04/09/2021 14:00 GMT+7

Mỹ chặn Trung Quốc 'làm luật' ở Biển Đông

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Với việc liên tiếp "làm luật" ở Biển Đông, Trung Quốc có thể đương đầu với mặt trận phản kháng của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực có lợi ích liên quan.

Mỹ chặn Trung Quốc làm luật ở Biển Đông - Ảnh 1.

Tàu khu trục USS Kidd lớp Arleigh Burke mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ đi qua eo biển Đài Loan ngày 27-8 - Ảnh: Hải quân Mỹ

Hôm 2-9, nhật báo quân sự Mỹ Stars and Stripes dẫn lời Lầu Năm Góc khẳng định hoạt động của hải quân nước này ở Biển Đông sẽ không bị Luật an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc ảnh hưởng. 

Trung tá Martin Meiners lặp lại quan điểm của Lầu Năm Góc rằng Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động trên biển và trên không "ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".

"Lộ bài"

Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1-9, yêu cầu tàu nước ngoài vào "vùng lãnh hải" Trung Quốc phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa cho các cơ quan quản lý hàng hải của Trung Quốc. 

Bên cạnh dấu hỏi về phạm vi bao phủ khi Trung Quốc đơn phương đề cập tới cái gọi là "vùng lãnh hải", những sửa đổi mới nhất trong luật này cũng khéo léo tận dụng các quyền của quốc gia ven biển ghi trong Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) 1982.

Nhưng động thái của Trung Quốc nhanh chóng bị giới quan sát đưa vào tầm ngắm, bóc tách những toan tính của Bắc Kinh từ lớp vỏ bọc mang tên "an toàn giao thông".

Nhà nghiên cứu Ấn Độ Pooja Bhatt (ĐH Jawaharlal Nehru), một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, cho rằng trước hết đây rõ ràng là luật nội địa của Trung Quốc, mà xét trên luật thì sẽ ngừng hoạt động khi nó xung đột với luật pháp quốc tế (ở đây là UNCLOS 1982).

Bà Bhatt, tác giả cuốn "Đường chín đoạn: Giải mã câu hỏi hóc búa về Biển Đông", lưu ý việc Trung Quốc dùng thuật ngữ "vùng lãnh hải" đã thể hiện sự chọn lọc của Bắc Kinh khi trích dẫn UNCLOS và luật pháp quốc tế sao cho phù hợp với lợi ích của nước này.

"Tôi cho rằng việc Trung Quốc đưa ra các chỉ đạo như vậy cho Cơ quan An toàn hàng hải (MSA) và các cơ quan quân sự khác của họ dường như là một bước đi nhằm tăng cường sức mạnh của Trung Quốc trên biển. 

Các cơ quan hàng hải của Trung Quốc trước đây bị cho là không hiệu quả, mang tính cục bộ, nên đây có thể là cách Chủ tịch Tập Cận Bình điều chỉnh. Những động thái này cũng giúp họ thu thập và tập hợp nhiều dữ liệu hơn và trao đổi dữ liệu giữa các cơ quan hữu quan", bà Bhatt nhận định với Tuổi Trẻ.

Mở cửa cho Mỹ hợp tác

Biển Đông là một trong những điểm nóng trong cạnh tranh Mỹ - Trung, và cũng thường bế tắc khi hai bên vướng vào tranh luận kiểu "con gà và quả trứng".

Khi Trung Quốc quyết đoán trên biển thông qua việc quân sự hóa, tuyên bố chủ quyền phi pháp, quấy rối tàu bè..., Mỹ đã thực hiện "Chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải" (FONOP). 

Các chuyến tàu của Mỹ trong khu vực này, mới nhất là chuyến đi qua eo biển Đài Loan ngày 27-8 của tàu USS Kidd, thường bị Trung Quốc lấy làm nguyên cớ cho các động thái sau đó của Bắc Kinh.

Nói cách khác, Mỹ thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, còn Bắc Kinh cho đây là biểu hiện làm bất ổn khu vực.

"Tôi thấy rằng các cuộc tập trận quân sự đa phương và song phương giữa một số nước trong và xung quanh Biển Đông là lý do được Trung Quốc vin vào để củng cố lập trường của mình", bà Bhatt lưu ý.

Vậy điều gì khiến Mỹ vẫn cứ "FONOP" khi Trung Quốc khẳng định Biển Đông đang "êm đềm"? Câu trả lời có thể nằm ở những cuộc "làm luật" như điều chỉnh trong Luật an toàn giao thông hàng hải nêu trên. Nó xuất hiện sau Luật hải cảnh đã gây nhiều e ngại hồi đầu năm nay.

Tại họp báo qua điện thoại ngày 3-9, phó đô đốc McAllister nhấn mạnh việc Mỹ đang nhận thấy mối quan tâm ngày càng tăng trong việc hợp tác với lực lượng tuần duyên Mỹ xung quanh vấn đề an toàn hàng hải và phát triển năng lực an ninh.

"Vậy thì lực lượng tuần duyên Mỹ có thể làm gì? Như tôi đã đề cập, chúng tôi phối hợp với các đối tác khắp khu vực. Thực tế, tôi cho rằng chúng tôi đang thực sự hỗ trợ các đối tác quan trọng - vốn ngày càng lo ngại về sự quyết đoán, thậm chí nhiều lúc là hành vi bắt nạt của Trung Quốc", ông nói.

Các quốc gia, đặc biệt những nước nhỏ của khu vực, hầu như không ai đưa ra chính sách đối ngoại liên minh với nước này để chống nước kia. 

Nhưng nếu một quốc gia đi ngược lại với những quốc gia khác trong cách lý giải luật pháp quốc tế, việc quốc gia đó trở nên đơn độc và đương đầu với phần còn lại là không thể tránh khỏi.

Nhìn vào cách thức đưa tin của báo chí Nhật Bản hay Ấn Độ về Luật an toàn giao thông hàng hải mới đây của Trung Quốc, có thể thấy tất cả đều đang lo ngại nguy cơ xung đột chứ không thấy an toàn. Đó cũng là một biểu hiện phản ánh cái nhìn khác biệt trong vấn đề an ninh giữa Trung Quốc và phần còn lại.

Nguy cơ gây xung đột

Phía Mỹ cho rằng việc Trung Quốc ban hành Luật an toàn hàng hải sửa đổi là diễn biến tác động tới quốc tế.

Tại cuộc họp báo ngày 3-9, phó đô đốc lực lượng tuần duyên Mỹ Michael F.McAllister khẳng định luật sửa đổi của Trung Quốc có vẻ đi ngược lại với các thỏa thuận và quy tắc quốc tế.

"Nếu thông tin của chúng tôi chính xác, những điều này rất đáng lo ngại vì chúng bắt đầu xây dựng những nền tảng cho sự bất ổn và xung đột tiềm ẩn khi được thực thi", tướng McAllister cảnh báo.

Trung Quốc muốn Trung Quốc muốn 'làm luật' ở Biển Đông: Không dễ, Mỹ và đồng minh liên kết mạnh

TTO - Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi 2021 của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của các quốc gia ven biển, mà còn ảnh hưởng tới khoảng 1/3 hàng hóa thế giới đi qua Biển Đông.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp