Xuất khẩu chính ngạch là giải pháp tối ưu nếu không muốn bị Trung Quốc "ép giá" - Ảnh: Q.ĐỊNH
Bộ Công thương vừa đưa ra khuyến nghị này cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, đồng thời lưu ý cần phải "tái định vị" thị trường để duy trì và khai thác hiệu quả hơn.
Theo Bộ Công thương, các doanh nghiệp xuất khẩu cần xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh lâu dài cùng mạng lưới phân phối, thương hiệu, mẫu mã, bao bì dành riêng và đăng ký bảo hộ tại thị trường Trung Quốc.
Hiện thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng các sản phẩm có chất lượng bao bì đóng gói nhỏ, có thương hiệu, giá trị cao vào các kênh phân phối chính thức, trực tiếp tại thị trường Trung Quốc.
Đặc biệt, cần nâng cao trình độ nghiệp vụ thương mại, hiểu biết về ngôn ngữ văn hóa của thị trường; thậm chí có thể thuê các đơn vị xây dựng phát triển thương hiệu của Trung Quốc phát triển thương hiệu cho các sản phẩm có thế mạnh, có uy tín của Việt Nam để phù hợp hơn với thị hiếu của thị trường đông dân nhất này.
Bên cạnh đó, không chỉ theo dõi, cập nhật các thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của từng địa phương Trung Quốc cũng như nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói...
Mặt khác, mở rộng khả năng hợp tác với một số doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại điện tử để nhập khẩu, tiêu thụ nông sản, trái cây qua hình thức thương mại điện tử tại thị trường này.
Theo Bộ Công thương, sắp tới, việc triển khai thực hiện và cụ thể hóa nội dung các bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến xúc tiến thương mại đã được ký kết sẽ được đẩy nhanh, như bản ghi nhớ về thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc với mục tiêu tổ chức kết nối giao thương đối với gạo, trái cây, thủy sản tại các địa phương còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu như Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Sơn Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận