Trong những năm gần đây, mặc dù thành phố Hà Nội cũng như một số tỉnh thành khác đã nhiều lần ra quân lập lại lại trật tự vỉa hè, tuy nhiên kết quả vẫn "thất bại".
Mới đây, Hà Nội vừa có động thái quyết tâm "giành" lại vỉa hè cho người đi bộ. Thành phố sẽ kiểm tra, xử lý 100% hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe; kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép... với phương châm "Giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ".
Ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè thành nơi kinh doanh, buôn bán hàng hóa, chỗ để xe… diễn ra phổ biến, ngang nhiên.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online trong ngày 23 và 24-2, tại khu vực xung quanh quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, các tuyến phố Tràng Tiền, Quang Trung, Đinh Lễ, Thái Hà, Khâm Thiên… bị chiếm dụng làm bãi gửi xe thu phí tự phát, các cửa hàng kinh doanh bày bán hàng hóa la liệt trên vỉa hè.
Các quán ăn, quán cà phê sử dụng vỉa hè để bày bàn ghế và làm chỗ để xe của khách hàng khiến người đi bộ bị "đẩy" xuống lòng đường.
Trên nhiều tuyến phố ở quận Cầu Giấy, nhiều đoạn vỉa hè bị các cửa hàng kinh doanh ăn uống chiếm dụng. Các hộ kinh doanh không những chiếm vỉa hè trước cửa nhà mà còn kê bàn ghế, xếp xe cho khách tràn ra khu vực xung quanh khiến người đi bộ bức xúc vì đi lại rất khó khăn.
Đáng chú ý, thời điểm chiều, tối, các hàng quán đua nhau bày bàn ghế kín vỉa hè, không chừa lại một khoảng trống nào cho người đi bộ.
Tại phố Vệ Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) - khu vực tụ tập nhiều quán ăn, cà phê, bia, trà đá…, vỉa hè "bất đắc dĩ" thuộc quyền sở hữu của các hộ kinh doanh. Dưới lòng đường xe cộ tắc nghẽn, ùn ứ, còn trên vỉa hè bàn ghế, bãi đỗ xe cứ "điền vào chỗ trống".
Người đi bộ thót tim
Ông Nguyễn Huy B. (57 tuổi, trú tại phố Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) cho biết mỗi khi ra đường hầu như ông đều phải đi bộ xuống lòng đường vì vỉa hè đã bị chiếm dụng.
"Bất đắc dĩ tôi phải đi bộ dưới lòng đường. Nhiều khi thót tim vì suýt bị xe tông trúng. Mong cơ quan chức năng sớm lập lại trật tự vỉa hè một cách dứt điểm để trả lại vỉa hè cho người đi bộ", ông B. nói.
Sáng 24-2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết thực hiện kế hoạch của Ban chỉ đạo 197 Hà Nội về việc lập lại trật tự vỉa hè; các lực lượng chức năng của phường đã ra quân tuyên truyền, xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè.
Theo lãnh đạo phường Hàng Bông, thời gian qua đơn vị cũng đã thực hiện việc xử lý vi phạm trật tự vỉa hè nhưng người dân vẫn tái lấn chiếm.
"Lần này chúng tôi quyết tâm làm nghiêm. Tổ chức kiểm tra, xử lý thường xuyên để thiết lập trật tự vỉa hè đi vào lâu dài", lãnh đạo này nói.
Quy hoạch, bố trí, tạo điều kiện cho người dân có nơi buôn bán
Trong căn nhà bốn tầng ở phố Hàng Khoai (Hoàn Kiếm, Hà Nội), bà Vũ Thị A. (50 tuổi) nhiều năm nay tận dụng vỉa hè trước cửa nhà để bày bán hàng hóa.
Nhiều lần bà A. bị công an phường nhắc nhở, "phải dọn hàng ra dọn hàng vào", nhưng vì không gian bên trong nhà quá chật chội nên "lại đành phải tiếp tục bày hàng hóa ra vỉa hè".
"Dù biết lấn chiếm vỉa hè như thế này là sai nhưng cũng vì buôn bán mưu sinh, nếu không bày hàng ra khó có khách vào mua. Các hộ kinh doanh khác cũng bày hàng ra vỉa hè thì mình cũng phải bày theo thôi, không thì khách họ không để ý, không bán được hàng thì phải đóng cửa", bà A. chia sẻ.
Cũng theo bà A., nếu tới đây công an và các cơ quan chức năng ra quân đòi lại trật tự vỉa hè thì bà sẽ chấp hành, ủng hộ.
Tuy nhiên, bà cũng mong cơ quan chức năng khi thực hiện "chiến dịch" lập lại trật tự vỉa hè cũng cần đi đôi với việc quy hoạch, sắp xếp, di dời, tái bố trí cho người dân buôn bán ở các khu vực quy định, tạo điều kiện cho người dân có nơi buôn bán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận