Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:
Phóng to |
Căn nhà hai gian lợp giấy dầu phía sau tấm ảnh là gia tài ông Thoan để lại cho con cái - Ảnh tư liệu gia đình |
Tấc lòng son sắt
Ông Trần Sự, cũng là một “huyền thoại” của Quảng Bình thời chiến tranh, thời ông Thoan làm bí thư tỉnh ủy thì ông Trần Sự là tỉnh đội trưởng, gắn bó với ông Thoan từ những năm đầu kháng Pháp (1946) cho đến suốt những năm tháng đạn bom kháng Mỹ. Trước khi về hưu, ông Sự là chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Trong ký ức của ông Trần Sự, bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan là con người năng nổ, xông pha, được mọi người tín nhiệm, luôn hết mình với công việc.
“Sau chống Pháp, anh Thoan lăn lộn và đi suốt với các phong trào sản xuất, thủy lợi ở khắp các huyện trong tỉnh như Quảng Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh. Năm 1965, khi Mỹ bắt đầu mở rộng đánh phá miền Bắc, là bí thư, đứng đầu tỉnh nên anh không chừa một chỗ gian khó, ác liệt nào mà không đặt chân tới. Mỗi khi bàn tới chuyện đánh trả máy bay Mỹ và chi viện cho miền Nam đánh Mỹ là anh rất quyết liệt, chuẩn bị chu đáo cho mọi việc.
Tôi nhớ khi chiến trường Mậu Thân đang nổ súng dữ dội, không biết từ nguồn thông tin nào mà anh biết được quân ta đang thiếu súng đạn. Anh Thoan điện cho tôi nói: “Phải chi viện khẩn cấp cho miền Nam súng lớn, đạn dược”. Tôi và anh bàn nhau phải đưa súng cối vào. Nhưng lúc đó chỉ có đưa được súng đạn vào bằng đường biển.
Khi tôi đưa ra ý kiến này, anh Thoan đã quyết đoán nói ngay: “Chiến trường đang cần như vậy, dù nguy hiểm cũng phải đi!”. Và Quảng Bình đã đưa súng đạn vào cho chiến trường.
Năm 1971, khi ta đánh địch ở chiến dịch đường 9 (Quảng Trị) và Nam Lào, tôi lên gặp anh và nói sẽ đưa hết xe pháo vào chi viện cho chiến trường Quảng Trị, anh hỏi: Vậy thì để lại ai chỉ huy quân ở Quảng Bình? Hỏi vậy nhưng rồi anh rất quả quyết: “Cứ đưa vào, thật nhanh cho Trị Thiên”. Con người anh Thoan đối với địch rất quyết liệt, đối với Đảng rất trung thành, còn đối với nhân dân lại rất chân tình. Anh luôn coi trách nhiệm đối với cách mạng là trên hết. Khi bộ đội cần gạo, anh nói là chỉ có dựa vào dân.
Hoàn cảnh bấy giờ để chở được hàng ngàn tấn gạo từ miền Bắc vào đến chiến trường không phải là chuyện dễ, chỉ có cách huy động tại chỗ từ chính người dân Quảng Bình. Thế là chỉ sau một thời gian ngắn, tỉnh đã huy động được hơn 2.000 tấn lương thực kịp đưa vào miền Nam”.
Tấm lòng của ông Thoan với đồng bào Trị Thiên còn ấn tượng bởi câu nói “Trút gạo trong nồi cho Trị Thiên đánh giặc” mà giờ đây mọi người vẫn nhắc. Số là dạo đó ông Nam Sinh, phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, ra gặp ông Thoan đề nghị Quảng Bình chi viện cho một số gạo.
Dù hoàn cảnh thời chiến rất khó khăn, nhưng ông Thoan đã bàn với thường vụ tỉnh ủy mở đợt vận động tự nguyện giảm bớt khẩu phần ăn, coi như “trút gạo trong nồi” cho hai tỉnh cận kề ruột thịt. Phong trào ấy đã được nhân dân Quảng Bình hưởng ứng mạnh mẽ, số gạo chi viện cho chiến trường Quảng Trị đã nhiều hơn số lượng yêu cầu.
Ông bí thư “chiến sĩ - nghệ sĩ”
Một người hết lòng cho những công việc lớn nhưng cũng là người rất biết quan tâm tới những điều tưởng như rất nhỏ. Giai đoạn chiến tranh, nhà văn Trần Công Tấn và nhà thơ Xuân Hoàng được Hội Nhà văn phân công vào bám trụ Quảng Bình, cùng sinh hoạt với Hội Văn nghệ Quảng Bình để viết về cuộc sống, kháng chiến của nhân dân vùng tuyến lửa.
Ông Tấn vẫn nhớ mãi lần nhà thơ Chế Lan Viên dẫn đầu đoàn công tác của Hội Nhà văn vào với Quảng Bình đúng dịp máy bay đang ném bom dữ dội, ngoài biển pháo hạm câu vào. Ngoài nhà thơ Chế Lan Viên còn có các nhà văn Bùi Hiển, Võ Huy Tâm, Nguyễn Kiên, nhà thơ Phạm Hổ, Anh Thơ.
Khi ông Tấn qua tỉnh ủy tìm gặp ông Thoan và nói trong chuyến thực tế này đoàn nhà văn muốn ghé thăm, ông Thoan vui mừng kêu lên: “Trời ơi, toàn là những nhà văn nhà thơ lớn nổi tiếng, có yêu quý Quảng Bình lắm các anh chị ấy mới đến với chúng ta trong lúc bom đạn này. Đáng lẽ tôi phải đi thăm các anh chị ấy mới phải!”. Trong cuộc tiếp xúc đó, các nhà văn đã rất ngạc nhiên khi ông bí thư tỉnh ủy luôn được nhắc đến trên báo, đài về sự dũng cảm, quyết đoán, sáng tạo... lại là người có tâm hồn nghệ sĩ.
Những năm tháng ấy, nhiều người dân Quảng Bình vẫn thuộc bài thơ Nhớ đồng chí Phùng của ông Thoan, đấy là câu chuyện về một người bí thư chi bộ ở xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa - Quảng Bình) rất gần gũi với dân, được dân thương dân quý, đã hi sinh trong một trận bom của địch ném xuống khi đang làm nhiệm vụ, một người ông đã từng quen, từng gặp, và trong một lần trở lại địa bàn, thấy vắng người bí thư chi bộ trong cuộc họp, hỏi ra mới biết anh đã hi sinh. Bài thơ chân tình và xúc động đó cũng là một đóng góp khác của ông bí thư mang tâm hồn thi sĩ vào cuộc kháng chiến gian khổ những năm tháng ấy!
Những năm đó Quảng Bình có một đơn vị anh hùng là đội thuyền đánh cá của nữ anh hùng lao động Nguyễn Thị Khíu ở xã Bảo Ninh. Dù bom đạn đêm ngày vây bủa nhưng đội thuyền toàn phụ nữ này lại dũng cảm bám biển, không bỏ sản xuất. Dù là đoàn thuyền toàn phụ nữ nhưng nhờ “lợi thế” của nữ mà đội thuyền luôn đánh bắt được nhiều cá, ông Tấn đã bám theo đội thuyền này trong những chuyến ra khơi để viết truyện ký Đường ra biển rộng, nhờ đi thực tế mà ông Tấn phát hiện cái “mẹo” của các chị em trong đội là khi buông lưới xong, các chị thường xuống nước rồi...cởi đồ để bơi cùng bầy cá. Ở biển, những đàn cá thấy có “vật thể lạ” bơi trước thì chúng liền bơi đua theo và bị dẫn vào lưới.
Trong cuốn sách viết về chi tiết này, ông Thoan khi đọc góp ý với ông Tấn đã bảo: Chi tiết này thì thực tế, nhưng các chị em dù có anh hùng đi nữa thì họ vẫn là phụ nữ Á Đông, nếu viết “tự nhiên chủ nghĩa” như vậy sẽ ảnh hưởng tới các chị, và chưa nói là nó sẽ biến thành hài hước.
Góp vậy, nhưng ông Thoan vẫn chân tình với ông Tấn: “Đó là ý tui, chứ anh là nhà văn, anh có quyền để vậy hay viết khác đi, rồi còn biên tập của nhà xuất bản nữa...”. Rồi ông Thoan bộc bạch: “Tấn ạ, nghề văn của cậu thật hạnh phúc, cậu nên viết nhiều những câu chuyện về những con người hôm nay, giữ lại mai sau cho con cái chúng ta. Để chúng hiểu cha ông chúng ta đã đánh giặc, giữ nước và phải chịu đựng biết bao khó khăn gian khổ hi sinh như thế nào, cháu con chúng ta mới có trách nhiệm với nhân dân và Tổ quốc”.
Với nhà văn Trần Công Tấn, từ tấm gương của bí thư Nguyễn Tư Thoan, từ những tâm tình chia sẻ động viên của ông Thoan mà Quảng Bình đã là bối cảnh cho bảy cuốn sách ông viết về công cuộc chiến đấu và chiến thắng trên mảnh đất này như: Tiếng nói dưới dòng sông, Dòng suối mát, Cô pháo thủ, Chớp biển, Chỗ gặp nhau, Những bông cỏ mặt trời và cuốn Đường ra biển rộng như đã kể ở trên.
Cũng từ sự gần gũi, gắn bó tình cảm với văn nghệ sĩ của ông bí thư tỉnh ủy mà những năm chiến tranh, nhiều tác phẩm của các văn nghệ sĩ đã kịp thời động viên sức mạnh của quân dân miền đất địa đầu mà ca khúc Quảng Bình quê ta ơi với bối cảnh Quảng Bình những năm tháng ấy đã trở thành bất hủ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận