31/01/2013 08:01 GMT+7

Muốn đàm, phải đủ đảm lược

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Sau những vụ "nắn gân", Trung quốc và Nhật tạm ngưng diễu võ dương oai.

Hôm thứ ba 29-1, trên Đài truyền hình Nhật Nippon TV, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã ngỏ lời với Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình rằng: “Một cuộc gặp cấp cao nên được tổ chức vì đang có vấn đề (giữa hai nước). Nếu cần thiết, cần phải xây dựng lại quan hệ, bắt đầu bằng một cuộc gặp thượng đỉnh”.

Tuần trước, thủ lĩnh một đảng chính trị lớn trong liên minh cầm quyền của ông Abe là ông Natsuo Yamaguchi đã bay sang Bắc Kinh trao tận tay ông Tập một lá thư. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong thư ông Abe bày tỏ mong muốn “thúc đẩy quan hệ chiến lược Nhật - Trung vì lợi ích cả hai phía”.

Có thể thấy cuối cùng sau những vụ “nắn gân” nhau bằng máy bay chiến đấu trên không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, sau những cuộc khẩu chiến kịch liệt, cũng đã đến lúc hai bên tạm ngưng diễu võ dương oai.

Như đã thấy trong lịch sử, chiến tranh không dễ gì nổ ra trong một thế giới của những cái đầu tỉnh táo. Trong sự tỉnh táo cần thiết ấy mà mỗi bên đều có thể đánh giá tình hình ta/địch một cách chính xác nhất, không dại gì dẫn đến chiến tranh không cần thiết. Cũng chính nhờ vào sự tỉnh táo ấy mà những người tỉnh táo nhất có thể thuyết phục được những đồng sự hay thủ hạ “nóng đầu” của mình rằng “thời cơ vẫn chưa đến, dịu dịu bớt đi”. Lại cũng chính nhờ đánh giá đúng tình hình mà đến một lúc một bên có thể đưa ra đề xuất gặp gỡ (giống như miếng trầu là đầu câu chuyện), tạo điều kiện cho bên kia xuống thang mà không phải bẽ mặt nhằm làm dịu tình hình, không kéo dài sự đôi co không cần thiết.

Ông Abe nhắn gửi xong hôm thứ ba thì câu trả lời của ông Tập cũng có ngay trong một cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Trung Quốc sẽ gắn với chính sách phát triển hòa bình của mình song sẽ không bao giờ hi sinh các quyền lợi chính đáng hoặc các lợi ích cốt lõi của mình. Các nước đừng trông mong Trung Quốc sẽ thỏa hiệp, cò kè thêm bớt một hai theo kiểu hi sinh lợi ích quốc gia của mình”. Một khẩu khí kiên quyết trước khi bước vào giai đoạn nói năng.

Cuộc gặp gỡ tay đôi Abe - Tập nếu có sẽ để làm gì?

Thật ra trong quan hệ giữa Nhật và Trung Quốc còn khối chuyện liên quan đến nhau, trong đó có sự cộng sinh của nền kinh tế thứ nhì và thứ ba thế giới, một sự cộng sinh bắt buộc vì sự tồn tại của mỗi bên cũng như của cả nền kinh tế thế giới. Đâu dễ nổ ra một cuộc chiến tranh chỉ vì một dải đảo nhỏ bé trên biển. Nói như ông Abe là “xây dựng lại quan hệ từ đầu”. Vụ tranh chấp đột ngột này tạm gác lại, hạ hồi phân giải. Cả mấy chục năm qua không hề nổ ra sự cố Senkaku/Điếu Ngư mà quan hệ hai nước có sao đâu!

Sở dĩ ông Abe nay có thể chủ động “đơm trầu” mời ông Tập cũng nhờ người tiền nhiệm Noda. Trong suốt năm ngoái ông Noda đã cương nhu đúng lúc, không để bị đối phương được đằng chân lân đằng đầu, không giống như người tiền nhiệm Hatoyama trước đó cứ bắt giữ tàu cá đối phương, bị la làng, lại thả. Nhờ ông Noda mà nay ông Abe có đủ lực mà đàm.

“Chấp nhận có bất đồng qua các biện pháp hòa bình”

Tatsushi Arai, học giả Nhật Bản, chuyên về giải quyết khủng hoảng, đang nghiên cứu tại Đại học George Mason, Mỹ, đưa ra quan điểm này để giải quyết căng thẳng Nhật - Trung. Theo ông, hai nước dù còn nhiều khác biệt lớn về quan điểm, song có một điểm chung cơ bản là cả hai đều không muốn căng thẳng trên biển Hoa Đông leo thang thành chiến tranh. Ông đề xuất ba lựa chọn: 1/ Nhật xác lập chủ quyền nhưng thừa nhận lập trường của Trung Quốc. 2/ Trung Quốc có thể giữ lập trường của mình như đã được thể hiện qua các tuyên bố, nhưng thừa nhận thực tế là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật kiểm soát. 3/ Sau đó, hai nước cùng nhau thiết lập một bộ quy tắc ứng xử cho vùng biển này.

T.N.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp