Quan tâm tiền nhà, điện, nước... cho sinh viên
Tại đơn vị bầu cử số 7 (Q.Thanh Xuân), các ứng cử viên Đỗ Thị Ngọc Trâm (HLV đội tuyển bóng đá nữ Hà Nội Tràng An I - Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Mỹ Đình), Vũ Cao Minh (phó bí thư thường trực Quận ủy Thanh Xuân), Nguyễn Văn Sửu (giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư), Lê Văn Thành (phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Động Lực), Nguyễn Thị Kim Vân (phó trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Thanh Xuân) đã tiếp xúc với đông đảo học sinh, sinh viên các trường ĐH, trung cấp nghề và cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên địa bàn.
Ứng cử viên Vũ Cao Minh nhận được nhiều câu hỏi, kiến nghị xung quanh vấn đề cải cách hành chính, công tác cán bộ và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận. Ông Minh cho biết theo lịch công tác được phân công, mỗi tuần ông có một ngày tiếp dân để giải quyết thắc mắc của cử tri. Đối với lĩnh vực cải cách hành chính, ông Minh cho rằng khi áp dụng mô hình “một cửa” liên thông, quan trọng nhất vẫn là chất lượng cán bộ. “Không phải nội dung nào của nghị quyết cũng đúng với thực tế, cũng không phải chúng ta không có cán bộ quan liêu, vì vậy cần phải lấy thực tế gần dân để có thông tin phản biện”, ông Minh trả lời.
Đừng để phải xấu hổ vì phố xá bề bộn
Tại đơn vị bầu cử số 3 (Q.Đống Đa), tám ứng cử viên gồm Đặng Đình An (phó tổng biên tập phụ trách tạp chí Nhiếp Ảnh, chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội), Nguyễn Hữu Độ (giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo), Nguyễn Trường Giang (chuyên gia tư vấn Công ty cổ phần tư vấn dầu mỏ và xây dựng TST), Nguyễn Lan Hương (bí thư Quận đoàn Đống Đa), Nguyễn Tùng Lâm (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên hiệp Hội KH-KT Hà Nội, hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng), Diệp Hoài Nam (phó giám đốc Nhà máy nước Ngọc Hà), Lê Tiến Nhật (bí thư quận ủy, chủ tịch HĐND Q.Đống Đa), Nguyễn Bích Thủy (phó trưởng Phòng tiếp dân và thông tin, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội) cũng đã tiến hành tiếp xúc cử tri.
Đa số cử tri nhất trí với chương trình hành động của các ứng viên và mong muốn ứng viên “nói phải đi đôi với làm”. Nhiều vấn đề tồn tại của Q.Đống Đa liên quan đến quản lý giao thông và trật tự đô thị được các cử tri quan tâm, mổ xẻ và kiến nghị. “Chúng tôi rất xấu hổ mỗi khi thấy khách quốc tế vào thăm Quốc Tử Giám lại lấy máy ảnh ra chụp đường phố mấp mô, dây điện chằng chịt, vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi để xe đến nỗi người dân không tìm được lối đi. Hệ thống thoát nước thì xuống cấp từ nhiều năm, kiến nghị nhiều lần nhưng cũng không được nâng cấp sửa chữa”, bà Hoàng Thị Lãng (cử tri phường Quốc Tử Giám) nói.
Trao đổi với cử tri, ông Lê Tiến Nhật - bí thư quận ủy, chủ tịch HĐND Q.Đống Đa - thừa nhận vấn đề quản lý đô thị, ách tắc giao thông có nhiều giải pháp nhưng vẫn loay hoay vì cả lý do chủ quan và khách quan. Ông Nhật hứa sẽ tiếp thu ý kiến của cử tri và giải quyết những tồn tại thuộc thẩm quyền, đồng thời cũng mong muốn để đường phố sạch đẹp thì cần phải có sự chung sức của người dân.
Một trong những vấn đề nhiều cử tri trẻ quan tâm là các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, tạo việc làm cho thanh niên, sinh viên. “Hiện nay những sinh viên phải thuê nhà ở trọ chịu tác động rất lớn từ tình trạng giá cả leo thang như tiền thuê nhà, tiền nước, tiền điện. Nếu ứng cử viên nào trúng cử, tôi đề nghị cần quan tâm đặc biệt tới những vấn đề rất cụ thể của sinh viên”, cử tri Nguyễn Việt Cường (Trường trung cấp nghề số 10) đặt hàng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận