19/07/2021 12:31 GMT+7

Muốn giúp con, cha mẹ cần 'dưỡng khí'

PGS.TS TRẦN THÀNH NAM
PGS.TS TRẦN THÀNH NAM

TTO - Trong những ngày đại dịch, con trẻ là đối tượng bị ảnh hưởng nhất. Tuy nhiên, để có thể 'tiếp sức' được cho con, trước hết cha mẹ cần được cấp 'dưỡng khí'.

Muốn giúp con, cha mẹ cần dưỡng khí - Ảnh 1.

Giống như đi máy bay, gặp tình huống khẩn cấp cha mẹ được hướng dẫn đeo mặt nạ dưỡng khí trước rồi mới tới lượt con.

Đầu tiên cha mẹ cần tự kiểm soát cảm xúc âm tính của mình, vì phần lớn nỗi lo lắng của cha mẹ sẽ phóng chiếu lên đứa trẻ, khiến chúng lo lắng và bất an hơn.

Cha mẹ nao núng

Các bậc cha mẹ hiện đại nuôi con luôn tự tin vì nếu chưa biết gì chúng ta sẽ luôn có sẵn sách vở và các nguồn tài liệu trên Internet để lựa chọn và xin tư vấn. Tuy nhiên đáng tiếc là chẳng có bất kỳ cuốn sách nào chuẩn bị hay hướng dẫn chúng ta nuôi con trong đại dịch cả.

COVID-19 xảy ra khiến cha mẹ cảm thấy đột nhiên quá tải với rất nhiều rắc rối của việc nuôi con khi trẻ không đến trường toàn thời gian như trước đây mà phải ở nhà và học online. Trong khi đó, đại dịch kéo dài đã khiến cha mẹ đuối sức. 

Nỗi lo lắng và cảm giác bất lực ngày càng lớn cùng với áp lực cơm áo gạo tiền; áp lực công việc thời giãn cách và áp lực chăm sóc con cái trong bối cảnh sự bất định về tương lai ngày càng lớn; mất kết nối thực người - người; mất cảm giác về thời gian trôi đi; lo lắng về những mầm bệnh biến thể đang có trong cộng đồng; hay sợ hãi về thiếu hụt các nhu cầu cơ bản như lương thực, nước sạch.

Áp lực và sự mệt mỏi tinh thần dần khiến cha mẹ cách xa cảm xúc với con, thậm chí né tránh con cái, lơ là hơn các vai trò của mình. Nhiều cha mẹ có thể rơi vào vòng luẩn quẩn "bỏ mặc" con vì cảm thấy tại sao mình phải thực hiện quá nhiều trách nhiệm nhưng ngay sau đó lại cảm thấy "tội lỗi và xấu hổ" vì đã không hoàn thành trách nhiệm.

Kiệt sức và mặc cảm tội lỗi gây tích lũy cortisol trong não khiến chúng ta rơi vào trạng thái rối loạn cảm giác và mất kiểm soát cảm xúc. Cha mẹ trở nên dễ nổi khùng và có hành vi bạo lực nhiều hơn với những người xung quanh. Trạng thái tiêu cực này khiến chúng ta né tránh không muốn kết nối cảm xúc với ai, kể cả con cái, dẫn đến xao nhãng trách nhiệm giáo dục, thậm chí không đảm bảo việc giám sát an toàn tối thiểu cho con trẻ.

Con trẻ tổn thương

Nhiều đứa trẻ bị bỏ lại phía sau bởi những lo toan bận rộn của cha mẹ trong đại dịch. Ở nhà chống dịch, chúng bị ngắt ra khỏi những thói quen hằng ngày dẫn đến thay đổi lịch sinh hoạt (ăn ngủ), trở nên kém hoạt động, mất phương hướng và tâm trạng bất an. Trẻ cũng có thể xuất hiện nhiều nỗi lo lắng về tương lai và cả về những mâu thuẫn trong gia đình. Có thể nói, chúng là những đối tượng tổn thương nặng nề nhất trong đại dịch.

Và đáng lo hơn là bọn trẻ thường không có các kỹ năng đủ để nhận diện cảm xúc, bộc lộ cảm xúc ra một cách phù hợp và chuyển hóa cảm xúc tiêu cực. Khi cảm xúc tiêu cực tràn đầy, chúng chỉ biết thể hiện bằng những cách như rút lui khỏi môi trường, thu mình lại trong một góc và nói "hãy để con yên" hay "con chỉ muốn ngủ thôi".

Trẻ có thể trở nên mè nheo, đeo bám người khác quá mức, tức giận và phàn nàn về mọi thứ, ví dụ như đập rất mạnh cái điều khiển và nói "cái điều khiển ngu ngốc này", hoặc ném mạnh cái bút "cứ sờ đến cái bút nào cũng không viết ra mực là sao"...

Trẻ cũng có thể từ chối, bất hợp tác: "Con không làm đề cương môn toán, con chỉ làm một bài thôi" hoặc hét lên "Chán, chán, chán". Thể hiện qua hành vi giận cá chém thớt như hét vào mặt đứa em hay "đánh con mèo vì tội không chịu làm gì cả". Có nhiều đứa trẻ còn trốn khỏi nhà và đẩy bản thân vào những tình huống nguy cơ.

"Dưỡng khí" cho cha mẹ

Cha mẹ cần tổ chức lại các quy định để có thể cân bằng giữa công việc hiệu quả và trách nhiệm giám sát, nuôi dạy con cái. Một cách thức để cân bằng tốt hai trách nhiệm này là cha mẹ làm việc ở nhà hiệu quả.

Để làm việc ở nhà hiệu quả, cha mẹ cần xác định một không gian riêng (có thể là một góc bàn ăn hoặc góc bếp cũng được) nhưng quy định về thời gian không được phép làm phiền. Thu xếp đầy đủ công cụ đồ nghề vào đó để không phải đứng lên. Cha mẹ cũng cần một thời gian biểu "quân đội" nghiêm khắc như khi đi làm văn phòng để không bị phân tán bởi việc nhà hay những phút giây thư giãn "tự thưởng" cho bản thân lướt net, xem tin.

Khi làm việc ở nhà, chúng ta phục vụ các nhu cầu của hai sếp (một ông sếp ở cơ quan và một ông sếp con) nên sẽ cần tranh thủ các khoảng thời ít bị làm phiền nhất như dậy sớm làm việc, làm việc khi con nghỉ trưa, làm việc sau khi con đi ngủ tối. 

Còn thời gian trong ngày, để làm việc được thì cha mẹ cần tạo ra không gian với những quy tắc cả hai bên đều thống nhất, sau đó giao nhiệm vụ để con tự lựa chọn hoạt động chơi hoặc học trong không gian riêng tư đó. 

Thời điểm này, cha mẹ nên nới lỏng các giới hạn, không thể quy định khắt khe chỉ 2 tiếng dành cho tivi hoặc iPad được nếu cha mẹ muốn hoàn thành công việc, nhưng cần phải định hướng đến các nội dung chơi mà học có ích.

Hỗ trợ tinh thần cho cha mẹ và trẻ

Ngay lúc này, để tiếp sức các bậc phụ huynh và trẻ em tại các điểm nóng dịch COVID-19, rất cần các mô hình hoạt động tình nguyện chuyên môn của sinh viên, học viên các ngành tâm lý giáo dục; hay giáo sinh các ngành đào tạo giáo viên.

Các cơ sở đào tạo đại học có thể cân nhắc huy động sinh viên sư phạm tổ chức các trò chơi, hoạt động giáo dục miễn phí trên mạng. Sinh viên và học viên ngành tâm lý giáo dục, tham vấn học đường, tâm lý học lâm sàng có thể cung cấp các phiên tư vấn các vấn đề hành vi cảm xúc hoặc phương pháp kỷ luật tích cực cho cha mẹ.

Đây vừa là một hoạt động phục vụ cộng đồng của các trường, vừa là hoạt động rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho người học. Các doanh nghiệp xã hội có cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý giáo dục cũng có thể triển khai các mô hình hỗ trợ cộng đồng và trẻ em như mô hình tư vấn tâm lý - trả phí tùy tâm.

5 vé giúp đỡ

con cai

Bên cạnh giao việc cho con, cha mẹ cũng có cơ chế hỗ trợ con khi cần mà phương án 5 vé giúp đỡ là một ví dụ - Ảnh: N.HUY

Để có thể làm việc được tập trung nhưng trẻ không cảm thấy bị xao nhãng, cha mẹ có thể quy định mỗi ngày con có 5 vé giúp đỡ. Mỗi lần con yêu cầu vé giúp đỡ, cha mẹ sẽ dành cho trẻ 10 phút. Việc này khiến con cái cảm thấy an tâm và cha mẹ không ở trong trạng thái suốt ngày bị quấy rầy.

Tạo cảm giác an toàn cho con

Đối với trẻ, trong giai đoạn này cha mẹ cần tiếp tục quản lý nguồn thông tin trên mạng tiếp cận đến trẻ, đặc biệt là những nguồn tin có thể gây ra những tưởng tượng tồi tệ không chính xác làm cho trẻ lo âu nhiều hơn. Hãy giải thích đơn giản để tạo cho con một cảm giác an toàn về tình hình hiện tại.

Cha mẹ có thể hướng dẫn con các bước cụ thể để giải quyết một vấn đề. Hướng dẫn con tạo ra những giải pháp để thực hiện được các nhiệm vụ mình muốn trong bối cảnh cách ly này, cân nhắc tính khả thi của các giải pháp và lựa chọn một cái để thử. Không đổ lỗi khi thất bại. Cha mẹ có thể hướng dẫn các con ghi lại vào một cuốn sổ về những giải pháp con thực hiện và đánh giá xem có thành công không.

Đây cũng là giai đoạn giúp con có thói quen tự giác xây dựng lại nếp ăn ngủ, kế hoạch tự học và tự làm việc nhà để trở thành người có trách nhiệm.

Ví dụ con tự lên kế hoạch và thực hiện được những công việc mà con phải làm (học tập trực tuyến với các khóa học mở), bên cạnh những công việc con thích làm (như mua một bộ phim phụ đề và xem online), chọn một cuốn sách, mua và đọc, vận động (tập nhảy cùng hướng dẫn viên YouTube), giúp mẹ làm vườn hoặc tự chăm sóc một cái cây, một con vật nuôi, tương tác với bạn bè (qua các cuộc gọi trực tuyến).

Giáo dục sống chung với đại dịch Giáo dục sống chung với đại dịch

TTO - Chuyển mạnh qua dạy học trực tuyến là cách giáo dục phòng chống và "sống chung" với đại dịch.

PGS.TS TRẦN THÀNH NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp