28/03/2020 10:17 GMT+7

Mỹ: ca nhiễm tăng vọt, thất nghiệp đua theo

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Chỉ trong vòng 1 tuần rồi, hơn 3,3 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Đó là một con số kỷ lục và đáng kinh ngạc nhưng vẫn chưa bằng tốc độ lây nhiễm của virus corona tại xứ cờ hoa.

Mỹ: ca nhiễm tăng vọt,  thất nghiệp đua theo - Ảnh 1.

Tổng thống Trump quay lưng bước đi sau cuộc họp báo ngày 26-3. Tiến sĩ Anthony Fauci đứng khoanh tay và giữ biểu cảm quen thuộc trong suốt các cuộc họp báo gần đây - Ảnh: Reuters

Tính đến 19h30 ngày 27-3 (giờ Việt Nam), Mỹ vượt qua Ý và Trung Quốc, trở thành quốc gia có số bệnh nhân COVID-19 nhiều nhất thế giới với hơn 85.500 ca và 1.300 người chết.

“Người dân đang được yêu cầu đóng cửa doanh nghiệp của họ và ở nhà. Đến một lúc nào đó, chúng tôi sẽ kiểm soát được virus và tại thời điểm đó, sự tự tin sẽ quay trở lại.

Chủ tịch FED Jerome Powell

Vẫn chưa tới đỉnh dịch

Khi số ca nhiễm tại Mỹ đã đứng đầu thế giới, nhiều người tự hỏi còn bao lâu nữa đại dịch mới lên tới đỉnh điểm tại nước này?

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo, một người chỉ trích ông Trump kịch liệt những ngày gần đây, nhấn mạnh rằng các biện pháp giãn cách xã hội rõ ràng đang giúp làm chậm sự lây lan của virus corona. 

Ông dẫn chứng việc số bệnh nhân COVID-19 nhập viện đã giảm đều kể từ khi ông ra lệnh đóng cửa các ngành không thiết yếu và buộc 20 triệu dân New York ở nhà.

"Các mũi tên đang đi đúng hướng", ông Cuomo khẳng định và cho biết những biện pháp này có thể sẽ đẩy đỉnh dịch ra xa thêm khoảng 3 tuần nữa, tạo điều kiện cho hệ thống y tế chuẩn bị.

Các chuyên gia y tế đều cho rằng rất khó để đại dịch COVID-19 sớm kết thúc. Một số thậm chí còn tranh luận rằng dịch bệnh đang trong giai đoạn chờ ở các nước đã qua đỉnh dịch như Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt có thể giúp các nước tránh được các đợt bùng phát mới. Lấy ví dụ như đại dịch cúm Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ 20, dịch bệnh đã bùng phát 3 đợt và giết chết hơn 50 triệu người. 

Đến thời dịch SARS năm 2003 cũng do một chủng của virus corona gây ra, tiến sĩ Sharon Lewin ở Úc nhìn nhận dịch bệnh gần như đã biến mất hoàn toàn sau các biện pháp giãn cách xã hội dù cho đến nay vẫn chưa có văcxin.

Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cũng không tin COVID-19 sẽ biến mất hoàn toàn và nó có thể trở lại nước Mỹ trong tương lai. Nhưng đợt bùng phát mới sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, bởi khi đó Mỹ đã có kinh nghiệm đối phó dịch bệnh.

Mỹ: ca nhiễm tăng vọt,  thất nghiệp đua theo - Ảnh 3.

Đồ họa: T.ĐẠT

FED: ngăn dịch trước, lo kinh tế sau

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã lần đầu tiên thừa nhận nước Mỹ có thể đang trong giai đoạn suy thoái kinh tế, đồng thời cho rằng việc nới lỏng các hạn chế xã hội vốn đang gây thiệt hại cho nền kinh tế nên dựa trên tình hình dịch bệnh chứ không phải ý chí cá nhân của một người nào.

Xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp sau khi Thượng viện Mỹ thông qua gói kích thích 2.000 tỉ USD, ông Powell nhấn mạnh FED không "thiếu tiền" và sẽ không từ nỗ lực nào để hỗ trợ nền kinh tế. "Tôi không phải là một chuyên gia dịch tễ học. Tôi sẽ lắng nghe các chuyên gia y tế nói gì", ông Powell đặt vấn đề trong chương trình Today của Đài NBC ngày 26-3.

Người duy nhất mà ông Powell nhắc đến không phải là Tổng thống Trump hay bất kỳ trợ lý nào mà là tiến sĩ Anthony Fauci. "Tiến sĩ Fauci đã nói rằng con virus này sẽ quyết định mọi thời gian biểu. Tôi nghĩ điều đó là đúng, thứ tự ưu tiên của chúng ta nên là kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh trước rồi mới nghĩ đến việc nối lại các hoạt động kinh tế".

Tiến sĩ Fauci đồng ý việc nới lỏng các biện pháp hạn chế tự do sẽ có lợi cho nền kinh tế nhưng cho rằng đó là khi nhìn thấy số ca nhiễm trên toàn nước Mỹ giảm chứ không phải ở một vài địa phương cá biệt.

Ông Trump lùi bước?

Tổng thống Trump đã thể hiện một chút nhượng bộ khi cam kết sẽ nghe ý kiến của các chuyên gia về kế hoạch tái khởi động nền kinh tế vào lễ Phục sinh (12-4).

"Chúng tôi sẽ mở cửa lại nền kinh tế một cách có trách nhiệm, dựa trên các con số", Phó tổng thống Mỹ Mike Pence truyền đạt lại ý của ông Trump trong cuộc họp báo ngày 26-3 tại Nhà Trắng.

Các chuyên gia kinh tế dự đoán việc gián đoạn sản xuất do các lệnh hạn chế đi lại và giữ khoảng cách tiếp xúc xã hội có thể khiến nền kinh tế Mỹ co hẹp lại 14%. Tỉ lệ thất nghiệp có thể lên tới 15% trong tháng 4, cao hơn mức 10% trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

Dịch COVID-19 sáng 28-3: Mỹ hơn 100.000 ca bệnh, Ý thêm gần 1.000 ca tử vong Dịch COVID-19 sáng 28-3: Mỹ hơn 100.000 ca bệnh, Ý thêm gần 1.000 ca tử vong

TTO - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký phê chuẩn dự luật gói cứu trợ kỷ lục 2.000 tỉ USD trong bối cảnh số ca bệnh COVID-19 ở Mỹ tiếp tục tăng vọt, vượt mốc 100.000 ca. Tại Ý, số ca tử vong tăng thêm gần 1.000.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp