13/01/2021 09:34 GMT+7

Muốn tự chủ phải chất lượng

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Không đơn giản để một trường có thể được giao tự chủ, và cũng không đơn giản để có thể tự chủ thành công. Câu chuyện trường THPT công lập đầu tiên ở Hà Nội được tự chủ toàn phần có giá trị tham khảo cho các trường trong hành trình tự chủ.

Muốn tự chủ phải chất lượng - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú hát Quốc ca tại nghĩa trang Trường Sơn trong chuyến trải nghiệm “về nguồn” - Ảnh: HUY TRẦN

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt đề án về tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế trong giai đoạn 2020-2023 đối với Trường THPT Phan Huy Chú. Như vậy, cùng với việc tự chủ tài chính trong 13 năm qua, giờ đây nhà trường được chủ động trong công tác nhân sự.

Rộng quyền tuyển dụng

Theo đề án đã được phê duyệt, hiệu trưởng nhà trường được quyền quyết định kế hoạch biên chế, kế hoạch sử dụng lao động hợp đồng làm việc tại đơn vị. Hiệu trưởng chủ động thành lập hội đồng tuyển dụng viên chức, thay vì chờ đợi nguồn giáo viên từ kỳ tuyển dụng của TP.

Hiệu trưởng cũng có quyền quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức đối với những người được tuyển dụng lần đầu. Hiệu trưởng quyết định điều động, biệt phái, luân chuyển, chấm dứt hợp đồng làm việc đối với lao động hợp đồng và viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của trường từ chức danh nghề nghiệp tương đương giáo viên THPT hạng II trở xuống.

Về việc nâng lương, hiệu trưởng quyết định nâng bậc lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên vượt khung, nâng bậc lương trước thời hạn, phụ cấp thâm niên nhà giáo, kéo dài thời gian nâng lương đối với viên chức và người lao động hợp đồng của đơn vị.

Bên cạnh đó, trường cũng được chủ động bổ sung vị trí việc làm theo yêu cầu công việc thực tế, ví dụ như tuyển dụng người làm giám thị/tổng chủ nhiệm - một vị trí mà ở các trường công lập không có hoặc phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm.

"Có nhiều việc bây giờ chúng tôi có hành lang pháp lý để làm, ví dụ như thành lập thêm các tổ/ban ngoài các tổ bộ môn như quy định chung với các trường công lập. Chúng tôi cũng được phép cử giáo viên đi học tập, bồi dưỡng ở trong, ngoài nước.

Từ bây giờ, trường cũng được tổ chức các hoạt động liên doanh liên kết và hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học trong lĩnh vực GD-ĐT và các hợp đồng kinh tế khác, phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị..." - ông Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, chia sẻ.

Vì sao ít trường công "xung phong" tự chủ?

Nhiều "quyền" nhưng vì sao những năm qua ít trường phổ thông công lập mặn mà với tự chủ?

Trả lời câu hỏi này, hiệu trưởng một trường THPT tự chủ tài chính ở Hà Nội cho rằng: "Tự chủ phải bắt đầu bằng tự chủ tài chính. Trong khi đó không có hành lang pháp lý để trường tự chủ tài chính được phép thu học phí cao hơn mức chung áp dụng với trường công lập.

Muốn thu học phí cao, trường tự chủ phải nỗ lực để được công nhận trường chất lượng cao (theo Luật thủ đô). Mà đó có thể là chặng đường rất dài, thậm chí không đạt được".

Hà Nội hiện có gần 20 trường chất lượng cao. Nhưng những trường thực hiện tự chủ tài chính trước rồi mới được công nhận là trường chất lượng cao mới chỉ có duy nhất Trường THPT Phan Huy Chú. Mà theo ông Hà Xuân Nhâm, chặng đường "quá độ" đó vô cùng vất vả. Nhất là xuất phát điểm, Trường THPT Phan Huy Chú chỉ là trường tốp dưới.

Để xây dựng tên hiệu, nâng uy tín, nâng chất lượng nguồn tuyển, trường phải thay đổi cách quản trị nhà trường, mạnh dạn thực hiện mô hình đổi mới dạy học, linh hoạt trong các hình thức giáo dục.

Đến nay, Hà Nội có 3 trường THPT thực hiện tự chủ tài chính thì ngoài Trường Phan Huy Chú, 2 trường còn lại chưa phải trường chất lượng cao và vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải bươn chải. Đó chính là lý do những trường chưa đủ tiêu chí để công nhận chất lượng cao sẽ không dám quyết xin tự chủ tài chính.

Trường tự chủ hút học sinh

Trường THPT Nam Sài Gòn (Q.7) là trường THPT duy nhất ở TP.HCM tự chủ tài chính toàn phần. Tiền thân của trường là trường dân lập do một công ty liên doanh thành lập, sau đó công ty này trao tặng trường cho TP.HCM.

Từ năm học 2006-2007, Trường THPT Nam Sài Gòn trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM và là trường công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính toàn phần (lấy thu bù chi).

Đến nay, Trường THPT Nam Sài Gòn đã trở thành một địa chỉ tin cậy đối với nhiều phụ huynh học sinh ở TP.HCM, áp lực tuyển sinh đầu vào ở trường này rất cao mặc dù mức thu cao hơn nhiều so với mức thu của các trường công lập khác trên địa bàn TP.HCM.

Theo ông Phạm Văn Nam - hiệu trưởng Trường THPT Nam Sài Gòn, nhà trường có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển như tự chủ về nhân sự (từ yêu cầu công việc thực tế, trường sẽ xây dựng vị trí việc làm và tổ chức tuyển dụng); tự chủ về tài chính, về kế hoạch giáo dục...

"Tuy nhiên, cái khó nhất đối với chúng tôi hiện nay là chưa có hành lang pháp lý về mức thu, mức học phí mà HĐND TP.HCM phê duyệt từ rất lâu cho trường là 400.000 đồng/tháng/học sinh tiểu học; 600.000 đồng/tháng/học sinh THCS, THPT đến nay đã không còn phù hợp.

Vì vậy, để đảm bảo có đủ kinh phí nhằm trang trải tất cả các hoạt động chi thường xuyên... mỗi năm trường đều phải thỏa thuận với phụ huynh về mức hỗ trợ các hoạt động giáo dục" - ông Nam nói.

Xóa bỏ "cào bằng" trong đãi ngộ

Theo quy chế chi tiêu nội bộ mà các trường chất lượng cao được phép, Trường THPT Phan Huy Chú hiện có thể chi tối đa 2 lần lương cơ bản cho giáo viên trong biên chế. Ngoài ra, nếu giáo viên làm thừa giờ so với định biên sẽ được ký thêm hợp đồng khoán việc để hưởng thu nhập theo hợp đồng.

Từ nhiều năm nay, trường cũng áp dụng việc trả lương theo năng suất lao động thực tế. Cụ thể, thù lao chi cho 1 tiết dạy có sự khác nhau giữa các giáo viên dạy cùng môn, cùng lớp, tùy theo chất lượng. Có 4 ngưỡng chất lượng để căn cứ chi lương.

Để đánh giá giáo viên theo 4 ngưỡng, trường áp dụng bộ tiêu chí gồm 20 tiêu chí, cùng với đó là kênh đánh giá của phụ huynh, học sinh về độ hài lòng với chất lượng dạy học của từng giáo viên.

Tự chủ đại học: Ai muốn xóa bỏ rào cản, ai muốn an toàn? Tự chủ đại học: Ai muốn xóa bỏ rào cản, ai muốn an toàn?

TTO - Tự chủ chính là chìa khóa để giáo dục đại học thực sự thay đổi, nhưng làm thế nào để giáo dục đại học thực sự tự chủ là câu hỏi nhức nhối nhiều năm nay.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp