Nhưng năm nay sẽ khác, dù tôi biết Huế đang nỗ lực cho sự kiện du lịch lớn này.
Nhưng cũng như mọi sự kiện du lịch hay các hoạt động lớn đang lên kế hoạch tổ chức ở nhiều nơi, người tổ chức đều canh cánh nỗi lo "biết ra sao ngày sau".
Hành khách trên chuyến bay TK612 (Thổ Nhĩ Kỳ) đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chiều 15-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chỉ còn 2 ngày nữa là đến thời hạn mở cửa du lịch quốc tế 15-3. Động thái này mang nhiều ý nghĩa biểu tượng hơn là một cú hích thực sự đối với ngành du lịch trong nước.
Từ thời điểm mở cửa, khách nước ngoài sẽ còn mất tương đối nhiều thời gian để hoạch định kế hoạch du lịch, nghỉ dưỡng và cả quan sát những hành động thay đổi cụ thể từ các cơ quan hữu quan của Việt Nam cũng như các cơ sở dịch vụ trong nước.
Chúng ta chưa thấy nhiều những thay đổi đó. Ngay cả những hướng dẫn chi tiết về thủ tục, điều kiện nhập cảnh và giải pháp đối phó tình huống cho đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Mặc dù mức độ quan tâm của người nước ngoài đối với điểm đến Việt Nam đang gia tăng, nhưng chúng ta khó mà kỳ vọng một sự bứt phá về số lượng du khách cũng như doanh thu từ du lịch inbound.
Theo Google Destination Insights, công cụ theo dõi xu hướng điểm đến, từ tháng 12-2021 đến nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng cao nhất toàn cầu.
Vẫn còn đó những mâu thuẫn rất lớn giữa việc mong muốn được mở cửa, được đón khách du lịch với những rào cản có thể chờ đợi họ khi mở cửa.
Mặt khác, tâm lý không ít người dân vẫn lo lắng khi khách du lịch đến - một tâm lý xuất phát từ kết quả của thời gian dài truyền thông thổi phồng nguy cơ COVID-19, bất chấp những chuyển biến căn bản của xã hội bao gồm từ tỉ lệ tiêm vắc xin cao nhất thế giới, sự suy giảm tác hại của biến chủng Omicron và kiến thức chủ động điều trị dương tính.
Đây sẽ là rào cản không nhỏ, bởi sự e ngại sẽ trở thành tác nhân làm ảnh hưởng đến vấn đề mở cửa du lịch quốc tế.
Trên thực tế, số ca nhiễm virus trong nước đang ở mức độ rất cao, trong khi tỉ lệ người nhập cảnh dương tính lại thấp. Điều này hiển nhiên cho thấy nguy cơ họ bị lây nhiễm từ nguồn trong nước lớn hơn là ở chiều ngược lại.
Nhưng chính sách cách ly, theo dõi, giới hạn hoạt động với người nhập cảnh lại khắt khe hơn nhiều so với du lịch nội địa. Đây là nghịch lý.
Bên cạnh đó, các chính sách cứng nhắc ở nhiều địa phương cũng sẽ làm nản lòng những nỗ lực đón khách quốc tế. Virus không lây theo khung thời gian, nên lệnh cấm bán hàng sau 21h ở Hà Nội là quyết định khó hiểu.
Virus cũng không lây theo địa giới hành chính, nên quy định phân vùng xanh - đỏ cũng đã lạc hậu. Virus cũng không lây theo vị trí xã hội, nên chính sách thời hạn cách ly theo chức vụ, ngành nghề là rất nực cười.
Bộ Y tế đang đề xuất bỏ việc đếm ca dương tính, cho phép F1 được đi làm và thậm chí F0 không có triệu chứng được đến công sở (với điều kiện làm việc không trực tiếp tiếp xúc với người khác).
Đây là đề xuất hợp lý trong bối cảnh số lượng nhiễm virus trên thực tế cao gấp bội so với con số thống kê chính thức, tỉ lệ nặng và tử vong giảm dần và trên thực tế ở một mức độ rất thấp nếu so với tỉ lệ mắc dương tính thật. Nhưng chính bộ lại giữ quan điểm khá cứng nhắc với người nhập cảnh.
Nhìn những khách sạn trống vắng hiện nay, khi chúng ta đã "bình thường mới" lâu rồi, tôi vẫn tin rằng nếu thật sự chúng ta mong muốn tạo động lực kích cầu du lịch quốc tế thì việc phải làm bây giờ là xây dựng chính sách công bằng cho du khách từ nước ngoài, tương tự như các điều kiện áp dụng cho du khách nội địa.
Trong khi đó, nghiên cứu các giải pháp kích thích phát triển du lịch nội địa dựa trên các căn cứ khoa học để tạo tâm lý yên tâm, chủ động thích ứng cho người dân và các cơ quan quản lý, đơn vị dịch vụ trong nước.
Du khách sẽ chỉ đến khi chúng ta tạo cảm giác cho họ về một thị trường cởi mở, an tâm và thân thiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận