Trong điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, hành vi, tâm lý của học sinh cũng thay đổi.
Bên cạnh đó, việc dư luận xã hội có tác động lớn với ngành giáo dục dẫn đến việc lãnh đạo các trường phải linh hoạt bằng nhiều cách để “lách” quy định đã quá cũ.
Trong năm mức kỷ luật mà thông tư 08 đưa ra có hai mức cao nhất là đuổi học một tuần và đuổi học một năm. Nhiều hiệu trưởng, nhà quản lý giáo dục bày tỏ sự băn khoăn với việc áp dụng mức kỷ luật này với HS, khi mà hoàn cảnh xã hội hiện nay cho thấy đuổi học không còn là biện pháp giáo dục hiệu quả nữa.
Đuổi học... treo
Tại Hà Nội, khá nhiều HS biết đến “kỷ luật thép” của Trường THPT V., khi cả chục năm liền năm nào cũng có HS bị đuổi học, có năm số HS trong diện bị “xét đuổi học” lên tới con số hàng chục. Trong khi những lỗi để đuổi học phổ biến là vô lễ với thầy, cô giáo, trốn tiết, sử dụng điện thoại trong giờ học. Có những lỗi tưởng như rất nhẹ tội nhưng cũng dẫn tới việc HS bị đuổi học từ một tuần đến một năm như: làm đổ thùng rác, vuốt keo lên tóc, để chân lên ghế, mang máy ảnh đến lễ khai giảng...
Rủi ro cao “Hình thức đuổi học một tuần và một năm không còn tác dụng tích cực và thiếu tính khả thi trong môi trường học đường ngày nay. Khoảng thời gian bị đuổi học này không còn là “hình phạt” mà lại trở thành gánh nặng cho gia đình và rủi ro cho các em trước những cám dỗ ngoài xã hội. 2/5 hình thức kỷ luật mà thông tư hướng dẫn lại liên quan đến việc đuổi học có lẽ không đáp ứng đầy đủ mục tiêu giáo dục đầy nhân văn trong môi trường học đường” - một hiệu trưởng tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM nêu quan điểm. |
Lãnh đạo trường này đã cho rằng chỉ có đuổi học mới đủ sức nặng để răn đe, còn những hình thức khác trong quy định hiện hành khó có thể giáo dục được HS.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng áp dụng hình phạt nặng cho lỗi nhẹ là một biểu hiện cho việc lúng túng khi xử lý các vấn đề kỷ luật phát sinh mới của HS. Đáng tiếc là rất nhiều trường hợp HS sau khi bị đuổi học một tuần, một học kỳ đã tự bỏ học vĩnh viễn.
Về vấn đề này, thầy Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, nơi thường phải nhận học sinh bị kỷ luật, đuổi học ở trường khác - cho rằng: “Các em đã chịu mức kỷ luật cao nhất và có phần cực đoan của nhiều trường, nếu trường tôi không tiếp nhận nữa thì không hiểu các em sẽ đi về đâu. Trường chúng tôi quan niệm: nếu không có biện pháp giáo dục được HS cá biệt và phải tiếp tục áp dụng một hình phạt chung là “đuổi học”, thì vô hình trung chúng tôi đã đẩy nốt các em vào con đường cùng”.
Tại Trường Đinh Tiên Hoàng, mỗi năm học có 15-20 HS chuyển từ trường khác tới, trong số này hầu hết là HS bị đuổi học hoặc được gợi ý chuyển trường. Việc giáo dục những HS này rất khó khăn, nên trong các trường hợp HS phạm lỗi nặng, ban giám hiệu trường phải “lách quy định” bằng cách áp dụng hình thức kỷ luật đuổi học theo đúng thông tư 08 với một số HS, nhưng tuyên bố chỉ “đuổi học treo”!
Cô Đặng Ngọc Trâm, phó hiệu trưởng phụ trách giáo dục đạo đức của Trường Đinh Tiên Hoàng, giải thích: “Vẫn phải ra quyết định đuổi học với một số hành vi nghiêm trọng và tái phạm nhiều lần của HS, nhưng thay vào việc đẩy các em ra đường thì chúng tôi đã giữ các em lại để phối hợp với cán bộ tư vấn tâm lý, giáo viên chủ nhiệm cùng gia đình giúp đỡ các em”.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, cũng cho biết từng phải “đuổi học treo” một số HS. Bởi so với việc “đuổi học thật”- nhà trường gần như không có trách nhiệm với các em HS trong thời gian tạm đình chỉ học tập - thì với “đuổi học treo”, nhà trường, thầy cô còn phải vất vả, dành nhiều thời gian hơn cho những HS bị kỷ luật nhằm uốn nắn, thay đổi hành vi của các em. Biện pháp này giúp các em nhận thức được việc mình phải trả giá, phải chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình, nhưng đồng thời vẫn cảm nhận được tình cảm, sự giúp đỡ, đồng hành của những người xung quanh, cụ thể là thầy cô, cha mẹ, bạn bè.
“Dọa là chính!”
Quy định thì cũ, nhưng những vấn đề phát sinh liên quan tới đạo đức, lối sống, ý thức của HS thì ngày càng phức tạp. Đó là điều mà nhiều thầy cô phụ trách vấn đề giáo dục đạo đức HS trong các trường phổ thông đang lúng túng. Trải qua thời gian gần 30 năm, quy định kỷ luật “đuổi học” ngày càng bộc lộ những bất cập rõ rệt, xét ở cả góc độ giáo dục và xã hội.
Tại TP.HCM, nhiều trường cho biết họ thường linh hoạt trong việc áp dụng hình thức đuổi học theo thông tư, ví dụ vẫn thi hành hình thức đuổi học một tuần nhưng yêu cầu HS mỗi ngày vẫn đến trường, ngồi chép bài tại phòng giám thị. Một số trường tư thục không cho HS vào lớp khi đang thi hành kỷ luật, và các em phải lao động vệ sinh cho nhà trường trong thời gian bị đuổi, nếu hoàn thành tốt và thay đổi hành vi thì mới được quay lại lớp.
Một hiệu trưởng Trường THCS tại Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ: “Khi làm việc với phụ huynh và HS, chúng tôi vẫn phải đưa các điều quy định trong thông tư ra nhưng chỉ mang tính chất dọa là chính.
Trên thực tế, việc thi hành kỷ luật với HS phải căn cứ rất nhiều vấn đề như hoàn cảnh gia đình, cá tính từng em, chứ không thể cứ chiếu theo quy định. Đuổi học HS hiện nay không còn là biện pháp giáo dục tích cực nữa, trái lại, quan tâm, đồng cảm để thay đổi HS khi các em phạm lỗi mới là tinh thần giáo dục hiện đại, phù hợp với môi trường giáo dục mới. Do thông tư quá cũ nên những trường hợp vi phạm mà thông tư không quy định thì chúng tôi họp hội đồng kỷ luật và tiếp cận từng em để giải quyết. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi tính đến chuyện đuổi học HS dù chỉ một tuần”.
Trong khi đó, thầy Hồ Hoàng Minh, hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức (TP.HCM), cho rằng: “Dư luận xã hội hiện nay không còn đồng tình với hình thức kỷ luật đuổi học nữa. Đuổi thì HS đi đâu, ai theo dõi giáo dục các em, ai dám chắc các em không sa vào tệ nạn, điều này có lợi hay có hại cho xã hội? Một số trường hợp nêu trên báo chí cho thấy khi trường đuổi học HS thì gặp phản ứng ngược từ dư luận.
Trong nhiều trường hợp, nếu áp dụng thông tư thì đuổi học, nhưng các trường vẫn tìm cách này cách khác để răn đe mà vẫn giữ HS, giúp các em sửa sai chứ không thể buông các em ra ngoài xã hội phức tạp hiện nay được”. Chính vì vậy, các hình thức kỷ luật được nhà trường đưa ra như cho HS chép bài, lao động (HS được lựa chọn quét sân, dọn rác hay lau nhà vệ sinh), mời phụ huynh… đều do nhà trường linh động xử lý để phù hợp thực tế, chứ không thể căn cứ các điều khoản của thông tư 08.
Cần sớm điều chỉnh! Nhiều ý kiến góp ý thông tư 08 cần được chỉnh sửa tiêu đề, cập nhật nội dung, điều mục vì hiện nay có nhiều loại hình trường phổ thông từ một đến nhiều cấp học, có trường bán trú, nội trú… Cách sử dụng từ ngữ trong thông tư cũng chưa thích hợp với văn phong hiện nay như từ “a tòng” hay “gà bài”… Phần mục đích, ý nghĩa của thông tư cần được viết lại để phù hợp xã hội hiện đại thay vì viết theo tinh thần phát triển phong trào thi đua “hai tốt” từ những năm 1980. Việc quay cóp, gà bài (chữ dùng trong thông tư - PV) trong giờ kiểm tra - nếu theo thông tư 08, HS sẽ bị cảnh cáo trước toàn trường; trong khi thông tư 58 về đánh giá, xếp loại HS (năm 2011) lại xếp loại yếu với HS gian lận trong kiểm tra, thi, tương đương việc không được lên lớp. Như vậy có sự chênh nhau về mức độ xử lý HS giữa hai thông tư cùng được sử dụng song song trong trường phổ thông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận