Theo Đài CNN, việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý để Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do nước này sản xuất để tấn công những mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga được cho là "kịch bản cũ" đã lặp lại nhiều lần trong cuộc chiến.
Quyết định muộn màng cho Ukraine
Trước khi đưa ra quyết định mới nhất trên, Nhà Trắng đã liên tục khước từ việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa đánh mục tiêu quân sự trên đất Nga dù Ukraine và các đồng minh đã nhiều lần yêu cầu.
Lý do là Washington lo ngại hành động này sẽ làm leo thang cuộc chiến.
Suốt nhiều tháng, Kiev đã tìm mọi cách vận động thay đổi quyết định này trên mọi diễn đàn họ tham dự. Bây giờ, khi chuẩn bị rời Nhà Trắng, ông Biden bất ngờ gật đầu.
Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine dùng tên lửa đánh sâu vào lãnh thổ Nga
Đây là kịch bản đã từng diễn ra với nhiều loại khí tài chiến lược do Mỹ sản xuất khác. Những hệ thống pháo phản lực tầm xa (HIMARS), xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams, tiêm kích F-16... đều đến tay Ukraine theo "quy trình": Khước từ, chần chừ để rồi cuối cùng cũng chấp thuận khi mọi chuyện tưởng chừng như quá muộn.
Quyết định mới nhất của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đối diện khó khăn tứ bề trên cả chiến trường và chính trường.
Tại Ukraine, Nga đang có giai đoạn tiến công thần tốc bậc nhất từ khi cuộc chiến bùng nổ: Liên tục giành quyền kiểm soát nhiều khu vực ở miền đông, triển khai 50.000 lính (nghi vấn gồm cả 10.000 lính Triều Tiên) để phản công giành lại vùng Kursk, và thực hiện các đợt tấn công bằng tên lửa và drone hằng ngày khắp Ukraine.
Trên chính trường, việc ông Donald Trump sắp quay lại Nhà Trắng khiến giới quan sát lo ngại ông Trump sẽ tìm cách thúc đẩy việc kết thúc cuộc chiến Nga - Ukraine bằng thương lượng mà không thật sự có lợi cho Kiev.
Với áp lực chỉ còn thời gian ngắn tại vị và cái bóng Donald Trump trước mắt, chính quyền ông Biden đã chạy đua cố gắng thực hiện cam kết cung cấp cho Ukraine nhiều khí tài nhất có thể trong hai tháng cầm quyền còn lại, và bây giờ là gật đầu để Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga.
Khó dự đoán tác động chiến trường
Bối cảnh trên khiến không ít bên lo ngại liệu việc cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa nhắm vào các mục tiêu quân sự ở Nga có thật sự thay đổi được cục diện chiến trường.
Đài CNN đánh giá đây là vấn đề phức tạp, rủi ro cao nhưng thành quả không được đảm bảo.
Đầu tiên không thể phủ nhận quyết định trên đặt vào tay Ukraine một công cụ lợi hại để vô hiệu hóa các mục tiêu quân sự Nga.
Tuy nhiên số lượng tên lửa tầm xa ATACMS mà Ukraine có thể sử dụng lại rất hạn chế do Mỹ cũng đang gặp khó trong việc sản xuất vũ khí này.
Do đó nhiều khả năng dòng tên lửa trên sẽ phải được dùng dè xẻn và khó có thể mang lại sự chuyển biến tức thì trên chiến trường.
Thứ hai, thực tế các khí tài tầm xa Mỹ đang cấp cho Ukraine không mang lại sự thay đổi hoàn toàn so với khí tài do chính Kiev sản xuất.
Bản thân hàng "cây nhà lá vườn" của Ukraine đã thọc sâu được vào lãnh thổ của Nga trong suốt thời gian qua và phá hoại các sân bay, cơ sở năng lượng của nước này.
Do đó tên lửa tầm xa Mỹ sẽ chỉ là sự bổ sung lực lượng, nâng thêm một chút tầm bay và khả năng công phá chứ không mở ra một "chân trời hoàn toàn mới" cho Ukraine.
Trước sự tấn công của khí tài Ukraine trong thời gian qua, bản thân Nga cũng đã di dời những tài sản quân sự giá trị cao khỏi các cơ sở nằm trong tầm bắn của khí tài Ukraine và phương Tây.
Thứ ba, dù chưa biết hiệu quả ra sao thì việc Mỹ cấp tên lửa để Ukraine đánh sâu vào các mục tiêu quân sự ở Nga chắc chắn sẽ bị Matxcơva xem là hành động khiêu khích.
Điều này có thể buộc Nga phải mở rộng cuộc chiến và tìm cách củng cố khả năng răn đe của mình trên trường quốc tế.
Đài CNN nhận định chính quyền ông Biden nhiều khả năng nhận thức rõ những hạn chế trên, và vì vậy đã cố gắng tránh việc chấp thuận cho Ukraine dùng vũ khí của mình đánh Nga.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận