Đáng lo nhất vẫn là những trang mạo danh cơ quan có thẩm quyền trên không gian mạng, phát tán nhiều thông tin với ý đồ lừa đảo người dùng, theo kiểu "cáo mượn oai hùm".
Cũng logo, tên gọi, địa chỉ hẳn hoi, hình nền còn có những hoạt động thường ngày của lực lượng chức năng. Do chúng được copy (tải về) từ trang thông tin của các cơ quan hợp pháp khiến người xem bị lầm giả thành thật.
Các trang "ảo" này cũng phát đi thông tin những vụ án chiếm đoạt tài sản, bằng thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao kèm theo thông báo thoạt nghe qua có vẻ mang đầy lòng tốt: "Sẵn sàng tiếp nhận trình báo của nạn nhân và giúp đỡ lấy lại tiền bị mất".
Như đuối nước vớ được phao cứu sinh, không ít người đã tưởng thật. Chỉ cần nhấp vào nút "like", trên Messenger lập tức xuất hiện tin nhắn hồi âm của "vị cứu tinh", bằng những câu rất quen thuộc với người dùng mạng: bạn cần chúng tôi hỗ trợ, bạn đang ở đâu?
Một số nạn nhân do đang suy sụp tinh thần sau cú lừa tiền tỉ, vội tin rằng đã gặp được "quý nhân" nên nhanh chóng tương tác, và thao tác theo hướng dẫn.
Tưởng rằng đã gặp được cơ quan chức năng nên đáp ứng ngay mọi yêu cầu cung cấp thông tin. Và một lần nữa lại rơi vào bẫy lừa đảo khi thông tin cá nhân, chi tiết sự việc và cả tài khoản ngân hàng đều vào tay kẻ xấu…
Sau đó kẻ gian biến mất sau khi cắt đứt liên lạc trên mạng, nạn nhân mất tiền lần thứ hai. Màn kịch "lừa người vừa bị lừa" thành công trong thời gian rất ngắn.
Các trang mạng của những văn phòng luật sư hợp pháp cũng bị mạo danh nhan nhản trên Facebook.
Đánh đúng vào tâm lý nôn nóng muốn lấy lại khoản tiền bị mất của người dân, kẻ lừa đảo khai thác triệt để điểm yếu của "con mồi". Nạn nhân đang mắc bẫy song vẫn cứ hy vọng rằng sắp sửa lấy lại được tài sản.
Thủ đoạn chung của các nhóm đối tượng trên thường là mời người dùng mạng tải ứng dụng (app) miễn phí với lý do bảo mật thông tin. Nhiều thành viên của các nhóm kín "tình một đêm" bị lừa ngoạn mục khi chưa kịp gặp "đối tác".
Một số người đăng ký làm việc online, vay tiền trực tuyến cũng mất trắng số tiền không nhỏ với cách thức giống nhau.
Các ngành chức năng luôn khuyến cáo nạn nhân, cần phải trực tiếp trình báo tại trụ sở làm việc, những đường dây nóng có vai trò tiếp nhận, tư vấn, hướng dẫn đến cung cấp thông tin tại nơi có thẩm quyền.
Những cá nhân tự xưng là cơ quan chức năng (qua tin nhắn điện thoại hoặc trang web) hứa hẹn giúp thu hồi tiền bị chiếm đoạt hầu hết là giả mạo.
Tỉnh táo một chút sẽ nhận ra điểm vô lý, trong khi website chính thức của cơ quan danh chính ngôn thuận hoạt động từ nhiều năm nay, thì trang mạng của nhóm lừa đảo mới có chỉ vài tháng.
Nhớ nguyên tắc "chậm vài giây", gọi điện cho cơ quan chức năng, thẩm tra, xác minh thông tin là động tác không bao giờ thừa, giúp tránh rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận