Một phóng viên của Đài NBC bị trúng lựu đạn choáng của cảnh sát khi đang tác nghiệp biểu tình - Ảnh chụp màn hình
Theo Hãng tin Reuters, Anh, Úc và Đức - các đồng minh của Mỹ - đã có một hành động bất thường khi lên tiếng bày tỏ quan ngại về các hành động của cảnh sát Mỹ đối với cánh nhà báo.
Trong đó, Úc mô tả họ đã bị choáng khi thấy cảnh hai nhà báo đang làm việc cho một đài truyền hình Úc bị cảnh sát tấn công ngay bên ngoài Nhà Trắng. Ngoại trưởng Úc Marise Paynet tuyên bố Canberra sẽ tự điều tra và "quan ngại mạnh mẽ" về cách lực lượng thực thi pháp luật Mỹ đối xử với công dân của mình.
"Tôi biết có những lo ngại từ vài nước có phóng viên bị đối xử không đúng mực. Một số cáo buộc đã được gởi đến Bộ Ngoại giao Mỹ. Chúng tôi sẽ xử lý những chuyện này một cách phù hợp. Chúng tôi sẽ cố gắng điều tra hết sức", ông Pompeo cam kết trong một cuộc họp báo ngày 10-6.
Các quan ngại về tình trạng bạo lực với phóng viên không chỉ đến từ các nước đồng minh Mỹ. Hồi tuần trước, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, bà Michelle Bachele, đã báo cáo về những gì bà gọi là sự gây hấn chưa từng thấy đối với các nhà báo khi tác nghiệp ở Minneapolis.
Theo bà Bachele, ít nhất 200 nhà báo đã bị cản trở hoặc bị bắt giữ bởi cảnh sát khi tác nghiệp trong cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd.
Nga - quốc gia thường bị Mỹ chỉ trích là không có tự do báo chí và vi phạm nhân quyền, cũng nhanh chóng lên tiếng chỉ trích khi một nữ nhà báo làm việc cho Đài Sputnik rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Trong khi đó, Trung Quốc và Iran chỉ trích Mỹ đã sử dụng tiêu chuẩn kép khi lên án và cáo buộc các nước này đàn áp những người bất đồng chính kiến nhưng lại sử dụng bạo lực với người biểu tình Mỹ.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đặc biệt tranh thủ cuộc biểu tình ở Mỹ để phản pháo. Trên các mạng xã hội như Twitter, họ liên tục phát đi các hình ảnh cảnh sát trấn áp người biểu tình để mỉa mai tự do báo chí của xứ cờ hoa và cho rằng Mỹ không nên tự nhận là người bảo vệ nhân quyền của thế giới nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận