27/06/2014 08:17 GMT+7

Muốn tôn vinh cũng phải... xin

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Cuối cùng, sau nhiều mong mỏi, lớp nghệ nhân cũng đã hao hụt đi nhiều, nghị định quy định về xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân (NNND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT) chính thức được phê duyệt.

Theo đó, việc phong tặng NNND, NNƯT được áp dụng cho những người đang truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian.

"Các nghệ nhân cồng chiêng ở Tây nguyên xa xôi, họ sống trong buôn làng thì lấy đâu thành tích, lấy đâu ra băng hình để mà xin danh hiệu?"

Nhà nghiên cứuBÙI TRỌNG HIỀN

Tiêu chuẩn để phong tặng danh hiệu NNND ngoài các yêu cầu về phẩm chất đạo đức, tài năng nghề nghiệp thì phải có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng NNƯT. Các nghệ nhân có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên mới được phong tặng NNƯT. Quá trình xét tặng danh hiệu cũng phải đảm bảo việc công khai kết quả của hội đồng xét tặng trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân. Nghệ nhân được phong tặng danh hiệu phải trải qua sự thẩm định của hội đồng cấp tỉnh, hội đồng chuyên ngành cấp bộ và hội đồng cấp nhà nước.

Các nhà nghiên cứu đã nhiều lần kiến nghị nên bãi bỏ việc yêu cầu các nghệ nhân làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nhưng nghị định được phê duyệt, yêu cầu này vẫn giữ nguyên.

GS Tô Ngọc Thanh từng bày tỏ thái độ gay gắt với quy định này. Ông nói: “Nghệ nhân dân gian phần lớn là những người già cả, không thể bắt họ phải làm đơn xin xét tặng, rồi tổng hợp lại rất nhiều giấy tờ chứng nhận phức tạp đó được”.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cũng thốt lên đầy lo lắng: “Vậy còn những nghệ nhân ở núi rừng Tây nguyên, ở Bát Xát (Lào Cai), ở Điện Biên của chúng ta sẽ thế nào? Ai sẽ giúp những người không biết chữ đó thực hiện đủ thủ tục giấy tờ hành chính? Ai sẽ giúp họ quay các băng hình rồi kê khai thành tích? Người ta đi tham gia hội diễn mới có giấy khen, chứ còn nghệ nhân dân gian chẳng có giấy khen, cũng chẳng có huy chương thì làm sao?”. Rồi ông thở dài: không có hướng dẫn thì nghệ nhân tắc tị.

“Nhưng dẫu sao cũng là một tin vui khi nghệ nhân sắp đi hết rồi. Sự ra đi của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc được nhiều người biết đến vì bà là một đào nương nổi tiếng, tên tuổi được khuếch trương rộng rãi. Còn hàng trăm nghệ nhân tài hoa khác không được ai biết mặt, truyền thông cũng chẳng với tới, họ ra đi lặng lẽ” - nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan xót xa nói.

Còn nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, một trong những tiếng nói phản đối cơ chế “xin - cho” trong việc phong tặng nghệ nhân, phát biểu: “Danh hiệu là sự tôn vinh của cộng đồng, là sự bày tỏ thái độ tôn trọng của Nhà nước đối với các nghệ nhân dân gian. Vậy cớ sao lại phải làm đơn xin xét tặng? Đó là một thủ tục hành chính hết sức máy móc. Thử hỏi giờ đề nghị nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ gần 90 tuổi phải làm đơn đề nghị xét tặng cho ông danh hiệu nghệ nhân có ổn không? Dù là ủy quyền cho người khác thì nghệ nhân muốn được cộng đồng, Nhà nước tôn vinh mình vẫn phải xin sao?”.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp