Phóng to |
Các luật sư và người tiêu dùng tại buổi tọa đàm - Ảnh: HỒNG NHỰT |
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tường Minh - tổng thư ký AFCA - cho biết một trong những điểm mới về hoạt động bảo vệ người tiêu dùng là từ ngày 1-5, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa thiết yếu (cung cấp điện sinh hoạt, nước sạch sinh hoạt, truyền hình trả tiền, thuê bao điện thoại cố định...) phải đăng ký hợp đồng theo mẫu và chịu sự giám sát của cơ quan chức năng về việc tuân thủ nghiêm hợp đồng.
Trường hợp doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử phạt 10-70 triệu đồng.
Đối với các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đang được thực hiện, hạn chót ngày 1-6-2012, bắt buộc tất cả doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa thiết yếu phải thực hiện đăng ký.
Theo luật sư Phan Minh Nhựt - phó chủ tịch thường trực AFCA, trong năm 2011 tổ chức này đã tiếp nhận 139 hồ sơ và xử lý 91 vụ, chiếm trên 65%. Hầu hết trường hợp khiếu nại liên quan đến lĩnh vực ôtô, xe máy và mua bán hàng hóa trực tuyến trên các trang nava, socbay..., siêu thị điện máy, dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ, truyền hình cáp trả tiền nhưng chất lượng kém, quảng cáo nhiều...
Cũng theo ông Phan Minh Nhựt, một số vụ điển hình mà AFCA đang xử lý: đứng đầu là nhóm dịch vụ bảo hiểm, kế đó là các siêu thị điện máy và dịch vụ thẻ ATM ngân hàng.
Ông Nguyễn Tường Minh cho biết một thực trạng hiện nay liên quan đến nhóm dịch vụ bảo hiểm là rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cố tình dây dưa kéo dài thời gian chi trả bảo hiểm khi người mua gặp nạn, nhằm tạo tâm lý chán nản cho người tiêu dùng và chấm dứt khiếu nại đền bù bảo hiểm.
Ngoài ra, nhóm dịch vụ về thẻ ATM ngân hàng cũng là tâm điểm thường bị người tiêu dùng khiếu nại nhiều nhất vì thường ngân hàng sẽ "chối phăng" khi xảy ra chuyện người tiêu dùng bị mất tiền trong thẻ...
Bên cạnh đó, đại diện AFCA đã khuyến cáo rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh qua mạng không thực hiện cam kết của mình với người tiêu dùng. Theo đó, các đơn vị bán hàng qua mạng thường yêu cầu người tiêu dùng chuyển tiền trước, nhận hàng sau. Thế nhưng, sau khi nhận tiền của người tiêu dùng, đa số trường hợp đều không giao hàng hoặc lừa đảo.
Đáng lưu ý nhất là trường hợp của Công ty ôtô Đại Đô Thành đã bị nhiều người tiêu dùng cùng khiếu nại hành vi lừa tiền đặt cọc mua xe.
Ông Nguyễn Tường Minh lưu ý khi người tiêu dùng đến công ty này mua xe, nhân viên công ty sẽ dẫn đi coi xe ở các showroom bên ngoài và yêu cầu người tiêu dùng ký vào giấy đặt cọc trước 20 triệu đồng do công ty tự ghi và hứa hẹn với người tiêu dùng chiếc xe này có giá rất rẻ so với bên ngoài. Sau đó hối thúc người tiêu dùng phải mua xe ngay nếu không sẽ hết xe.
Theo nguyên tắc, sau khi người tiêu dùng ký vào đơn đặt cọc, ba ngày sau phải tiến hành mua xe, nếu không mua sẽ trả lại phí đặt cọc cho người tiêu dùng. Thế nhưng thực tế công ty này đã không trả lại số tiền cọc này cho khách hàng. Ít nhất hai người tiêu dùng đã sập bẫy này của Công ty Đại Đô Thành. Ông Minh khuyến cáo người tiêu dùng phải thật sự cảnh giác và đọc kỹ các điều khoản trước khi ký hợp đồng.
Ông Minh cho biết thêm sẽ kiến nghị xử lý hành vi quảng cáo lừa dối người tiêu dùng để bảo vệ người tiêu dùng khỏi mất tiền oan.
Trước đó, AFCA đã nhận được công văn chính thức của Hãng xe hơi Audi thông báo từ trước đến nay Công ty ôtô Đại Đô Thành chưa bao giờ là đại lý chính thức của Audi tại TP.HCM và kiến nghị công ty này phải tháo gỡ logo của Audi ngay trên trang mạng của Công ty ôtô Đại Đô Thành để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận