Ông Nguyễn Xuân Hanh - tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội - nói công ty không quản lý hệ thống cây xanh trong trường học, bệnh viện nên muốn công ty kiểm tra, cắt tỉa cây phải có đơn theo quy định - Ảnh: XUÂN LONG
Chiều 16-6, Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban báo chí, thông tin về công tác chỉnh trang đô thị, cắt tỉa cây xanh trong mùa mưa bão.
Ông Hoàng Cao Thắng - phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết trước mùa mưa bão, sở đã yêu cầu đơn vị quản lý cây xanh, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện việc rà soát, chú trọng cắt tỉa cây xanh có nguy cơ đổ, gãy.
"Việc rà soát, cắt tỉa cây có nguy cơ đổ, gãy phải làm thường xuyên. Ưu tiên cao nhất là xử lý các cây có nguy cơ đổ, gãy gây nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Đồng thời xử lý kịp thời các cây đổ ra đường gây cản trở giao thông" - ông Thắng nói.
Tuy nhiên theo ông Thắng, trong mùa mưa bão, để chủ động khắc phục sớm hậu quả, Sở Xây dựng đã lên phương án khi có 1.000 cây đổ, gãy. "Khi đó, việc thu dọn cây đổ phải xử lý nhanh và việc trồng thay thế sẽ được thực hiện trong 10 ngày" - ông Thắng nói.
Đã có nhiều vụ tai nạn cây đổ làm chết người, có cả cây đổ làm tử vong học sinh trong trường học, vậy việc rà soát cây xanh mục ruỗng, có nguy cơ đổ gãy trong trường học đã kiểm tra đến đâu?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Hanh - tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội - nói: "Theo phân cấp, chúng tôi được thành phố giao quản lý cây xanh trên địa bàn 12 quận nội thành. Tuy nhiên tại 12 quận nội thành, Công ty Công viên cây xanh cũng chỉ quản lý hệ thống cây xanh ở những đường phố có tên".
"Còn trong các khu đô thị, trường học, bệnh viện, khuôn viên cơ quan thuộc sở hữu của cơ quan chủ quản và phân cấp quản lý của UBND quận" - ông Hanh cho hay.
Với trường hợp thực tế khi cần kiểm tra, cắt tỉa cây xanh trong trường học, bệnh viện, "khi muốn cơ quan chuyên môn kiểm tra sâu mục, cắt tỉa cây xanh thì cơ quan chủ sở hữu phải có đơn gửi đến công ty, căn cứ vào đơn, công ty sẽ cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra, đưa ra biện pháp xử lý".
Ông Hanh cũng cho biết nhà trường, bệnh viện sẽ phải chi trả kinh phí cắt tỉa, chặt hạ cây xanh.
"Khi các cơ quan trường học có đơn, có yêu cầu đến kiểm tra, đánh giá, cây nào cần kiểm tra, chặt hạ sẽ căn cứ vào đơn giá, định mức để thực hiện" - ông Hanh nói.
Kết luận nội dung này, ông Phạm Thanh Học - phó trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - dẫn chứng vụ cây phượng đổ bất ngờ tại một trường học ở TP.HCM, sau đó các tỉnh, thành đều vào cuộc rà soát mức độ an toàn với hệ thống cây xanh.
Từ việc rà soát nêu trên, ông Học lưu ý Công ty Công viên cây xanh là đơn vị được giao quản lý chuyên ngành cây xanh ở 12 quận, có đủ điều kiện về phương tiện, con người, cần phải vào cuộc nhanh chóng khi có phản ảnh cây xanh gây nguy hiểm, có nguy cơ gãy, đổ.
"Lúc đó cần gác câu chuyện kinh phí thanh toán, đơn thư dấu đỏ qua một bên để khẩn trương xử lý những cây có nguy cơ đổ gãy. Xử lý xong, những vấn đề thủ tục, kinh phí tính toán sau" - ông Học nói.
Cuối buổi giao ban, trao đổi với Tuổi Trẻ Online về "những tình huống khẩn cấp như cây nghiêng, cây sắp đổ… có cần làm đơn theo quy trình thủ tục", ông Nguyễn Xuân Hanh nói: "Trong một số tình huống khẩn cấp thì không cần gửi đơn, chỉ cần gọi điện thoại là được".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận