Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis (phải) và Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản Fumo Kishida bắt tay trước cuộc hội đàm tại Tokyo ngày 3-2 - Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin AFP, phát biểu tại Tokyo vào cuối chuyến thăm tới khu vực Đông Á, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, quần đảo Senkaku/Điếu ngư là một phần được bảo vệ trong hiệp ước an ninh đã tồn tại từ lâu giữa Washington và Tokyo.
Trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với một số đại diện của đảng đối lập ở Nhật Bản, ông Mattis nói: "Tôi tuyên bố rõ về chính sách lâu dài của chúng ta với quần đảo Senkaku là Mỹ sẽ vẫn tiếp tục thừa nhận chủ quyền của Nhật Bản với quần đảo này".
"Và điều 5 trong Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản sẽ được áp dụng", ông nói tiếp.
Điều 5 trong Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản hay các phần lãnh thổ mà Nhật Bản kiểm soát trước bất cứ cuộc tấn công nào. Lập trường lâu nay của Mỹ trong vấn đề này cũng bao hàm cả việc bảo vệ quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Những quan điểm mới nhất của tân Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho thấy sự liên tục trong chính sách an ninh đã được duy trì dưới thời cựu tổng thống Barack Obama.
Ngay sau những phát biểu của tân Bộ trưởng quốc phòng Mỹ về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo Mỹ không được gây bất ổn khu vực Đông Á.
Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lu Kang: "Đảo Điếu Ngư và các đảo nhỏ liền kề với nó đã luôn là một phần lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc kể từ thời cổ đại, đây là một sự thật lịch sử không thể thay đổi".
Theo đó người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Mỹ "có quan điểm có trách nhiệm, dừng đưa ra những tuyên bố sai trái… để tránh gây phức tạp thêm cho vấn đề này và gây bất ổn cho tình hình khu vực".
Ông Mattis nói chưa cần có hoạt động quân sự mạnh mẽ tại Biển Đông Ngày 4-2, cũng trong cuộc họp báo tại Tokyo, Nhật Bản, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis nêu quan điểm cho rằng phía Mỹ chưa cần có bất cứ hoạt động quân sự mạnh mẽ nào tại Biển Đông để đối phó với các động thái của Trung Quốc. Mặc dù vậy, ông vẫn chỉ trích gay gắt rằng Bắc Kinh đã "phá hỏng niềm tin của các nước trong khu vực". Trước đó trong phiên điều trần phê chuẩn vị trí được bổ nhiệm tại thượng viện của ứng cử viên ngoại trưởng Rex Tillerson, ông Tillerson từng có những quan điểm cứng rắn hơn khi cho rằng, Trung Quốc cần bị cấm tiếp cận những hòn đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông. Nhà Trắng cũng đã cam kết sẽ bảo vệ "những vùng lãnh thổ quốc tế" tại vùng biển chiến lược. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa rõ bằng cách nào nước Mỹ sẽ đạt được những mục tiêu đó. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận