20/12/2017 08:51 GMT+7

Mỹ buông dần, Nhật phải thêm tiền giăng 'thiên la địa võng'

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Trước thế cờ bất lợi về một số mặt và mối đe dọa tăng dồn dập từ Triều Tiên, việc Nhật Bản chi mạnh cho hệ thống phòng thủ là điều tất yếu.

Mỹ buông dần, Nhật phải thêm tiền giăng thiên la địa võng - Ảnh 1.

Tàu khu trục Kurama (trái) dẫn đầu một hạm đội Nhật Bản thao diễn tại vịnh Sagami, phía nam thủ đô Tokyo - Ảnh: REUTERS

Nếu trong nay mai, lại tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật, gây đe dọa cho an ninh nước này thì Tokyo sẽ phải làm gì với kho vũ khí trong tay? Đó là câu hỏi phần nào lý giải cho những diễn biến mạnh mẽ trong lòng nước Nhật hiện nay.

Khi Triều Tiên phóng liên tiếp hai quả tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản chưa đầy một tháng trong năm nay (vào ngày 29-8 và 15-9) và chúng rơi xuống biển một cách "êm đẹp", người ta đã đặt ra nghi vấn rằng phải chăng hệ thống phòng thủ tên lửa Nhật chưa đủ sức hay vì hiến pháp hòa bình Nhật kềm chân quân đội nước này quá mức.

Có một thực tế là Hiến pháp Nhật Bản hiện giới hạn việc dùng vũ lực để tự vệ. Hiến pháp hòa bình chỉ cho phép quân đội Nhật bắn hạ các tên lửa bay về phía lãnh thổ Nhật Bản hoặc các mảnh vỡ tên lửa rơi trên lãnh thổ Nhật.

Khi chính quyền Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hồi năm 2015 rục rịch ý định sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp của nước Nhật vốn nói rõ "nhân dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền của quốc gia, cũng như sự đe doạ hoặc sử dụng vũ lực như công cụ giải quyết các tranh chấp quốc tế", hàng chục ngàn người dân Nhật đã biểu tình phản đối. Và ý định này cho đến nay vẫn chưa cho thấy sẽ khả dĩ trong tương lai gần.

Nếu nghi vấn trên là đúng và nước Nhật được quyền chọn thay đổi một trong hai "điểm yếu" này thì hẳn Tokyo chỉ còn một lựa chọn duy nhất: Đó là cải thiện năng lực phòng thủ tên lửa. Và quả thật nước Nhật đang đi theo hướng này để đối phó các mối đe dọa từ bên ngoài, đặc biệt là Triều Tiên.

Đó là chưa kể trong quan điểm "Nước Mỹ trước hết" của Tổng thống Donald Trump hiện nay, Washington cho rằng không hà cớ gì Mỹ phải chi quá nhiều tiền để bảo vệ cho các đồng minh của mình. Trong chuyến công du đến Nhật và Hàn Quốc vừa qua, vị lãnh đạo Nhà Trắng cũng yêu cầu hai đồng minh của mình cần bỏ tiền mua thêm... vũ khí Mỹ.

Mỹ buông dần, Nhật phải thêm tiền giăng thiên la địa võng - Ảnh 2.

Tin tức về vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được phát sóng trên màn hình công cộng ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày 15-9 - Ảnh: REUTERS

Chi đều cho vũ khí

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản mới đây cho hay chính phủ nước này dự định tăng ngân sách trong năm tài khóa 2018 bắt đầu từ tháng 4-2018 lên mức 97.700 tỉ yen (tương đương 868 tỉ USD). Đây sẽ là mức tăng kỷ lục trong vòng 6 năm qua.

Trong số này, một lượng lớn ngân sách sẽ được chi cho quốc phòng với số tiền dự kiến là 5.200 tỉ yen (46 tỉ USD). Con số này đã tăng khoảng 2,5% so với mức ngân sách quốc phòng trong tài khóa 2017.

Và trong ngân sách quốc phòng này, Nhật Bản được cho sẽ chi mạnh tay cho các hệ thống phòng thủ tên lửa. Ba ứng cử viên sáng giá nhất sẽ được Tokyo chăm chút sắp tới rất có khả năng là tàu khu trục mang hệ thống Aegis, Hệ thống năng lực tiên tiến Patriot-3 (PAC-3) và phiên bản Aegis trên mặt đất.

Và trong một động thái cho thấy điều này bước đầu đã đúng, ngày 19-12, nội các Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tán hành kế hoạch lắp thêm hai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore trên đất liền nhằm đối phó mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày một tăng từ Triều Tiên, theo báo Japan Times.

Quyết định này sẽ cho phép Bộ Quốc phòng Nhật mua thêm hai hệ thống Aegis Ashore từ Mỹ để bổ sung vào hệ thống phòng thủ tên lửa hai lớp của mình. Nhật Bản sẽ là quốc gia thứ ba triển khai hệ thống Aegis Ashore của Mỹ, bên cạnh Ba Lan và Romania.

Mỹ buông dần, Nhật phải thêm tiền giăng thiên la địa võng - Ảnh 3.

Hệ thống tên lửa bảo vệ thủ đô Tokyo - Ảnh: REUTERS

Các nguồn tin cho biết Tokyo đang xem xét triển khai hai hệ thống trên tại tỉnh Akita (phía Bắc) và Yamaguchi (phía Tây Nam) với thời gian triển khai sớm nhất là vào năm 2023. Mỗi hệ thống sẽ trị giá 100 tỉ yên (khoảng 888 triệu USD).

Các tiến triển trong chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên hiện đặt ra một mức đe dọa mới cho Nhật Bản và như những gì chúng tôi đã làm trong quá khứ, chúng tôi sẽ tiếp tục đảm bảo rằng chúng tôi có thể bảo vệ chính mình bằng cách đẩy mạnh cải tiến phòng thủ tên lửa đạn đạo"

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera tuyên bố ngày 19-12

Tạo thế "thiên la địa võng"

Nhật Bản hiện sở hữu hệ thống phòng thủ hai lớp. Lớp đầu tiên là các tàu khu trục được tích hợp hệ thống chiến đấu Aegis và hệ thống đánh chặn tên lửa SM-3 của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF). Lớp thứ hai là hệ thống tên lửa Patriot PAC-3 trên đất liền của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật (ASDF).

Các đơn vị nằm trong hệ thống PAC-3 được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đạn đạo trước khi các tên lửa này bắn trúng mục tiêu trên mặt đất. Tiếp đến, hệ thống này sẽ hỗ trợ các tên lửa đánh chặn trên các tàu khu trục của Tokyo ở Biển Nhật Bản trong trường hợp các tên lửa đánh chặn trên tàu khu trục không thể bắn hạ tên lửa đối phương trong không trung.

Với việc đầu tư thêm Aegis Ashore trên mặt đất, lá chắn trên mặt đất của Nhật sẽ mạnh thêm nhiều lần. Aegis Shore được trang bị hệ thống đánh chặn SM-3 Block IIA do Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật (GSDF) vận hành. SM-3 Block IIA là hệ thống đánh chặn mới nhất và tiên tiến nhất được Tokyo và Washington phát triển chung.

Hệ thống Aegis Ashore là một biến thể của hệ thống chiến đấu Aegis được Mỹ phát triển cho các tàu chiến. Aegis Ashore cấu thành từ các bộ phận chính là radar, máy tính điều khiển và tên lửa. Chính phủ Nhật cho biết việc sở hữu hệ thống Aegis Ashore sẽ tạo ra lá chắn bảo vệ toàn lãnh thổ Nhật Bản từ Hokkaido tới Okinawa.

Tokyo cũng từng xem xét mua Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) từ Mỹ. Tuy nhiên, phải lắp đặt THAAD tại 6 địa điểm thì mới có thể tạo lá chắn bao phủ toàn bộ quốc gia. Bộ Quốc phòng Nhật Bản đánh giá Aegis Ashore sẽ hiệu quả hơn nhiều so với THAAD.

Ngay sau khi Triều Tiên trong vòng chưa đầy một tháng phóng liên tiếp hai tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản trong năm nay, Nhật Bản từ hôm 19-9 còn triển khai một đơn vị đánh chặn tên lửa nằm trong hệ thống PAC-3 tới căn cứ Hakodate nằm ở đảo Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản, gần với quỹ đạo của các tên lửa được Triều Tiên phóng bay qua.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera mô tả động thái này nhằm đề phòng trước mối đe dọa ngày một tăng từ Triều Tiên. Hồi tháng 8, Nhật Bản còn triển khai bốn đơn vị PAC-3 tới các tỉnh phía Tây nước này sau khi Triều Tiên đe dọa phóng tên lửa về hướng đảo Guam, nơi được mệnh danh là tàu sân bay không chìm của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Mỹ buông dần, Nhật phải thêm tiền giăng thiên la địa võng - Ảnh 5.

Một bệ phóng nằm trong hệ thống PAC-3 của Nhật Bản được triển khai trong một cuộc tập trận ở tỉnh Chiba - Ảnh: AFP

Với việc sử dụng các tên lửa phòng thủ này, chúng tôi có thể đối phó các đơn vị hải quân hay lục quân của một kẻ thù nào đó xâm lược quốc gia chúng tôi"

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera

Tokyo lần đầu tiên nhìn nhận tầm quan trọng của hệ thống phòng thủ là vào những năm 1990 khi Trung Quốc bắt đầu đầu tư mạnh cho các tên lửa tầm ngắn (như Đông Phong-15) và tầm trung (như Đông Phong-21) với tầm bắn có thể vươn tới Nhật Bản và Đài Loan. Tuy nhiên vì giới hạn về mặt hiến pháp, hiện Nhật sở hữu tên lửa có tầm bắn xa nhất chỉ 300 km.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera đầu tháng 12 nói rằng Nhật đang lên kế hoạch mua các tên lửa có tầm bắn gần 1.000 km cho các chiến đấu cơ tàng hình F-35A và sẽ chỉ dùng chúng cho mục đích phòng thủ.

Hiện có nhiều nguồn tin trái ngược nhau liên quan tới việc liệu Bộ Quốc phòng Nhật sẽ chi ngân sách cho các tên lửa đạn đạo này hay không. Nếu có, đây sẽ là một bước phá mạnh của Nhật kể từ sau Thế chiến 2 khi nước này duy trì hiến pháp hòa bình. Động thái chắc chắn sẽ gây nhiều tranh cãi.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp