03/03/2016 10:46 GMT+7

"Muỗi chống sốt xuất huyết có truyền virút gây teo não?"

DUY THANH (duythanh@tuoitre.com.vn)
DUY THANH ([email protected])

TT - Đó là câu hỏi mà UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Y tế tỉnh này làm việc cụ thể với Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

Đảo Trí Nguyên trong vịnh Nha Trang, nơi đã được thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia chống sốt xuất huyết - Ảnh: Duy Thanh
Đảo Trí Nguyên trong vịnh Nha Trang, nơi đã được thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia chống sốt xuất huyết - Ảnh: Duy Thanh

 Văn bản đóng dấu “khẩn” vừa ban hành để sớm có câu trả lời và đề xuất phương án giải quyết.

Yêu cầu trên của UBND tỉnh Khánh Hòa được đưa ra sau khi một tờ báo xuất bản trong nước ngày 18-2 nêu nội dung: “Dự án thay thế quần thể muỗi tự nhiên bằng loại muỗi Aedes aegypti mang loại vi khuẩn có tác nhân sinh học Wolbachia loại trừ bệnh sốt xuất huyết do Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hòa thực hiện. Tuy nhiên, điều khiến người ta lo lắng là loại virút Zika (gây teo não) hoàn toàn có thể phát sinh hoặc lây truyền ở nơi có mặt chủng muỗi này”.

Muỗi Wolbachia có thể tạo kháng thể chống virút Zika?

Ông Lâm Quang Chứng - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa - cho biết đã có trao đổi với lãnh đạo Viện Pasteur Nha Trang, nhưng vì dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia tại một phường của tỉnh Khánh Hòa” do Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương chủ trì thực hiện, nên mọi phát ngôn chính thức liên quan đến dự án phải chờ văn bản trả lời của viện này.

Sau đó sở mới trả lời đầy đủ, chính xác các yêu cầu của UBND tỉnh Khánh Hòa cũng như sự quan tâm của dư luận đối với việc muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia chống sốt xuất huyết thả thử nghiệm ở đảo Trí Nguyên (trong vịnh Nha Trang, có 700 hộ dân, thuộc P.Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) có là trung gian truyền virút Zika hay không.

Ông Chứng nói hiện nay tại VN chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do virút Zika gây ra, nên công tác quan trọng nhất của ngành y tế Khánh Hòa là tăng cường lực lượng kiểm soát dịch bệnh ở các cửa khẩu quốc tế nhằm phát hiện người nghi mắc bệnh do virút này gây ra để có phương án xử lý ngay.

Khi được hỏi ví dụ có người mắc virút Zika đến Khánh Hòa mà bị con muỗi chống sốt xuất huyết được thả tại đảo Trí Nguyên đốt, sau đó con muỗi này đốt người khác thì có lây virút Zika hay không, ông Chứng cũng nói phải chờ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương trả lời.

Tuy nhiên, ông cho hay muỗi mang virút Zika gây bệnh teo não cũng giống như cơ chế muỗi mang virút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết.

Dù vậy, ông Chứng nói rằng qua trao đổi chưa chính thức với các chuyên gia đầu ngành thì được biết tại Úc, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia không chỉ tạo ra kháng thể chống lây nhiễm virút Dengue gây sốt xuất huyết, mà còn chống lại nhiều loại virút khác, trong đó có cả virút Zika.

Dự kiến thả muỗi chống sốt xuất huyết ở nhiều nơi

Dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia tại một phường của tỉnh Khánh Hòa” được triển khai tại VN từ năm 2006 và “sản xuất” được loại muỗi không truyền virút gây bệnh sốt xuất huyết từ muỗi bắt được ở đảo Trí Nguyên. Năm 2013, dự án tiến hành thả muỗi mang Wolbachia ra đảo này để dần thay thế quần thể muỗi tự nhiên.

Chiều 2-3, ông Nguyễn Đức Trọng - phó chủ tịch UBND P.Vĩnh Nguyên - nói sốt xuất huyết ở đảo Trí Nguyên giảm hẳn khi dự án triển khai và hầu như “vắng mặt” ở đảo Trí Nguyên trong năm 2015 trong khi nhiều nơi dịch bệnh này hoành hành.

TS Viên Quang Mai - viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang - cho biết nghiên cứu của dự án tại đảo Trí Nguyên là trứng muỗi Aedes aegypti tại địa phương nhiễm vi khuẩn Wolbachia có từ chuồn chuồn, bướm, ruồi giấm chứ không phải can thiệp bằng cách cấy tác nhân gây biến đổi gen con muỗi như nghiên cứu ở quốc gia bùng phát virút Zika.

Được biết sau khi thành công trong việc thay thế quần thể muỗi mang Wolbachia tại đảo Trí Nguyên, dự án nêu trên dự kiến sẽ thả loài muỗi này ra toàn bộ 27 xã, phường của TP Nha Trang.

Tuy nhiên, ngày 2-3, ông Lâm Quang Chứng cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, ngành y tế Khánh Hòa đang khảo sát, đánh giá lại tình hình sốt xuất huyết ở Nha Trang và các mối liên quan, sau đó mới có thể nghiên cứu việc thả muỗi mang Wolbachia ra toàn thành phố.

Chống sốt xuất huyết là góp phần chống virút Zika

Ông Lâm Quang Chứng phát biểu như vậy tại hội nghị bàn công tác phòng chống sốt xuất huyết tỉnh Khánh Hòa tổ chức sáng 2-3.

Theo ông Chứng, muỗi lây truyền virút bệnh sốt xuất huyết cũng có thể là trung gian lây truyền virút Zika, do vậy việc diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi chống sốt xuất huyết cũng là diệt vật chủ trung gian lây truyền các loại virút gây bệnh khác.

Dù báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa cho thấy trong hai tháng đầu năm 2016, dịch sốt xuất huyết ở tỉnh này giảm rất mạnh, mỗi ngày cả tỉnh ghi nhận 20-30 ca mắc, trong khi cao điểm dịch năm 2015 mỗi ngày có 80-115 ca mắc.

Tuy nhiên, đây chỉ là giảm so với cao điểm. Năm 2015, Khánh Hòa có số ca mắc sốt xuất huyết kỷ lục trong 12 năm qua với 9.165 ca, tăng 8,6 lần so với năm 2014 và là tỉnh có số ca mắc đứng đầu miền Trung - Tây nguyên.

DUY THANH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp