Dương Văn Linh - Ảnh: KHÔI NGUYỄN
Được mệnh danh là "Anh chàng Big 4" vì từng đậu vào cả 4 tập đoàn tư vấn kiểm toán lớn nhất thế giới, Dương Văn Linh (30 tuổi, cố vấn cấp cao tại một tập đoàn có trụ sở chính tại Mỹ) đồng thời là gương mặt quen thuộc của cộng đồng du học sinh Việt tại Mỹ.
Là đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Học viện hướng nghiệp Career Pass Institute - CPI, anh chia sẻ về việc dấn thân vào khởi nghiệp giáo dục: “Tháng 8-2017, tôi và một số du học sinh Việt “gặp nhau” về một ý tưởng giáo dục nâng tầm trí tuệ Việt khi cùng tổ chức hội thảo hướng nghiệp tại New York cho cộng đồng du học sinh Việt tại Mỹ.
Vài tháng sau, tôi có cơ hội được tham gia chuẩn bị bài báo cáo cho CEO một tập đoàn thuyết trình tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), là người Việt duy nhất làm việc với hơn 15 cộng sự người Mỹ trong dự án đó.
Tôi cũng rất tự hào khi năm đó Việt Nam nằm trong top 5 nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, khi phân tích sâu hơn thì tôi nhận ra rằng Việt Nam vẫn chưa tối ưu hóa được hết các cơ hội của mình, trình độ của người lao động vẫn chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế.
Làm chuyên gia tư vấn chiến lược tại Mỹ, lịch trình đi lại rất dày đặc, một ngày làm việc thường từ sáng sớm đến tối mịt và chỉ có vài tiếng nghỉ ngơi hoặc tranh thủ ngủ trên các chuyến bay…, nhưng tôi quyết tâm gây dựng và luôn tranh thủ thời gian rảnh dành cho "đứa con tinh thần" trên của mình".
CPI ra đời với mục tiêu nâng tầm người Việt trên trường quốc tế, thông qua các chương trình huấn luyện kỹ năng làm việc và tìm việc chuyên nghiệp. Học viện CPI chính thức ra mắt từ tháng 4-2018 tại thành phố New York, Mỹ.
Áp dụng mô hình lean startup (khởi nghiệp tinh gọn), sau thời gian chuẩn bị khoảng 4 tháng, chúng tôi chính thức ra mắt chương trình, và tuyển sinh khóa đầu tiên với quy mô tương đối nhỏ để có thể theo dõi, đánh giá sâu sát được hiệu quả của chương trình đào tạo và mô hình kinh doanh, các học viên cũng nhận được giá trị cao nhất.
* Điều gì là sự khác biệt?
- Đầu tiên, những chuyên gia của chúng tôi có kinh nghiệm làm việc thực tiễn từ 5-10 năm tại các tập đoàn hàng đầu ở Mỹ. Chúng tôi tập trung vào thế mạnh và kinh nghiệm của chính mình để phát triển các chương trình đào tạo giúp các ứng viên du học sinh tạo "giá trị thực" nổi bật trên đường đua khắc nghiệt vào các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới tại Mỹ.
Thứ hai, đó là "quy trình và cường độ đào tạo - thực hành thực tế" cao hơn nhiều những chương trình khác. Mỗi học viên trung bình sẽ trải qua khoảng 100 - 150 tiếng đào tạo và thực hành, vì chúng tôi tin đây là khoảng thời gian tối thiểu cần phải có để một học viên có thể nắm bắt và thực hành các kỹ năng một cách nhuần nhuyễn, chuyên nghiệp, đủ chinh phục các tập đoàn lớn.
Điều cuối cùng, chúng tôi đều muốn đi đến cùng với câu chuyện phát triển thương hiệu của giới trẻ Việt. Chẳng hạn, chúng tôi có thể "chiến đấu" cùng học viên đến 2-3h sáng những khi "dầu sôi lửa bỏng", xác định mình không chỉ truyền đạt kiến thức chuyên môn mà còn là người truyền cảm hứng về tính kỷ luật, tinh thần kiên trì, ý chí quyết tâm phấn đấu…
* Những thử thách đối với bạn là gì?
- Là mô hình giáo dục cá nhân hóa và chất lượng cao, chúng tôi luôn phải theo sát từng học viên để đảm bảo chất lượng đào tạo và kết quả đầu ra tương xứng.
Tuy nhiên, mỗi học viên là một trường hợp hoàn toàn khác nhau về hoàn cảnh gia đình, năng lực chuyên môn, định hướng phát triển bản thân… nên việc xây dựng một chương trình chuẩn hóa, tối ưu cho tất cả các bạn là một bài toán cực kỳ khó.
Bên cạnh đó, những biến động do COVID-19 khiến rất nhiều sinh viên, phụ huynh hoang mang, khó khăn trong việc tìm cơ hội.
Chưa kể, phần lớn đối tượng mà chúng tôi đang hỗ trợ là các du học sinh Việt tại Mỹ, nơi đang có những xáo trộn về chính sách, quy định nhập cư trong thời gian vừa rồi, khiến áp lực càng gia tăng. Nhưng chính những thời điểm khó khăn này là lúc chúng tôi tập trung vào "trải nghiệm khách hàng", gia tăng sự thấu cảm… và từ đó cải thiện tình hình rõ rệt.
* Có hay không một trải nghiệm "đau thương"?
- Thử thách có ý nghĩa nhất với CPI là khoảng thời gian ban đầu - đối mặt với cách nhìn của phụ huynh và học viên tiềm năng đối với một khái niệm sản phẩm mới, được thực hiện trên mô hình trực tuyến khác với hình thức giáo dục truyền thống, nên nhiều phụ huynh và học viên hoài nghi về hiệu quả của chương trình.
Vì vậy, chúng tôi phải nỗ lực hết sức để chứng minh chúng sẽ đem lại kết quả dài hạn, thử thách càng lớn thì sẽ càng khiến chúng ta "cứng cáp". Sau khi chúng tôi đào tạo thành công nhiều khóa học, tạo cơ hội cho nhiều em đặt chân vào những tập đoàn hàng đầu tại Mỹ… nhiều phụ huynh, học sinh đã "gõ cửa" ngay cả khi đội ngũ marketing của chúng tôi còn chưa khởi động cho mùa tuyển sinh mới.
Hay như câu chuyện COVID-19 bất ngờ ập đến, bên cạnh những "điểm trừ" thì nó cũng là cơ hội cho thấy sự lên ngôi của các chương trình giáo dục trực tuyến chuyên nghiệp. Chúng tôi cảm thấy khá may mắn và tự hào vì sản phẩm đã luôn đứng vững dù trong hoàn cảnh nào. Trong khởi nghiệp, đôi khi thử thách chính là cơ hội.
* "Bài toán" khó nhất trong startup?
- Chúng tôi rút ra là trong thời gian đầu khi chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường, sự phù hợp với nhu cầu của thị trường (product market fit) là bài toán khó nhất.
Tuy "yêu" sản phẩm của mình đến đâu thì các sáng lập viên phải "kiềm chế" tình yêu ấy lại, lắng nghe phản hồi của khách hàng và không ngại tiếp nhận những điểm phê bình để liên tục điều chỉnh các tính năng của sản phẩm khả dụng.
Bên cạnh đó, việc sẵn sàng học nhanh, thất bại nhanh cũng như tối ưu chiến lược marketing như thế nào để chạm đến được khách hàng mục tiêu của mình một cách nhanh và hiệu quả nhất trong phạm vi ngân sách eo hẹp của startup.
Còn lại thì tính kiên nhẫn và "lì đòn" là rất quan trọng, vì sự thành công luôn cần thời gian nhất định.
Chào đón các ý tưởng khởi nghiệp
Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, khích lệ tinh thần cho các startup tại TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, báo Tuổi Trẻ đồng hành cùng một số đơn vị tổ chức giải Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2020.
Đây cũng là hoạt động nhằm kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, 45 năm ngày thành lập báo Tuổi Trẻ.
Sẽ có khoảng 15-20 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 7 đến đầu tháng 9-2020.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những ý tưởng này sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng.
Ban tổ chức cũng sẽ chọn một số startup tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị như Công ty CP ĐT&TM Thái Bình, HD Bank, Golf Long Thành, IDICO,...
Các startup, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: golfforstartup @tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận