03/04/2025 12:02 GMT+7

Mỹ áp thuế 46%, ngành nào của Việt Nam sẽ chịu tổn thương nhất?

Theo chuyên gia, những ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ... khi Mỹ áp thuế quan đối ứng 46%.

Mỹ áp thuế 46% - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ quan ngại trước mức thuế quan mới từ nước này áp với Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với thách thức lớn khi Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu, gây lo ngại về doanh thu và thị trường tiêu thụ.

Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 46%, thuộc hàng cao nhất trong số hàng chục nền kinh tế bị áp thuế đối ứng theo sắc thuế do ông Trump ký vào rạng sáng 3-4 theo giờ Việt Nam.

Ngành nào đang xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ?

Theo các chuyên gia, thuế quan cao hơn của Mỹ sẽ thách thức các nhà sản xuất lẫn các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam. Đặc biệt mức thuế đối với các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam lại thấp hơn chúng ta.

Ông Nguyễn Đình Duy, CFA, giám đốc - chuyên gia phân tích cao cấp của VIS Rating - một công ty chuyên xếp hạng tín nhiệm, cho rằng những ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ.

Các ngành này chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và nhiều doanh nghiệp có tỉ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên ông Duy vẫn kỳ vọng tác động sẽ phân hóa giữa các ngành và từng công ty.

Ngoài ra theo ông Duy, các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác.

"Nhưng các nhà sản xuất nội địa về dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế", ông Duy lo ngại.

Chưa kể, những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh số xuất khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm sút và dòng tiền hoạt động kém hơn.

Khối phân tích VIS Rating dẫn ra, trong số các nhà sản xuất dệt may nội địa, Công ty May Sông Hồng (MSH) có 80% doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ, TNG (TNG) 46%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) 35%, Dệt May Thành Công (TCM) 25%. Savimex (SAV), một nhà sản xuất đồ gỗ lớn, có 50% doanh thu từ xuất khẩu là sang thị trường Mỹ.

Thống kê tổng kim ngạch xuất khẩu bằng 85% GDP của Việt Nam năm 2024, do đó xuất khẩu là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thuế quan cao hơn đối với xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ đẩy giá cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ cũng như làm giảm nhu cầu và doanh số của sản phẩm Việt Nam.

Có 1 tuần để đàm phán sau khi Mỹ áp thuế 46%

Ông Vũ Duy Khánh, giám đốc phân tích Chứng khoán SmartInvest, bình luận việc Việt Nam trong diện áp thuế đối ứng là 46% là con số rất cao. Việt Nam có 1 tuần để đàm phán vì ngày 9-4 mới có hiệu lực.

Theo phân tích từ ông Khánh, một số hàng hóa sẽ không phải chịu thuế quan qua lại, chỉ có dệt may, thủy sản, đồ gỗ nội thất… chịu tác động đáng kể nhất.

"Nhìn một cách tổng thể, tất cả các nước châu Á đều bị thuế cao. Các nước Mỹ Latin chịu thuế thấp. Nếu điều này là kéo dài lâu, chuỗi cung ứng sẽ dịch chuyển sang Mỹ Latin. Trong ngắn hạn giá xuất khẩu hàng hóa từ châu Á vào Mỹ sẽ tăng", ông Khánh nói.

Trước đó, trong vài tuần qua, đại diện Chính phủ Việt Nam và Mỹ đã nhiều lần gặp nhau để đàm phán các biện pháp thương mại mới và điều chỉnh chính sách.

Ngoài việc giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt các thỏa thuận mới cho phép các tập đoàn Mỹ hoạt động tại Việt Nam. Đơn cử, SpaceX của Mỹ đã nhận được sự chấp thuận để triển khai thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam.

Các biện pháp này, về lý thuyết theo giới phân tích, sẽ giúp thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa Mỹ và giảm thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ theo thời gian. Nhưng chính các cuộc đàm phán đang và sắp diễn ra giữa hai chính phủ mới quyết định mức độ chính sách thuế quan mới của Mỹ cũng như việc sẽ áp dụng nó trong bao lâu.

"Sự suy giảm trong các ngành xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước, vì các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng tới 30% lực lượng lao động của Việt Nam", ông Nguyễn Đình Duy - chuyên gia VIS Rating lo ngại.

Cũng theo vị này, các hạn chế thương mại gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút dòng vốn đầu tư trong tương lai của Việt Nam, và làm giảm triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 của Việt Nam.

Trong những năm qua, Việt Nam đã hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư nước ngoài, và sự chuyển dịch trong chuỗi cung ứng toàn cầu để trở thành trung tâm sản xuất quan trọng cho nhiều tập đoàn đa quốc gia.

Mỹ áp thuế 46%, ngành nào của Việt Nam sẽ chịu tổn thương nhất? - Ảnh 4.Giá vàng, USD tăng 'thẳng đứng' sau khi ông Trump công bố mức áp thuế mới

Giá vàng lập kỷ lục chưa từng có sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế đối ứng gây sốc cho thị trường. Giá USD cũng tăng vọt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp