Muốn học các trường năng khiếu, lưu ý điều gì?

BÍCH VÂN
BÍCH VÂN

Việc xét tuyển vào các khối ngành năng khiếu đòi hỏi những quy định đặc thù. Nếu không có năng khiếu và những tố chất thích hợp thì rất khó để bạn theo đuổi những ngành học này.

Một buổi thi vẽ tại trường ĐH Kiến trúc - Ảnh: Website nhà trường

Vì thế những ai có dự định thi vào khối ngành kiến trúc, năng khiếu thì những thông tin dưới đây thật sự cần thiết cho bạn.

Tiêu chí để xét tuyển vào Trường ĐH Kiến trúc

Để xét tuyển vào các ngành năng khiếu của trường, bạn bắt buộc phải dự thi môn vẽ. Thời gian thi vẽ theo quy định riêng của trường.

Ngoài điểm hai môn văn hóa được sử dụng từ kết quả thi THPT quốc gia, môn vẽ phải đạt từ 5 điểm trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển. Cụ thể như sau:

Các tổ hợp môn thi:

Ngành Kiến trúc, Quy hoạch vùng và quản lý đô thị, Kiến trúc cảnh quan, Thiết kế nội thất, Thiết kế công nghiệp, tổ hợp môn thi để xét tuyển vào các ngành gồm: Toán, Lý, Vẽ mỹ thuật hoặc Toán, Văn, Vẽ mỹ thuật.

Ngành Thiết kế công nghiệp: Toán, Văn, Vẽ trang trí màu hoặc Toán, Tiếng Anh, Vẽ trang trí màu.

Thiết kế đồ hoạ: Toán, Văn, Vẽ trang trí màu hoặc Văn, Tiếng Anh, Vẽ trang trí màu.

Điểm chuẩn 2017 của trường cũng khá cao: từ 18 đến 23, 25 điểm.

Phần thi năng khiếu vẽ: Môn Vẽ mỹ thuật của Trường ĐH Kiến trúc thường là vẽ đầu tượng. Vẽ trang trí màu, tùy theo từng năm mà đề đưa ra sẽ khác nhau ví dụ: trang trí thiệp tết 2018, trang trí con diều với họa tiết hoa sen...

Nói về bí quyết để thi đậu môn vẽ, Hải My, sinh viên năm cuối ngành Quy hoạch vùng và Quản lý đô thị ĐH Kiến trúc, chia sẻ: “Thời gian luyện môn năng khiếu, tùy thuộc vào khả năng của mỗi người, có bạn luyện suốt ba năm cấp 3, có bạn luyện chỉ một năm thậm chí vài tháng trước khi thi.

Các bạn nên luyện thi vẽ từ sớm tại các nơi có uy tín để có thể nắm bắt được bí quyết làm xiêu lòng các thầy cô. Ví dụ trường kiến trúc cần các nét chì đan xen mạnh mẽ, thể hiện được chất liệu thạch cao (cách nó bắt ánh sáng,...), làm rõ ngũ quan (mắt - mũi- miệng - tai-lông mày) của tượng…

Đối với chân dung thì cần nét chì mềm mượt nhẹ nhàng hơn để thể hiện da người, không quên làm rõ ngũ quan. Bởi khi chấm thi các thầy cô sẽ trải tất cả các bài ra xa, những bài nào đáp ứng các tiêu chí trên, ấn tượng, thầy cô sẽ để sang một bên (tất nhiên bạn sẽ được điểm tốt).

Chú ý khi chấm bài sẽ để xa nhé, nên có trường hợp bạn vẽ đúng tỉ lệ, đúng khung xương nhưng lại bị rớt oan vì đánh bóng quá nhạt nhòa”.

Ngoài ra, trường đưa ra tiêu chí phụ để xét thí sinh trong trường hợp đồng điểm. Các ngành năng khiếu sẽ xét trúng tuyển thí sinh có điểm môn năng khiếu cao hơn.

Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM tuyển sinh thế nào?

Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM là nơi đào tạo những người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực sáng tác, biểu diễn… - Ảnh: Website nhà trường
Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM là nơi đào tạo những người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực sáng tác, biểu diễn… - Ảnh: Website nhà trường

Để thi tuyển vào trường, bạn phải trải qua hai vòng thi năng khiếu: Vòng thi sơ tuyển và vòng chung tuyển, kèm theo đó là những quy định đặc thù riêng đối với từng ngành. Thời gian thi tuyển do trường quy định.

Thi sơ tuyển: Các bạn phải trải qua vòng thi sơ tuyển với 2 nội dung: Vấn đáp về các kiến thức chung về văn hóa, lịch sử, kinh tế, xã hội… Vấn đáp về kiến thức chuyên ngành.

Thi chung tuyển: Qua vòng sơ tuyển, thí sinh mới tham gia vòng chung tuyển. Thí sinh lọt vào vòng chung tuyển phải xét học bạ môn Ngữ Văn đạt từ 5 điểm trở lên.

Tham gia vòng chung tuyển, với một số ngành hệ đại học của trường, bạn thi 2 môn, chẳng hạn:

+ Ngành Đạo diễn điện ảnh Truyền hình: Thi xem tác phẩm nghệ thuật và viết bài phân tích; Xem và dựng ảnh liên hoàn theo chủ đề, ảnh BGK cung cấp. Trả lời câu hỏi liên quan đến lĩnh vực truyền hình.

+ Ngành Đạo diễn Sân khấu: Xem tác phẩm sân khấu và viết bài phân tích; Trình bày một tác phẩm tự chọn thời gian không quá 8 phút (thí sinh có thể tham gia vai diễn hoặc không tham gia).

+ Diễn viên kịch Điện ảnh: Xem phim và viết bài phân tích; Diễn tiểu phẩm tự chọn và tình huống của Ban giám khảo. Với ngành này, sơ tuyển hình thể và giọng nói: thí sinh đạt chiều cao tối thiểu đối với nam: 1m65, nữ: 1m55. Không có khuyết tật hình thể. Có tiếng nói giọng hát tốt, không nói ngọng, nói lắp. Độ tuổi từ 18 đến 23. Có ngoại hình đẹp là một lợi thế.

+ Ngành Quay phim và Nhiếp ảnh: không thi qua sơ tuyển nhưng quy định bạn phải biết sử dụng máy ảnh cơ để thực hiện bài thi.

Chung tuyển: Xem tác phẩm sân khấu và bắt đầu sáng tác. Thí sinh chụp ảnh ngoại cảnh.

Thí sinh trả lời kiến thức tạo hình (phân tích tranh, ảnh).

Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam yêu cầu những gì?

Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng có nhiều tiêu chí riêng khi tuyển sinh - Ảnh: Website nhà trường
Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng có nhiều tiêu chí riêng khi tuyển sinh - Ảnh: Website nhà trường

Thí sinh dự thi các ngành nghệ thuật đặc thù của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam còn phải bảo đảm các tiêu chí riêng.

Điều kiện dự thi: Tốt nghiệp THPT hoặc THBT và phải tốt nghiệp Trung cấp Âm nhạc hoặc có trình độ tương đương Trung cấp Âm nhạc.

Có hai cách để trở thành sinh viên Học viện Âm nhạc: Thi tuyển kết hợp xét tuyển và Xét tuyển thẳng.

Thi tuyển kết hợp xét tuyển:

Thí sinh thi môn Cơ sở: Chuyên môn chính ví dụ như thi ngành Sáng tác âm nhạc, bạn thi môn Viết sáng tác; ngành Thanh nhạc thì bạn thi biểu diễn thanh nhạc, ngành Biểu diễn nhạc cụ thì bạn phải biểu diễn nhạc cụ…

Môn Cơ bản (Kiến thức âm nhạc và Ghi âm) bao gồm các phần: Piano cơ bản (đối với các chuyên ngành Âm nhạc học; Sáng tác và Chỉ huy), Phân tích Hòa âm; Hình thức âm nhạc và Ghi âm (áp dụng cho tất cả các chuyên ngành).

Tất cả các ngành đều kết hợp xét tuyển môn Ngữ Văn phải đạt từ 6 điểm trở lên.

Điều kiện xét tuyển thẳng: Đối với các bạn đã đoạt giải thưởng tại các cuộc thi âm nhạc Quốc tế, Học viện sẽ xét công nhận các cuộc thi dựa trên tiêu chí và quy mô của cuộc thi mà thí sinh đã đoạt giải thưởng.

Đối với các thí sinh tốt nghiệp hệ TCCN tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã tốt nghiệp THPT. Trong đó: ngành Piano điểm tốt nghiệp chuyên ngành từ 9.5 điểm trở lên; Tất cả các ngành còn lại điểm tốt nghiệp chuyên ngành từ 9 điểm trở lên.

Điểm tốt nghiệp các môn thuộc khối kiến thức âm nhạc gồm: Lý thuyết âm nhạc, Hòa âm, Trích giảng âm nhạc, Hình thức âm nhạc, Ký xướng âm, Piano cơ bản từ 7 điểm trở lên.

Nhìn chung, muốn theo đuổi các ngành học năng khiếu lâu dài, đòi hỏi bạn thực sự có năng khiếu và đam mê. 

Đồng thời, nếu có kiến thức sâu rộng về văn hóa, lịch sử, xã hội, năng khiếu biểu diễn, diễn xuất tốt, khả năng viết, phân tích, cảm thụ tác phẩm ổn… sẽ là một lợi thế giúp bạn học tốt và thành công trong tương lai.

BÍCH VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp