27/08/2010 07:14 GMT+7

Muốn hiến thận cho người nghèo

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Hiến thận cho bệnh nhân nghèo là mong mỏi của Huỳnh Thanh Đức (20 tuổi, sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải cơ sở 2). Nhưng để thực hiện ý nguyện này không đơn giản chút nào.

VVoKeR1X.jpgPhóng to

Huỳnh Thanh Đức mong mỏi được hiến thận cho người nghèo - Ảnh: T.D.

Một buổi chiều giữa tháng 7, khi nhận được điện thoại của Đức gọi đến tòa soạn, chúng tôi đã tìm gặp để nghe Đức kể câu chuyện muốn hiến thận cho người nghèo.

Trả nợ ân tình

Đức đang ở tại chùa Quảng Đức (Q.9, TP.HCM). Đức kể từ ngày xa gia đình ở thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) vào thành phố học đại học, lúc rảnh Đức thường ghé vào ngôi chùa này phụ việc với các sư thầy trong chùa. Thấy Đức chăm chỉ, tính tình chân thật... sư thầy đã cho phép Đức chuyển đến chùa ở. Ngoài giờ học Đức giúp các sư đi chợ, lau nhà, nấu ăn...

Ý nghĩ tặng một phần cơ thể cho bệnh nhân nghèo đã xuất hiện trong ngày mà cả gia đình Đức tưởng như mất hết hi vọng về quá trình điều trị bệnh ung thư của mẹ Đức. Ngày đó, Đức cảm nhận được sự đau khổ tột độ nếu phải mất đi người thân yêu nhất của mình.

Những ngày mẹ Đức mắc bệnh cũng là những ngày Đức hiểu được sự giúp đỡ của bà con lối xóm quan trọng đến nhường nào. Bố Đức làm phụ hồ, mẹ bán quán nước nên từ khi mẹ đổ bệnh cuộc sống rất khó khăn. Chính sự giúp đỡ, động viên của những người hàng xóm tốt bụng đã giúp mẹ Đức có niềm tin chiến đấu với bệnh tật.

Từ ngày đó, Đức thấy mình đã mắc nợ ân tình với cuộc đời này.

Hơn một năm trước, đọc báo thấy thầy Thích Đạo Tín ở Phú Thọ, chú Vũ Quốc Tuấn ở Hà Nội đã cho bệnh nhân nghèo bị suy thận mãn một quả thận, ý nguyện hiến thận để giúp bệnh nhân nghèo càng trở nên mãnh liệt trong Đức.

Không dễ?

Tôi cùng đi với Đức đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Tiếp chúng tôi, GS.TS Trần Ngọc Sinh - trưởng khoa tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết hiện đang quản lý hàng ngàn người suy thận, phải lọc thận, chạy thận và có nhu cầu ghép thận.

Tuy nhiên, sau khi nghe Đức trình bày nguyện vọng, bác sĩ Thái Minh Sâm - phó khoa tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy - nói: “Ý nguyện cho thận giúp người nghèo được chữa bệnh của em là đúng nhưng về y khoa đó không phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề là người cho và người được ghép thận phải giống nhau về mặt miễn dịch chứ không phải người được ghép thận giàu hay nghèo”.

Theo bác sĩ Sâm, bệnh nhân nghèo khó có thể ghép được thận vì sau khi ghép họ phải tốn rất nhiều tiền cho chuyện điều trị tiếp theo.

Trước mắt, theo GS.TS Trần Ngọc Sinh, Đức cứ ghi danh rồi chờ trung tâm điều phối ghép tạng ra đời dự kiến vào cuối năm nay. Khi có trung tâm này, những ai đã ghi danh sẽ được xét nghiệm máu, sau đó sẽ có hội đồng xét duyệt về các khía cạnh y khoa và xã hội ở người nhận thận như người trẻ hay người già được nhận trước, người đăng ký trước thì sao...

Theo GS.TS Trần Ngọc Sinh, hiện VN đã có Luật hiến ghép tạng nhưng những văn bản hướng dẫn luật chưa có nên phải đợi.

Ông dẫn ra một vài vướng mắc như Luật hiến ghép tạng quy định người cho tạng không phải trả tiền phẫu thuật, xét nghiệm nhưng chưa quy định lấy tiền phẫu thuật, xét nghiệm ở đâu. Rồi Luật hiến ghép tạng quy định công dân trên 18 tuổi có quyền tự hiến tạng, không cần sự cho phép của gia đình, nhưng các bác sĩ lo có thể xảy ra nhiều rắc rối nên bệnh viện đòi phải có sự đồng ý của tất cả thành viên trong gia đình người hiến mới tiến hành lấy thận.

Mỗi nơi tư vấn mỗi kiểu

Sau lần gặp các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, người viết liên hệ với bác sĩ Tạ Phương Dung - trưởng khoa thận niệu Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM - để trình bày nguyện vọng của Đức.

Khác với tư vấn của các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Dung cho rằng Đức phải tự đi đến những cơ sở chạy thận nhân tạo để chọn người có nhu cầu ghép thận. Cả hai người cho và nhận phải tự lo toàn bộ các chi phí ghép, thử máu trước khi ghép. Bệnh viện chỉ lo khám sức khỏe cho hai bên xem có phù hợp hay không, đồng thời tư vấn về thuận lợi, khó khăn, nguy hiểm sau khi ghép và cho thận...

Nếu những người này tự nguyện cho và nhận thận thì sẽ ký vào bản cam kết theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau đó bệnh viện sẽ tiến hành ghép thận.

Hụt hẫng và buồn vì chưa thực hiện được ý nguyện nhưng Đức bảo vẫn còn hi vọng khi trung tâm điều phối ghép tạng ra đời. Đến lúc đó, bất cứ người bệnh nào có nhu cầu ghép thận Đức sẽ sẵn sàng cho, dù Đức tâm nguyện quả thận của mình phải được cấy ghép cho người nghèo.

Ông Nguyễn Huy Quang (phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế): Hoàn toàn có thể hiến thận cho người nghèo

Việc hiến tạng nói chung và hiến thận cho người nghèo nói riêng hoàn toàn có thể thực hiện được.

Theo các quy định hiện hành, người có nguyện vọng hiến tạng đăng ký với sở y tế hoặc Bộ Y tế, bộ (sở) sẽ gửi đề nghị này về một trong số hơn 10 cơ sở y tế đã thực hiện được kỹ thuật ghép tạng. Sau đó, cơ sở y tế này sẽ chịu trách nhiệm xét nghiệm, khám sức khỏe cho người hiến, lưu trữ thông số sinh hóa hoặc gửi về trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng sau khi trung tâm này ra đời.

Trung tâm hoặc bệnh viện có trách nhiệm chọn người nhận tạng phù hợp với yêu cầu và chỉ số sinh hóa của người hiến.

Hiện nay tuy chưa có hướng dẫn cụ thể về chi phí xét nghiệm cho những người đăng ký hiến tạng nhưng trước hết bệnh viện có thể chi trả, bởi đây là một trong những trách nhiệm xã hội của bệnh viện.

Trường hợp bệnh viện yêu cầu người hiến tạng tự đi làm xét nghiệm, tự chọn người nhận phù hợp là không đúng, làm khó khăn cho công cuộc vận động hiến tạng đang còn nhiều khó khăn.

Về ý kiến cho rằng bệnh nhân nghèo khó có thể ghép được thận vì sau ghép phải tốn rất nhiều tiền cho việc điều trị tiếp theo, tôi thấy chi phí tốn kém nhất sau ghép thận là tiền thuốc chống thải ghép và bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán 50%.

Sau ghép thận, bệnh nhân có thể đủ sức khỏe để làm việc, có thu nhập trang trải số tiền mua thuốc còn lại.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp