28/09/2022 09:35 GMT+7

Muôn hình vạn vẻ những khoản thu 'gây choáng' trong trường học

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Lạm thu xuất phát từ đâu, liệu tất cả các nhà trường có muốn lạm thu để rồi vướng vào nhiều rắc rối, thị phi không?

Muôn hình vạn vẻ những khoản thu gây choáng trong trường học - Ảnh 1.

Thực hiện xã hội hóa đúng cách sẽ giúp nhà trường giải quyết được khó khăn về kinh phí, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh học tập tốt. Trong ảnh: niềm vui đến trường của học sinh một trường tiểu học ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cần xác định được "gốc rễ" của lạm thu để có thể có cách đối phó, hạn chế.

Hiệu trưởng như đi trên dây

Trên thực tế, các văn bản pháp lý không cấm các nhà trường được huy động nguồn thu xã hội hóa (từ phụ huynh, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm). Bộ Giáo dục đào tạo cũng có nhiều văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện tiếp nhận các nguồn xã hội hóa trong nhà trường.

Nhưng các nhà trường vẫn làm sai. "Cái sai" của các trường cũng muôn hình vạn vẻ. Có hiệu trưởng bất chấp và lộ liễu trong việc "bật đèn xanh" cho những khoản thu núp dưới danh nghĩa "tự nguyện". Nhưng nhiều "cái sai" do không hiểu biết, không khôn khéo và kín kẽ trong việc nắm bắt các cơ hội xã hội hóa.

Thầy N.T., một hiệu trưởng ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), chia sẻ: "Hiệu trưởng nhiều khi như người đi trên dây, không cẩn thận là ngã. Nhưng có những tình thế, không dám làm thì rất nhiều cái không giải quyết được.

Vì ngân sách chi thường xuyên cho cơ sở giáo dục, gần 90% chi cho lương, số còn lại rất eo hẹp nhưng có hàng chục khoản chi phát sinh mỗi năm học. Nếu giữ an toàn cho bản thân, hiệu trưởng sẽ làm ngơ, có gì dùng nấy.

Nhưng là người trăn trở cho trường, sẽ phải nghĩ cách. Tiết kiệm, chỗ này bù chỗ kia là một cách. Nhưng cũng chẳng giải quyết được gì nhiều. Chỉ có thể trông chờ vào phụ huynh nhưng nguồn thu này tiềm ẩn quá nhiều rủi ro".

Thầy N.T. cho biết mỗi năm học, trường có năm thứ cần kinh phí xã hội hóa, ông chỉ dám công khai "xin" phụ huynh hai cái. Và thông tin cụ thể về nội dung, mục đích và chỉ xin những khoản chi phục vụ lợi ích học sinh.

"Xin" xong, trường cũng phải có kế hoạch triển khai và công bố rõ quá trình thực hiện, kết quả để phụ huynh biết. "Cẩn trọng như thế nhưng có lần vẫn "bị kiện" vì có phụ huynh không đồng ý nhưng giáo viên chủ nhiệm không báo cáo", thầy N.T. nói.

Tương tự, hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1, TP.HCM cũng thừa nhận: "Hiệu trưởng chúng tôi đang phải chịu sức ép từ nhiều phía: một bên là sức ép phải phát triển nhà trường, tạo lập cơ sở vật chất hiện đại, khang trang; một bên là dư luận phụ huynh cùng những quy định, quy chế khắt khe của cơ quan quản lý nhà nước".

Vị này chia sẻ: "Trong bối cảnh như hiện nay, nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì rất khó phát triển nhà trường. Thế nên, bắt buộc chúng tôi phải thực hiện xã hội hóa. Mà xã hội hóa thì rất dễ bị "bắt giò". Trong hàng ngàn phụ huynh, chỉ cần một người không đồng thuận, gửi đơn kiện là nhà trường rất mệt mỏi khi phải giải trình, tiếp các cơ quan chức năng đến kiểm tra"...

Nhiều hiệu trưởng thừa nhận trong bối cảnh học phí không thể thu cao, ngân sách chi cho trường học các cấp eo hẹp thì nguồn xã hội hóa rất cần để giải quyết khó khăn trước mắt.

Nhưng bên cạnh những trường hợp vận động xã hội hóa để giải quyết những công việc chính đáng thì nhiều nhà trường lợi dụng kênh xã hội hóa để thu quá nhiều, sử dụng vào những việc không phục vụ học sinh, không cần thiết. Đây là hai vấn đề cần được tách bạch.

Xã hội hóa đúng cách

Một trong những cách giải quyết tận gốc vấn đề "thu ngoài học phí", các địa phương cần hỗ trợ các nhà trường trong việc thực hiện xã hội hóa đúng cách. Cô N.T.N. - hiệu trưởng một trường THPT ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) - cho biết mỗi năm học, khi họp phụ huynh toàn trường, cô sẽ trình bày luôn những đầu việc cụ thể, cấp bách muốn xin phụ huynh giúp đỡ.

Những việc vận động từ nguồn xã hội hóa chỉ phục vụ trực tiếp học sinh và đảm bảo có sự đồng thuận cao mới làm. Hiệu trưởng cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phổ biến, thực hiện đúng nguyên tắc tự nguyện. Quá trình triển khai, kết quả thực hiện được công khai, báo cáo phụ huynh.

Theo một hiệu trưởng ở quận Tây Hồ (Hà Nội), khi thực hiện một kế hoạch xã hội hóa, phải tính toán hợp lý, dựa trên quyền lợi học sinh được hưởng thụ. Ví dụ như lắp đặt một thiết bị phục vụ dạy học trên lớp, trường sẽ tính toán để học sinh lớp 4, 5 đóng ít hơn lớp 1, 2, 3 vì học sinh lớp 4, 5 có thời gian hưởng thụ ít hơn học sinh mới học lớp 1, 2, 3.

"Nếu nguyên tắc tự nguyện, không quy định mức thu cụ thể, việc thực hiện minh bạch, hiệu quả và vì học sinh thì tôi nghĩ sẽ không có phụ huynh bức xúc", hiệu trưởng trên khẳng định.

Mời tham gia diễn đàn "Làm gì để chấm dứt lạm thu?"

Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn "Làm gì để chấm dứt lạm thu?" để bạn đọc chia sẻ những câu chuyện của chính mình, đồng thời gợi mở, đóng góp giải pháp để góp phần chấm dứt nạn lạm thu trong trường học.

Ý kiến, bài cộng tác vui lòng gửi về [email protected]. Những bài viết giá trị, được sử dụng trên nhật báo Tuổi Trẻ hoặc Tuổi Trẻ Online sẽ được hưởng nhuận bút theo chính sách của tòa soạn.

TUỔI TRẺ

Những khoản thu gây choáng đầu năm học: Tiền điểm danh, xây... trạm biến áp Những khoản thu gây choáng đầu năm học: Tiền điểm danh, xây... trạm biến áp

TTO - Trong hai ngày 24, 25-9 nhiều trường phổ thông đã tổ chức họp phụ huynh học sinh đầu năm học 2022-2023. Một trong các nội dung khiến nhiều phụ huynh bức xúc là trường đặt ra các khoản thu vô lý.

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp