03/05/2009 04:45 GMT+7

Mười cô gái Lam Hạ - Kỳ 4: Đừng buồn nhé, mẹ ơi!

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Trên đài bia tưởng niệm mười cô gái Lam Hạ có hai cái tên viết liền nhau là Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi. Cô gái tên Thu sinh năm 1948, Thi sinh năm 1950. Họ cùng quê Đình Tràng và cùng hi sinh ngày 1-10-1966. Ở nghĩa trang liệt sĩ Lam Hạ, hai nấm mộ của Thu, Thi cũng nằm chung một dãy, đầu quay về hướng thủ đô Hà Nội.

BIjsNc59.jpgPhóng to
Nấm mộ hai chị em Thu, Thi cùng một hàng trong nghĩa trang liệt sĩ Lam Hạ - Ảnh: QUỐC VIỆT

Kỳ 1: Ngày quyết tử Kỳ 2: Tiếc gì tuổi xuân Kỳ 3: Tóc dài quấn khẩu pháo

"Đã là chiến sĩ thì phải chiến đấu đến cùng. Đất nước này còn biết bao gia đình có nhiều người ra trận hơn cả chúng tôi"

Chị em cùng ra trận

“Đó là hai chị em ruột trẻ trung, hồn nhiên, rất dũng cảm trong đội nữ dân quân chúng tôi”, trung đội trưởng Trương Thị Nhàn kể lại kỷ niệm cũ mà ánh mắt vẫn lấp lánh nét thương nhớ, khâm phục đồng đội đã hi sinh. Nhà hai chị em Thu, Thi rất gần trận địa pháo phòng không Lam Hạ, nhưng phải qua một con kênh lớn. Mỗi khi ra trận địa chiến đấu, họ phải chèo thuyền vượt kênh mà bạn bè hay ghẹo là “chiến sĩ Côn Đảo”.

Ngày tình nguyện xin gia nhập dân quân năm 1965, mấy anh bộ đội huấn luyện ái ngại hai chị em còn trẻ quá lại xung phong chiến đấu trong một khẩu đội có thể cùng bị hi sinh. Họ khuyên hai cô không nên cùng tham gia chiến đấu trong một khẩu đội để cùng tránh thương vong khi bị trúng bom. Tuy nhiên, hai chị em vẫn khí khái trả lời: “Đã là chiến sĩ thì phải chiến đấu đến cùng. Đất nước này còn biết bao gia đình khác có nhiều người ra trận hơn cả chúng tôi”. Năm đó Thu vừa tròn 17 tuổi, còn Thi mới bước sang tuổi 15.

Khi tiếng còi báo động máy bay Mỹ từ biển xâm phạm bầu trời Hà Nam ngày 1-10-1966, chị em Thu, Thi còn đang ở nhà nướng bắp ngô cho các em ăn rồi đi học. Họ bỏ bếp, dặn vội cha mẹ và các em vào hầm trú bom cẩn thận vì nhà gần trận địa pháo có thể bị máy bay ném bom trúng. Rồi cả hai lao ra bến thuyền sang trận địa để kịp vào đội hình pháo thủ chiến đấu. Mẹ chạy theo dặn dò hai cô: “Các con cẩn thận. Chiến đấu xong nhớ về ngay cho cha mẹ khỏi trông”. Đã chèo thuyền ra khỏi bờ, hai cô còn ngoái lại: “Mẹ cứ yên tâm ở nhà trú bom. Trận chiến này ác liệt lắm. Nếu chúng con hi sinh, đừng buồn nhé mẹ ơi!”.

Vừa sang đến trận địa, Thu và Thi lao ngay vào đội hình chiến đấu của khẩu đội 2 pháo cao xạ 37 ly bố trí trên trục đường xã Lam Hạ gần nhà họ nhất. Những người bạn của các cô như Tâm, Tuyết, Lan, Phương cũng đã sẵn sàng ở vị trí chiến đấu trên mâm pháo cùng bộ đội. Ở nhà Thu, Thi, người anh Nguyễn Văn Thái cũng ra trận địa bờ đê, làm xạ thủ trung liên bắn máy bay tầm thấp để yểm trợ các em gái và bộ đội sử dụng pháo cao xạ chiến đấu tầm cao.

Hết đợt này đến đợt khác, các phi đội máy bay Mỹ ồ ạt trút bom xuống mục tiêu tàn phá. Khói lửa, đất đá, mảnh bom văng mù mịt. Dưới mặt đất, Thu, Thi và đồng đội dũng cảm bắn trả quyết liệt. Lúc máy bay Mỹ tạm rút sau trận oanh kích thứ hai, các em trú bom bên kia sông còn nghe giọng chị Thu, Thi gọi với sang: “Mấy em mang quần áo cũ ra trận địa cho các chị lau súng”. Lúc này gia đình các cô đã có mặt sáu người trên trận địa chiến đấu. Trong đó, em gái út của hai cô là Nguyễn Thị Quy vừa chớm tuổi 15, còn người cháu nhỏ Nguyễn Thị Thuộc mới 13. Vừa tiếp giẻ lau súng, các em này vừa giúp dân quân phục vụ hậu cần, ngụy trang trận địa.

Máy bay lại ập đến. Trận chiến thứ tư đang quyết liệt thì khẩu đội 2 trúng bom. Đến giờ bà Nhàn vẫn rưng rưng nhớ cảnh Thu hi sinh ngay trên mâm pháo mà mắt vẫn mở hướng lên trời trong tư thế chiến đấu. Thi bị thương nặng, mảnh bom phạt bụng và làm gần đứt lìa chân. Cô nén đau quay sang đồng đội nhưng mọi người đã hi sinh.

Nghe tiếng pháo khẩu đội 2 bất ngờ ngưng hẳn, anh Thái chiến đấu ở trận địa gần đó chạy sang em. Anh chỉ kịp vuốt mắt cho Thu, rồi bế Thi chạy về trạm xá. Vừa đến nơi, Thi đã nói ngay với anh ruột: “Thôi, anh cứ để em nằm đây mà trở về vị trí chiến đấu trả thù cho các em!”. Anh Thái nuốt nước mắt, nghiến răng trở lại với khẩu trung liên và tiếp tục bị thương trong chiến đấu. Còn Thi vẫn kiên cường nói bác sĩ cắt chân mình mà khỏi cần gây mê, để dành thuốc cho các thương binh nặng hơn. Nhưng rồi cô đã không tỉnh lại được nữa.

o9eTpAPl.jpgPhóng to
Mẹ Phạm Thị Quỳ 100 tuổi: “Các con vẫn sống mãi trong lòng mẹ” - Ảnh: QUỐC VIỆT

Các con không về

Trong ngôi nhà xưa bên nhánh Châu Giang, mẹ Phạm Thị Quỳ nay đã tròn 100 tuổi. Nhắc chuyện các con, mẹ rưng rưng nước mắt nói rằng các con bà chưa hề chết, bởi các con vẫn còn sống mãi trong lòng mẹ! Nhưng ngày Thu, Thi hi sinh, chính mẹ đã ra đến trận địa nhìn mặt con. Rồi cũng chính tay mẹ đặt lại đoạn chân đứt cho thi hài con gái được nguyên vẹn, và sửa sang nếp áo bộ đội mà lần đầu cũng là lần cuối cùng các con được mặc.

Chôn cất hai con gái cùng một ngày xong, mẹ lại nuốt nước mắt tiễn những người con khác ra chiến trường. Và họ lại tiếp tục ra đi không trở về với mẹ. Ở nhà mẹ lặng lẽ khóc thầm. Còn người cha từng đi kháng chiến chống Pháp mắt đỏ ngầu, nuốt tiếng khóc vào trong để an ủi vợ và động viên những người con khác tiếp tục ra trận.

Ngồi ôm bờ vai gầy để an ủi mẹ, nhưng người chị kế Nguyễn Thị Vượng của Thu, Thi cũng chưa nguôi thương nhớ em. Bà Vượng nay gần 70 tuổi. Ngày Thu, Thi gia nhập dân quân Lam Hạ cũng là ngày bà tiễn chồng và em chồng vào Nam chiến đấu. Rồi họ cũng hi sinh mà đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt.

Thương chị một mình vất vả nuôi con, Thu và Thi lúc còn sống đỡ đần nuôi cháu. Thời gian không chiến đấu các cô ra đồng mò cua, đánh giậm bắt cá. Được con nào ngon họ lại đem sang cho cháu. Nhà rất nghèo nhưng chị em Thu, Thi lúc nào cũng lạc quan. Họ tính hết chiến tranh sẽ đi làm công nhân để giúp gia đình. Trước ngày Thu hi sinh, một anh bộ đội đóng quân ở Đình Tràng đã ngấm nghé yêu thương. Còn Thi vẫn đang tuổi mơ mộng, hồn nhiên của con gái.

Lúc Thu và Thi trúng bom tại trận địa, bà Vượng cùng các con đang trú bom dưới hầm thì nghe tiếng pháo 37 ly của các cô bỗng ngưng bặt. Bà lao ra thấy dân quân đang hối hả tải thương. Ban đầu không nhìn thấy các em đâu nên bà còn le lói hi vọng. Đến khi bà tới trận địa thì chỉ còn kịp nhìn mặt Thi lần cuối. Bà vừa khóc vừa nhớ lại lời em gái dặn dò: “Chúng em ra đi, chị phải ráng chăm sóc cha mẹ”. Hai cô hình như linh cảm trước ngày chiến đấu quyết tử của mình.

Đến bây giờ mỗi khi sắp đến ngày 1-10 làm giỗ chung các em, bà Vượng lại thường có giấc mơ kỳ lạ: “Đêm trước ngày 1-10 tôi hay thấy Thu, Thi về nhắc chị ngày mai là đám giỗ các em. Hai đứa còn cười dặn dò chị nhớ gọi con cháu về đầy đủ để thắp hương cho dì, chúng em sẽ mời các anh bộ đội và bạn bè dân quân cùng hi sinh về thăm nhà mình”. Bà Vượng kể mà nước mắt ứa ra. Trên bàn thờ, di ảnh duy nhất của Thi đã ố vàng nhưng đôi mắt cô vẫn ánh nét xuân thì hồn nhiên.

__________________________

Mười cô gái Lam Hạ anh dũng hi sinh nhưng đồng đội còn lại vẫn kiên cường chiến đấu trả thù cho họ. Ngọn cờ lệnh chiến đấu loang máu chiến sĩ ba lần bị bom phạt gãy, nhưng đồng đội lại thay cán cờ khác để tiếp tục phất cao.

Kỳ tới: Giữ vững ngọn cờ

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp