Tàu khu trục HMS Argyll của Hải quân hoàng gia Anh - Ảnh chụp màn hình
Hãng tin Reuters cho biết đây là lần đầu tiên hải quân hai nước tiến hành các hoạt động diễn tập trên Biển Đông kể từ sau khi Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo từ những thực thể chiếm đóng trái phép, biến chúng thành căn cứ.
Theo thông cáo báo chí ngày 16-1 của hải quân Mỹ, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell đã xuất phát từ Nhật Bản để hội quân cùng với tàu khu trục HMS Argyll của Hải quân Hoàng gia Anh đang trong đợt triển khai đến châu Á.
Hai bên đã tiến hành một loạt các khoa mục diễn tập khác nhau từ ngày 11-1 đến 16-1. "Chưa có hoạt động chung nào như vậy tại Biển Đông trong thời gian gần đây" - một phát ngôn viên của Hải quân Mỹ xác nhận.
Đây cũng cuộc tập trận chung lần đầu tiên giữa Mỹ và Anh tại Biển Đông kể từ năm 2010.
Động thái diễn ra trong bối cảnh có nhiều chỉ dấu cho thấy nước Anh đang "xoay trục" sang châu Á sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Tham gia bên phía Hải quân Mỹ có tàu khu trục USS McCampbell là con tàu đã thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông hôm 7-1.
Chuyến đi đúng vào ngày Mỹ và Trung Quốc tổ chức đàm phán thương mại ở Bắc Kinh và tàu USS McCampbell đã tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hải quân Mỹ khi đó tuyên bố động thái tuần tra nhằm "thách thức các yêu sách hàng hải quá quắt" của Trung Quốc.
Phía Trung Quốc sau đó đã phản ứng mạnh, gọi hành động của Mỹ là khiêu khích. Các học giả Trung Quốc đe dọa Anh sẽ phải lãnh hậu quả không lường trước nếu theo chân Mỹ ở Biển Đông.
Hiện Trung Quốc vẫn chưa đưa ra phản ứng trước cuộc tập trận của Anh và Mỹ vừa kết thúc.
Thủy thủ Mỹ trên tàu khu trục USS McCampbell - Ảnh: REUTERS
Ngày 9-1, trả lời câu hỏi phóng viên về việc tàu USS McCampbell của Mỹ vừa đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và là quốc gia ven biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế".
Cũng theo bà Lê Thị Thu Hằng, những yêu sách biển và hành động liên quan của các quốc gia ven biển cần phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Hồi tháng 8 năm ngoái, HMS Albion - một tàu chiến trọng tải 22.000 tấn của Anh, đã áp sát các thực thể tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Việc Anh cử tàu chiến đến Biển Đông tập trận được xem là sự thách thức trực tiếp đầu tiên của London trước yêu sách chủ quyền vô lý của Bắc Kinh trong khu vực.
Washington trước đó đã kêu gọi sự tham gia của nhiều nước khác trong các hoạt động dưới danh nghĩa "bảo vệ tự do hàng hải, hàng không" tại Biển Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận