho rằng "đã đến lúc phải gọi WikiLeaks là dịch vụ tình báo thù địch phi chính phủ thường được tiếp tay bởi các nước như Nga".
Các cơ quan tình báo Mỹ cũng xác định rằng tình báo Nga đã dùng WikiLeaks để công bố các thư điện tử nhằm làm suy yếu chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Tuy nhiên những lời buộc tội trên chỉ được xem là một động thái chính trị vì ông Assange không thể bị bắt khi vẫn còn được chính quyền Ecuador bảo vệ và vẫn còn ở trong đại sứ quán của nước này.
Dù vậy trong một cuộc họp báo ngày 20-4, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions cho biết việc bắt giữ ông Assad là "một ưu tiên", cam kết sẽ tìm cách bỏ tù những kẻ làm rò rỉ thông tin mật của chính phủ Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận