
Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu bị ảnh hưởng mức thuế quan mới của Mỹ - Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Phản ứng từ trong lòng nước Mỹ và từ Việt Nam (chúng ta bị áp mức 46%) với mức thuế này thế nào?
Bức tranh toàn cảnh
Theo đó, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 10% cho tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ các quốc gia và sẽ có hiệu lực từ ngày 5-4 nhằm đáp lại những "thực hành thương mại không công bằng" và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước của Mỹ.
Bên cạnh đó, các mức thuế bổ sung đã được áp dụng cho khoảng 60 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ, áp dụng từ ngày 9-4, được xem như biện pháp trả đũa để đối phó với các rào cản thương mại của các quốc gia này.
Các quốc gia Đông Nam Á nằm trong nhóm những nước bị đánh thuế cao nhất, lần lượt là 49% với Campuchia, 48% với Lào và 46% với Việt Nam. Các đối tác thương mại lớn của Mỹ cũng không nằm ngoài danh sách này gồm Trung Quốc 34% (cộng với thuế 20% trước đó, nâng tổng mức thuế lên 54%), Liên minh châu Âu 20%, Ấn Độ 26%...
Đáng chú ý, Myanmar - quốc gia đang phải đối mặt với thảm họa kép khi vừa trải qua trận động đất kinh hoàng khiến 3.000 người thiệt mạng hôm 28-3, vừa chìm trong nội chiến kéo dài suốt bốn năm qua - cũng nằm trong nhóm các quốc gia bị Mỹ áp thuế cao nhất (44%).
Mexico và Canada sẽ không bị áp mức thuế mới nhưng vẫn phải chịu thuế 25% mà Washington đã áp dụng từ tháng trước để đối phó với vấn nạn fentanyl và tình trạng di cư từ Mexico.
Tuy nhiên Tổng thống Trump đã đồng ý miễn thuế cho các mặt hàng thuộc Hiệp định thương mại USMCA giữa ba quốc gia. Nga cũng không nằm trong danh sách này vì các lệnh trừng phạt từ cuộc chiến ở Ukraine đã khiến thương mại giữa Mỹ và Nga gần như bằng 0.

Tổng thống Trump giơ tấm bảng mức thuế các nước đang áp với Mỹ và thuế đối ứng - Ảnh: Reuters
Phản ứng trái chiều từ trong lòng nước Mỹ
Sau tuyên bố áp thuế đối ứng của ông Trump, các doanh nghiệp, chuyên gia thương mại, nhà lập pháp Dân chủ và nhiều nhà kinh tế Mỹ đã cảnh báo rằng chính sách này sẽ khiến giá cả tăng cao, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
"Đây là một thảm họa đối với các gia đình Mỹ. Chúng tôi hy vọng rằng tổng thống sẽ đưa ra cách tiếp cận có mục tiêu hơn, những mức thuế diện rộng như vậy chỉ khiến giá cả tăng cao, giảm chất lượng sản phẩm và làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng", chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Tổ chức Phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ Matt Priest nhận định.
Ngoài ra, Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ tuyên bố nhấn mạnh rằng các mức thuế mới này sẽ gây ra nhiều lo lắng và bất ổn hơn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ chứ không phải các quốc gia khác hay nhà cung cấp nước ngoài. Bên cạnh đó, việc thuế quan có hiệu lực ngay lập tức là "một trọng trách khổng lồ", đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước của hàng triệu doanh nghiệp Mỹ.
Trong khi đó, Hiệp hội Các nhà sản xuất quốc gia Mỹ cho biết đang phân tích các chi tiết và tác động cụ thể nhưng chủ tịch hiệp hội Jay Timmons tuyên bố chi phí cao từ các mức thuế mới có thể đe dọa đến đầu tư, việc làm, chuỗi cung ứng, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Mỹ so với các nước khác cũng như vị thế dẫn đầu của Mỹ với tư cách là cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới.
Bên cạnh một số phản ứng có phần quan ngại và lo lắng, nhiều tổ chức khác lại bày tỏ quan điểm lạc quan hơn, thậm chí có phần tích cực hơn.
Phó chủ tịch Liên minh vì một nước Mỹ thịnh vượng Nick Iacovella - tổ chức ủng hộ chính sách thuế quan - cho biết tuyên bố hôm nay (ngày 2-4 giờ Mỹ) được xem là "hành động vĩ đại nhất dành cho chính sách thương mại và kinh tế trong lịch sử đất nước", qua đó củng cố di sản của Tổng thống Trump và giúp ông mở ra kỷ nguyên vàng mới của nền kinh tế sản xuất và sự thịnh vượng.
Ngoài ra những loại thuế này sẽ giúp "tái công nghiệp hóa nước Mỹ trên diện rộng và tạo ra công ăn việc làm cho tầng lớp lao động".
Một số nhà lập pháp Dân chủ thì chỉ trích mức thuế quan mới của ông Trump. Thượng nghị sĩ Ron Wyden cho rằng thuế quan sẽ làm tăng giá cả và gia tăng sự bất ổn cho các doanh nghiệp, theo báo New York Times. Thêm vào đó, ông Wyden đánh giá kế hoạch áp thuế của ông Trump không giúp khôi phục ngành sản xuất Mỹ hay cải thiện cuộc sống cho các gia đình lao động.
Ông nhấn mạnh: "Đây thực chất là một khoản thuế đánh vào gần như mọi thứ mà các gia đình Mỹ mua sắm, để ông Trump cắt giảm thuế cho những người bạn tỉ phú của mình". Những cảnh báo tương tự cũng được các nhà kinh tế học lặp đi lặp lại. Thậm chí nhiều nhà kinh tế cũng đưa ra dự báo theo hướng giảm tăng trưởng và tăng lạm phát sau tuyên bố thuế quan của ông Trump.
Theo bà Nancy Lazar - nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Ngân hàng Đầu tư Piper Sand, tăng trưởng trong quý 2 có thể giảm 1% vì "giá cả tăng mạnh hơn". Điều này sẽ tác động tiêu cực đến lĩnh vực tiêu dùng nhiều hơn so với các dự báo trước đó. Bà khẳng định mức thuế mới của ông Trump là "một cú sốc ngay lập tức đối với nền kinh tế".
Trong khi đó, ông James Knightley - nhà kinh tế trưởng quốc tế tại Tập đoàn tài chính đa quốc gia ING (Hà Lan) - cảnh báo mức thuế quan ở quy mô này, kết hợp với những tác động từ khả năng trả đũa của các quốc gia khác, sẽ làm giảm sức mua và ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp.
Áp thuế dựa vào đâu?
Dù đưa ra một bảng tính thuế đối ứng sẽ áp dụng với các quốc gia nhưng Tổng thống Trump đã không hề giải thích các con số trong bảng được tính toán dựa trên cơ sở nào.
Tuy nhiên theo báo New York Times nhận định các con số "rào cản thương mại" trong bảng được tính dựa trên tỉ lệ giữa thâm hụt thương mại của Mỹ với quốc gia đó và kim ngạch xuất khẩu của quốc gia đó vào Mỹ.
Điều này cho thấy chính quyền Tổng thống Trump đã chọn cách xác định thuế đối ứng dựa trên thâm hụt thương mại, thay vì chỉ dựa vào mức thuế quan mà các nước áp lên hàng hóa Mỹ như nhiều suy đoán ban đầu.
Ngoài ra, theo ông Mark Zandi - chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody's, kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã có cách tiếp cận không ổn định với thuế quan khi liên tục đe dọa áp thuế rồi rút lại sau khi đạt được nhượng bộ từ các nước. Sắc lệnh lần này cũng bao gồm quyền "điều chỉnh", cho phép ông tăng hoặc giảm mức thuế tùy theo tình hình.
Thuế đối ứng của Mỹ là gì?
* Bản chất: đáp trả thuế nước khác áp lên hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.
* Hình thức: thuế quan, hạn chế thương mại.
* Mức độ: ngang bằng hoặc thấp hơn mức thuế nước khác đang áp.
* Mục đích:
- Công cụ đàm phán thương mại.
- Bảo vệ doanh nghiệp trong nước.
- Cân bằng cán cân thương mại.
- Loại bỏ rào cản thương mại nước khác áp với hàng hóa Mỹ.
* Hệ quả:
- Vòng lặp áp thuế - đáp trả.
- Gián đoạn chuỗi cung ứng.
- Tăng chi phí với chính người dân Mỹ.
Nguồn: Nhà Trắng, Bộ Thương mại Mỹ. Tổng hợp: DUY LINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận