Nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng Margaret Atwood cũng bị ăn cắp bản thảo - Ảnh: PA
Anh Filippo Bernardini, 29 tuổi, một công dân Ý làm việc tại Nhà xuất bản Simon & Schuster (trực thuộc Tập đoàn xuất bản và phát hành sách Penguin Random House lớn nhất Mỹ), đã bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt khi hạ cánh xuống sân bay John F. Kennedy ở thành phố New York (Mỹ) vào hôm 5-1.
FBI cáo buộc Bernardini đã "mạo danh và lừa đảo hàng trăm cá nhân" để có được bản thảo các tác phẩm chưa được xuất bản. Bernardini bị buộc tội đã đăng ký hơn 160 tên miền Internet giả để mạo danh người khác kể từ năm 2016, theo ghi nhận của báo The Guardian.
Vụ bắt giữ Bernardini có thể giúp vén tấm màn bí ẩn về sự việc liên quan tới giới văn chương thế giới trong 5 năm qua khi hàng trăm bản thảo đã bị lấy cắp. Theo báo Times, vụ lừa đảo này đã làm ảnh hưởng đến các nhà xuất bản khắp nơi trên thế giới.
Một số tác giả, biên tập viên và thậm chí cả giám khảo của giải Booker đã từng là nạn nhân của trò lừa đảo liên quan đến bản thảo của các tiểu thuyết "ăn khách". Trong số đó có các tác giả nổi tiếng như Margaret Atwood, Sally Rooney và diễn viên Ethan Hawke.
Giải Booker trước đây có tên là Giải thưởng văn học Booker, được trao hằng năm cho một tiểu thuyết dài viết bằng tiếng Anh được coi là hay nhất và tác giả là công dân thuộc Khối Thịnh vượng chung, gồm 54 quốc gia thành viên.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Nhà xuất bản Simon & Schuster cho biết họ "bị sốc và kinh hoàng" trước những cáo buộc với Bernardini và đã đình chỉ công việc của anh này để chờ thêm thông tin.
"Việc bảo vệ an toàn tài sản trí tuệ của các tác giả có tầm quan trọng hàng đầu đối với Simon & Schuster cũng như ngành xuất bản. Chúng tôi biết ơn FBI đã điều tra những vụ việc này và đưa thủ phạm ra ánh sáng", người phát ngôn nhấn mạnh.
Nhà xuất bản Simon & Schuster không có tên trong bản cáo trạng và theo báo Guardian, họ không bị buộc tội liên đới.
Ngành xuất bản nhiều nước và các cơ quan chức năng đã bị bối rối trong nhiều năm bởi chưa hiểu động cơ của những vụ lừa gạt lấy cắp bản thảo này.
Không có yêu cầu tiền chuộc hoặc tống tiền nào thành hiện thực sau khi các bản thảo bị lừa đảo lấy cắp. Không có bản thảo nào bị đăng lên mạng Internet.
Kẻ lừa đảo đã tạo ra các địa chỉ email được chỉnh sửa đôi chút để đánh lừa các nhà xuất bản, bao gồm thay thế "t" bằng "f", "q" bằng "g" và sử dụng "r" và "n" để tạo thành "m".
Bên cạnh đó, hắn còn sử dụng biệt ngữ trong ngành, chẳng hạn như "ms" cho bản thảo và thể hiện sự hiểu biết về quy trình xuất bản, điều này đã đánh lừa một số người trong việc chuyển giao bản thảo và thông tin về các dự án sắp tới hoặc bản quyền phim.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận