Mỹ đang muốn “chào sân” bằng cách gây sức ép mới với nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc?
Phóng to |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Sukampol Suwannathat duyệt đội danh dự tại trụ sở Bộ Quốc phòng Thái ngày 15-11 - Ảnh: Reuters |
Đây cũng là cuộc gặp song phương đầu tiên giữa ông Panetta và người đồng cấp Thái Lan kể từ năm 2008. Các căn cứ không quân và cảng biển của Thái Lan vẫn đóng vai trò quan trọng đối với mạng lưới hậu cần cho Mỹ ở châu Á và hàng chục cuộc tập trận phối hợp với nước này hằng năm.
AFP dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết ngoài việc tái khẳng định mối quan hệ an ninh với Thái Lan, hai nước cũng sẽ thảo luận các bước thăm dò để nối lại việc tiếp xúc quân sự của Mỹ với Myanmar. Mỹ cũng đã dự tính mời Myanmar tham gia cuộc tập trận Hổ mang vàng vào năm tới với tư cách quan sát viên, một dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ - Myanmar đang dần tan băng. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng sẽ thăm Myanmar trong những ngày tới, nơi ông có cuộc gặp với Tổng thống Thein Sein và lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi.
Sau khi ghé thăm Bangkok, theo kế hoạch, ông Panetta sẽ đến Campuchia hôm nay (16-11) để tham dự cuộc họp cùng các bộ trưởng quốc phòng ASEAN.
Tái khẳng định quan hệ
Nhân chuyến công du của ông Panetta đến Bangkok, Mỹ và Thái Lan đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung 2012 về quốc phòng. Theo báo The Nation, tuyên bố này có những điểm đáng chú ý như: khẳng định Thái Lan là một đồng minh lớn ngoài NATO của Mỹ, hai nước sẽ tăng cường mối quan hệ đồng minh quân sự trong thế kỷ 21, hai nước sẽ là đối tác của nhau trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh mới ở Đông Nam Á, ủng hộ và đề cao sự ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ sẽ giúp phát triển và hiện đại hóa quân đội Thái Lan.
Một số học giả Thái Lan tỏ ý lo ngại việc hợp tác với Mỹ có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Bangkok và Bắc Kinh vì Washington đang muốn tận dụng việc hợp tác với Thái Lan để kiềm chế Trung Quốc. Báo The Nation dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Sukampol Suwannathat khẳng định việc ký kết này hoàn toàn không ảnh hưởng đến các mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc, và đơn giản chỉ là tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược Thái - Mỹ và hợp tác quốc phòng. Ông Sukampol cho rằng Chính phủ Thái đã nhìn thấy rõ tình hình trong khu vực và cho rằng cần cân bằng hai cường quốc này.
“Nếu cứ nhìn vấn đề theo cách đó thì chúng ta chẳng thể hợp tác được với nước nào hết - ông Sukampol nhấn mạnh - Chúng ta muốn hợp tác sâu rộng hơn với Mỹ nhưng chúng ta không có chính sách kiềm chế Trung Quốc. Chúng ta không có những ý tưởng ích kỷ và nông cạn như vậy”.
Trước đó tại Úc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đưa ra thông điệp tương tự là Úc không cần phải chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc. “Cách suy nghĩ đó chỉ dẫn tới kết quả tiêu cực. Thái Bình Dương đủ rộng lớn cho tất cả chúng ta” - bà Hillary Clinton nhấn mạnh và khẳng định Úc là một đồng minh không thể thiếu của Mỹ. Hai nước đã thảo luận về việc Úc cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự ở phía bắc của Úc cũng như các cảng quân sự. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ lắp đặt một hệ thống rađa và kính viễn vọng không gian để giám sát bầu trời châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Obama sẽ đề cập vấn đề biển Đông
Trước những diễn biến mới của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, giới chuyên gia quốc tế nhận định tại Hội nghị ASEAN ở Phnom Penh (Campuchia), Tổng thống Mỹ Obama sẽ đề cập đến tranh chấp trên biển Đông. “An ninh hàng hải sẽ là vấn đề quan trọng nhất tại Hội nghị ASEAN - AFP dẫn lời chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore - Sự hung hăng của Trung Quốc khiến nhiều nước châu Á lo ngại. Do đó, nhiều khả năng ông Obama sẽ nhấn mạnh Mỹ có lợi ích cơ bản trong tự do hàng hải. Ông ấy cũng sẽ kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm ký kết Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC)”.
Nhà phân tích Pavin Chachavalpongpun thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á dự báo ông Obama sẽ “tuyên bố mạnh mẽ” về các tranh chấp hàng hải. Theo báo Philippines Daily Inquirer, tại Phnom Penh, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng sẽ kêu gọi Trung Quốc chấp nhận ký kết một COC đa phương nhằm ngăn chặn xung đột trên biển Đông.
“Chúng tôi hi vọng sẽ thuyết phục được Trung Quốc tham gia COC vì lợi ích khu vực” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố.
Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh nguyên tắc ASEAN cần đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng COC. Theo AFP, ngày 15-11, Tổng thống Aquino đã kêu gọi 10 nước thành viên ASEAN thống nhất, đồng thuận trong việc xử lý vấn đề biển Đông ở Phnom Penh. “Chúng ta muốn duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, do đó chúng ta cần có chung một tiếng nói” - ông Aquino nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận