Phóng to |
Bệ phóng tên lửa Buk tại miền đông Ukraine trong một đoạn video do chính quyền Kiev công bố - Ảnh: Kiev Post |
Theo báo Washington Post, một quan chức Washington khẳng định tình báo Mỹ biết một số bệ phóng tên lửa đất đối không Buk đã được vận chuyển từ Nga vào miền đông Ukraine từ một tuần trước. Các chuyên viên tình báo Mỹ đã sử dụng dữ liệu hồng ngoại, các phương pháp đo đạc và tín hiệu điện tử để xác định địa điểm phóng tên lửa. “Chúng tôi tin rằng họ đang cố đưa ít nhất ba bệ phóng Buk trở lại Nga” - quan chức này cho biết.
Các quan chức Mỹ cũng đánh giá các tay súng ly khai thân Nga khó có thể dùng hệ thống Buk cướp được của quân đội Ukraine để bắn máy bay. Bởi để điều khiển bệ phóng Buk trên xe tải bắn máy bay di chuyển với tốc độ 965km/giờ trên độ cao 10.000m cần một tổ bốn người đã được huấn luyện đặc biệt. Phải mất sáu tháng để những người vận hành có thể bắn tên lửa một cách thành thạo. Do đó, Washington nghi ngờ Matxcơva đã hỗ trợ kỹ thuật cho phe ly khai để bắn máy bay.
Hôm qua, ông Vitaly Nayda, giám đốc Cơ quan Phản gián Ukraine, công bố các hình ảnh cho thấy ba bệ phóng Buk di chuyển từ vùng do quân ly khai kiểm soát ở Donetsk tới biên giới Nga khoảng 12 giờ sau khi máy bay MH17 bị bắn rơi. Ông Nayda cho biết hai trong số đó đã đi vào lãnh thổ Nga lúc 2g sáng 18-7. Một bệ phóng vẫn còn đầy đủ bốn quả tên lửa, nhưng bệ phóng khác thiếu một quả. Hai giờ sau, một đoàn ba xe, bao gồm bệ phóng thứ ba, vượt biên giới vào Nga.
Ông Nayda cũng tiết lộ an ninh Ukraine đã biết phe ly khai sở hữu tên lửa Buk từ ngày 14-7, ba ngày trước khi máy bay MH17 bị bắn rơi. Chính quyền Kiev ra lệnh cấm bay ở độ cao từ 7.924m trở xuống. Đến ngày 14-7, Kiev mở rộng lệnh cấm bay tới độ cao 9.753m. Nhưng vấn đề là tầm bắn tối đa của tên lửa Buk lên tới 22.000m. Máy bay MH17 trúng tên lửa khi bay ở độ cao 10.000m.
Lập tức nhiều chuyên gia hàng không đặt câu hỏi tại sao Chính phủ Ukraine đã biết trước nguy cơ nhưng vẫn không đóng cửa không phận. Ông Tony Tyler, giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), cho rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm về việc để mở không phận. “Các hãng hàng không phụ thuộc vào các chính phủ và cơ quan điều phối không lưu. Cũng giống như lái một chiếc xe. Nếu đường không có biển cảnh báo, bạn sẽ cho rằng đường đó là an toàn. Nếu có biển báo, bạn sẽ phải tìm đường khác” - ông Tyler nhấn mạnh.
Báo Úc Sydney Morning Herald dẫn nguồn tin từ ngành hàng không tiết lộ các đường hàng không cũng giống như đường bộ có thu phí. Chính phủ Ukraine đang rất kẹt tiền mặt nên quyết mở không phận bất chấp chiến sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận