02/08/2023 11:07 GMT+7

Mỹ, Âu chưa hết lo vì con chip

Mỹ đang nỗ lực ngăn Trung Quốc tiếp cận các loại chip tiên tiến, nhưng sắp tới Washington có thể sẽ lại đau đầu vì một thứ quan trọng không kém khác: các loại chip đời cũ vốn rất cần thiết trong sản xuất ô tô, tủ lạnh, máy giặt...

Hội nghị Chất bán dẫn thế giới năm 2023 được tổ chức tại TP Nam Kinh (Trung Quốc) hôm 19-7 - Ảnh: VCG

Hội nghị Chất bán dẫn thế giới năm 2023 được tổ chức tại TP Nam Kinh (Trung Quốc) hôm 19-7 - Ảnh: VCG

Cách đây khoảng hai tháng rưỡi, tạp chí National Interest (Mỹ) giật tít: "Đừng xem nhẹ mối đe dọa của chip đời cũ Trung Quốc đối với kinh tế và an ninh".

Đầu tuần này, Hãng tin Bloomberg (Mỹ) trở lại đề tài này khi cho biết giới chức Mỹ và châu Âu ngày càng lo ngại việc Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất chip đời cũ và họ đang tìm cách kiềm chế Bắc Kinh hơn nữa.

Trung Quốc đổ tiền vào chip đời cũ

Các chip tiên tiến nhất là những chip được sản xuất bằng kỹ thuật khắc mỏng nhất, nổi bật hiện nay là chip 3 nanomet. Trong khi đó, các chip truyền thống hoặc chip đời cũ thường là loại được sản xuất bằng quy trình 28 nanomet trở lên - công nghệ có từ cách đây hơn một thập niên, rất quan trọng với ngành ô tô, điện tử tiêu dùng...

Thời gian qua Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện các biện pháp kiểm soát rộng rãi để hạn chế Trung Quốc tiếp cận những loại chip tiên tiến vốn cần thiết cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và các ứng dụng quân sự. Nhưng Trung Quốc đã phản ứng bằng cách rót hàng tỉ USD vào các nhà máy sản xuất chip đời cũ vốn chưa bị cấm.

Những con chip truyền thống vẫn cần thiết trong nền kinh tế toàn cầu và là thành phần quan trọng cho mọi thứ, từ điện thoại thông minh, xe điện cho đến phần cứng quân sự.

Các công ty Trung Quốc có lẽ nhận ra phương Tây đã đánh giá thấp tầm quan trọng của chip đời cũ nên quyết định tăng sản lượng. Đầu năm nay ông John Lee, giám đốc Công ty tư vấn East West Futures, nhận định vai trò của Trung Quốc trong việc cung cấp "những con chip không thể thiếu này" đang trở nên "lớn hơn chứ không phải nhỏ hơn".

Dẫn đầu nỗ lực đó là Tập đoàn Sản xuất vật liệu bán dẫn quốc tế (SMIC), nhà sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ đã đưa SMIC vào "danh sách thực thể" vào cuối năm 2020 với ý định loại bỏ khả năng sản xuất chip tiên tiến của họ. Tuy nhiên mảng chip đời cũ của SMIC vẫn không bị ảnh hưởng.

Công ty này đã đạt doanh thu kỷ lục 7,2 tỉ USD trong năm 2022 nhờ nhu cầu mạnh mẽ của thị trường với chip đời cũ.

Tìm chiến lược mới

Theo Hãng tin Bloomberg, các nguồn thạo tin nói việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào chip đời cũ làm dấy lên những lo ngại mới về ảnh hưởng tiềm năng của Trung Quốc. Giới chức Mỹ, châu Âu phải thảo luận các chiến lược mới nhằm kiềm chế Bắc Kinh hơn nữa. Các nguồn tin này cho hay Mỹ quyết tâm ngăn chip trở thành đòn bẩy của Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã ám chỉ vấn đề này trong cuộc thảo luận tuần trước tại Viện Doanh nghiệp Mỹ. Bà nói Trung Quốc đang đổ nhiều tiền vào việc trợ cấp cho lĩnh vực chip đời cũ, "đó là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ và hợp tác với các đồng minh của mình để vượt lên".

Các nguồn tin cho rằng giới quan chức Mỹ và EU lo ngại cả vì lý do kinh tế lẫn an ninh. Họ cho rằng các công ty Trung Quốc có thể bán phá giá chip đời cũ trên thị trường toàn cầu trong tương lai để "bóp chết" các đối thủ nước ngoài trong các ngành như năng lượng mặt trời.

Các công ty phương Tây sau đó có thể sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc về chất bán dẫn này. Việc mua những thành phần công nghệ quan trọng như vậy từ Trung Quốc có thể dẫn tới rủi ro an ninh quốc gia, đặc biệt nếu liên quan thiết bị quốc phòng.

Hai nhà nghiên cứu Robert Daly và Matthew Turpin gần đây nhận định trong bài viết của Viện Hoover thuộc Đại học Stanford: "Mỹ và các đối tác của mình nên cảnh giác để giảm thiểu hành vi phi thị trường của các công ty bán dẫn mới nổi đến từ Trung Quốc. Theo thời gian, Mỹ hoặc các đối tác có thể trở nên phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, ảnh hưởng đến sự tự chủ chiến lược của Mỹ".

Các cú sốc nguồn cung đã làm chao đảo những công ty như Apple và các nhà sản xuất xe hơi ở đỉnh điểm của đại dịch COVID-19. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của chip đời cũ. Tình trạng thiếu chip khiến các doanh nghiệp thiệt hại hàng trăm tỉ USD.

Hiện nay Mỹ và các nước châu Âu đang cố gắng sản xuất chip trong nước để giảm phụ thuộc vào châu Á. Chính phủ các nước này đã tài trợ cho các nhà máy địa phương, trong đó có việc ông Biden ký ban hành Đạo luật CHIPS và khoa học, cung cấp 52 tỉ USD hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn.

"Nỗi đau công nghệ" gia tăng

Trong lúc đó các biện pháp hạn chế xuất khẩu sâu rộng của Mỹ liên quan việc bán chip tiên tiến sang Trung Quốc dường như đang có tác dụng, khiến "nỗi đau công nghệ" của Bắc Kinh gia tăng, theo báo Wall Street Journal hôm 31-7. Các công ty Trung Quốc cho biết họ đang phải vật lộn để có được các linh kiện và máy móc quan trọng.

Dữ liệu hải quan do Trung Quốc công bố trong tháng 7 đã nêu bật thực tế mà các nhà nhập khẩu chip tiên tiến của Trung Quốc đối mặt: Nhập khẩu chất bán dẫn đã giảm 22% về giá trị trong sáu tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái, còn nhập khẩu thiết bị sản xuất chip giảm 23%, kéo dài đà giảm của năm ngoái.

Trung Quốc siết xuất khẩu 2 kim loại hiếm dùng sản xuất chipTrung Quốc siết xuất khẩu 2 kim loại hiếm dùng sản xuất chip

Trung Quốc áp lệnh cấm xuất khẩu gallium và germanium, các kim loại hiếm quan trọng để sản xuất vật liệu bán dẫn, nhằm đáp lại việc Mỹ và châu Âu cấm xuất khẩu chip cho Bắc Kinh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp