Những gương mặt chờ xướng tên tại Oscar 2016. |
AFP so sánh các chiến dịch vận động để giành giải Oscar cũng tốn công tốn của chẳng kém gì vận động tranh cử chính trị.
Mục tiêu hàng đầu là phải thu hút sự chú ý của 6.261 thành viên Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ (AMPAS). Và điều này cũng khiến các hãng phim, nhà sản xuất, các ứng viên cho giải cạnh tranh khốc liệt.
“Bạn không thể cứ ngồi đó chờ và để các bộ phim tự cất tiếng nói. Phải vận động để được đề cử Oscar và giành chiến thắng” - ông Tom Nunan, nhà sản xuất phim Crash (Đổ vỡ), giành giải Oscar phim hay nhất năm 2006, cho biết.
Cứ mỗi mùa giải thưởng, các hãng phim Hollywood triển khai một đạo quân chuyên gia tiếp thị và vận động hành lang để thực hiện chiến lược quảng bá cho tác phẩm của mình. Theo tạp chí Variety, các hãng phim chi khoảng 3-10 triệu USD để vận động cho mỗi bộ phim.
Các nam nữ diễn viên được đề cử giải Oscar năm 2016 - Ảnh: Reuters |
Đầu tư hàng trăm triệu
Báo New York Times thống kê mỗi năm toàn bộ Hollywood đầu tư từ 100-500 triệu USD để quảng bá cho các bộ phim với hi vọng chúng sẽ được đề cử và chiến thắng giải Oscar.
Các nhà sản xuất nhỏ thường không có nhiều tiền, do đó sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền cho các phim và diễn viên của mình.
“Mạng xã hội hoàn toàn có thể giúp quảng bá phim, và đó là công cụ rất hữu ích đối với mọi chiến dịch vận động tìm kiếm giải thưởng” - một chuyên gia vận động hành lang Hollywood khẳng định.
Cách tốt nhất để kết nối với các thành viên AMPAS là gửi đĩa phim tới nhà của từng người. Ông Nunan kể với Crash, hãng phim Lionsgate đã gửi đĩa phim tới nhà hàng loạt thành viên AMPAS. Ông mô tả đó là chiêu thức “làm thay đổi cục diện”.
“Các thành viên AMPAS đã xem phim và rất nhiều người thích nó” - ông cho biết. Tuy nhiên, cách có hiệu quả lớn hơn là tổ chức các buổi trình chiếu dành riêng cho thành viên AMPAS. Tại đây, các thành viên đoàn làm phim, bao gồm đạo diễn và diễn viên, sẽ trao đổi trực tiếp với thành viên AMPAS về bộ phim.
“Nếu bạn đã xem Birdman (Người chim) và thích nó, rồi khi bạn gặp Michael Keaton (nam diễn viên chính trong phim) và cũng thích ông ấy thì khi đến thời điểm bỏ phiếu, bạn sẽ ủng hộ ông ấy” - ông Alvar Carretero de la Fuente của hãng PR JJPR khẳng định.
Năm nay, JJPR nhận quảng bá cho các phim The Martian (Người về từ Hỏa tinh) và Brooklyn. Cả hai đều được đề cử giải Oscar phim hay nhất.
Vài ngày trước, JJPR tổ chức một bữa trưa ở Los Angeles cho 200 thành viên AMPAS. Tại đây họ ngồi trò chuyện với Matt Damon, người được đề cử giải Oscar nam diễn viên chính xuất sắc nhất với The Martian.
Theo AFP, trong thời gian qua các diễn viên được đề cử Oscar như Eddie Redmayne, Bryan Cranston, Cate Blanchett, Rooney Mara, Leonardo DiCaprio và Brie Larson đều tham gia hàng loạt sự kiện tương tự với kỳ vọng sẽ giành vinh quang cao quý.
Để giành tượng vàng Oscar, phim hay là không đủ - Ảnh: Time |
Oscar không hẳn là hay nhất
Nữ ca sĩ Lady Gaga, được đề cử giải bài hát hay nhất trong phim tài liệu The hunting ground (Vùng săn mồi) cũng xuất hiện khắp nơi.
Giới quan sát nhận định không phải ngẫu nhiên mà Lady Gaga hát quốc ca Mỹ tại giải bóng bầu dục quốc gia Mỹ Super Bowl và biểu diễn tri ân huyền thoại David Bowie tại lễ trao giải Grammy. Thực tế đó là cách để cô quảng bá mình.
Do ảnh hưởng của các chiến dịch vận động nên không phải lúc nào những tác phẩm điện ảnh được đánh giá là xuất sắc nhất trong năm cũng được tôn vinh với giải Oscar.
Những bộ phim kinh điển của Hollywood như The Wizard of Oz (Phù thủy xứ Oz), Star wars (Chiến tranh giữa các vì sao), Raging bull (Bò điên), Psycho (Sát nhân điên loạn), Singin' in the rain (Hát dưới mưa), It's a wonderful life (Cuộc sống tươi đẹp) và Citizen Kane (Công dân Kane) đều trượt giải trước các đối thủ yếu hơn.
Đầu năm 1999, bộ phim lãng mạn Shakespeare in Love (Shakespeare đang yêu) bất ngờ đoạt giải Oscar trước tác phẩm chiến tranh kinh điển Saving Private Ryan (Giải cứu binh nhì Ryan) của đạo diễn huyền thoại Steven Spielberg.
Sau đó báo chí phát hiện doanh nhân Harvey Weinstein, đồng sáng lập hãng phim Miramax, đã chi tới 5 triệu USD để quảng bá và vận động cho Shakespeare in Love. Trong các mùa giải thưởng Hollywood, các chiêu trò như nói xấu đối thủ hòng tranh đoạt vinh quang Oscar cũng không phải là hiếm thấy.
Năm 2002, khi tác phẩm A beautiful mind (Một tâm hồn đẹp) được đánh giá là ứng cử viên Oscar hàng đầu, Miramax bị tố cáo mở chiến dịch nói xấu bộ phim này.
Hãng này chi tiền để một nhà báo viết bài trên tờ Los Angeles Times về việc A beautiful mind cố tình ỉm đi câu chuyện về việc nhân vật trong phim (có thật) là người đồng tính.
Vì thế, chẳng có gì lạ nếu những bộ phim được giới phê bình đánh giá là kiệt tác lại trượt Oscar, trong khi các tác phẩm yếu hơn giành vinh quang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận