18/05/2017 06:49 GMT+7

Mỹ chỉ định công tố viên đặc biệt điều tra can thiệp của Nga

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Bộ tư pháp Mỹ ngày 17-5 tuyên bố mời một cựu giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) làm công tố viên đặc biệt phụ trách cuộc điều tra về can thiệp bầu cử của Nga.

Cựu giám đốc FBI Robert Mueller trong bức ảnh tư liệu năm 2008 khi ông tuyên thệ trong phiên điều trần trước Ủy ban tư pháp Thượng viện tại Quốc hội Mỹ - Ảnh: Reuters
Cựu giám đốc FBI Robert Mueller trong bức ảnh tư liệu năm 2008 khi ông tuyên thệ trong phiên điều trần trước Ủy ban tư pháp Thượng viện tại Quốc hội Mỹ - Ảnh: Reuters

Theo hãng tin AFP, tất nhiên bên cạnh việc điều tra về các động thái can thiệp bầu cử, công tố viên đặc biệt này cũng sẽ điều tra cả về những quan hệ cấu kết nếu có giữa nhóm trợ thủ của ông Trump và Nga.

Thứ trưởng Bộ tư pháp Rod Rosenstein đã mời ông Robert Mueller, cựu quan chức được cả hai đảng tôn trọng, từng lãnh đạo FBI trong 10 năm kể từ sau loạt tấn công khủng bố ngày 11-9, giữ vị trí chỉ đạo cuộc điều tra về “những động thái của chính phủ Nga nhằm gây ảnh hưởng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và những vấn đề liên quan”.

Ông Rod Rosenstein giải thích về quyết định này: “Căn cứ vào những tình huống đặc biệt, sự quan tâm của dư luận buộc tôi phải giao cuộc điều tra này cho một người có thể tiến hành công việc một cách độc lập với hệ thống chỉ đạo thông thường”.

Trong bối cảnh chính trường Washington đang rối ren sau bê bối sa thải giám đốc FBI, động thái này của Bộ tư pháp được xem như giải pháp hạ nhiệt cho những căng thẳng tại Quốc hội, đáp ứng yêu cầu của nhiều nghị sĩ cần phải mở cuộc điều tra độc lập về quan hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Nga.

Công tố viên đặc biệt phụ trách điều tra được trao quyền tiến hành công việc độc lập với hệ thống hoạt động của Bộ tư pháp, được lựa chọn các cộng sự theo mong muốn của ông.

Vị công tố viên này cũng không bị yêu cầu phải tham vấn hay thông tin cho Bộ trưởng hay thứ trưởng Bộ tư pháp trong tiến trình điều tra.

Công tố viên đặc biệt cũng có quyền truy tố bất cứ hành vi phạm tội nào phát hiện thấy trong quá trình tiến hành điều tra.

Tuyên bố của thứ trưởng Bộ tư pháp Rosenstein đưa ra đúng một tuần sau khi ông đã đóng một vai trò đáng kể trong quyết định sa thải ông James Comey của tổng thống Trump.

Ông Rosenstein đã gửi thư tới tổng thống, chỉ trích cách giải quyết không thỏa đáng của ông Comey trong vụ việc bà Hillary Clinton sử dụng email cá nhân thời làm ngoại trưởng.

Ông Rosenstein cho biết công tố viên đặc biệt được quyền kiểm tra “bất cứ mối liên hệ hay sự hợp tác nào giữa chính phủ Nga và các cá nhân có liên quan tới chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump”.

Ngay sau thông báo này, theo hãng tin Reuters, tổng thống Trump khẳng định, cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt về sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ 2016 sẽ cho thấy “không có sự cấu kết nào” giữa chiến dịch của ông và các lực lượng nước ngoài.

Trong tuyên bố phát đi của Nhà Trắng, ông Trump nói: “Như tôi đã từng nhiều lần tuyên bố, một cuộc điều tra chi tiết sẽ khẳng định điều chúng ta đã biết - đã không có sự cấu kết nào giữa chiến dịch tranh cử của tôi và tổ chức nước ngoài”.

Ông Trump cũng nói: “Tôi kỳ vọng vấn đề này sẽ được giải quyết nhanh chóng. Trong khi đó, tôi sẽ không ngừng đấu tranh vì người dân và giải quyết những vấn đề quan trọng nhất với tương lai đất nước chúng ta”. 

Ông Mueller là giám đốc FBI trong thời gian từ 2001-2013, cũng là giai đoạn ông buộc phải tiến hành một cuộc cải tổ lớn tại cơ quan này sau khi FBI bị cáo buộc để sót lọt những chứng cứ lẽ ra đã giúp ngăn chặn được loạt tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

Trong suốt thời gian tại nhiệm, ông Mueller từng làm việc dưới thời các tổng thống của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ nắm giữ và nhận được sự tôn trọng từ cả hai đảng.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp