Trên thế giới có hàng trăm triệu ca nhiễm sốt rét vì muỗi đốt - Ảnh: Reuters |
Theo tạp chí PNAS, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH California dùng công nghệ chỉnh sửa gen Crispr để đưa một loại gen chống bệnh sốt rét vào hệ DNA của loài muỗi Ấn Độ Anopheles stephensi. Sau khi những con muỗi biến đổi gen này giao phối với muỗi thông thường, chúng sinh sản ra muỗi con.
Điều đặc biệt những con muỗi con này được thừa hưởng 100% DNA có khả năng tạo ra kháng thể chống ký sinh trùng gây bệnh sốt rét. Thế hệ thứ ba của loài muỗi này cũng có khả năng này. Như vậy những con muỗi biến đổi gen khi đốt người sẽ không làm lây lan ký sinh trùng sốt rét sang người.
Các nhà nghiên cứu cho biết sẽ thử nghiệm biến đổi gen các dòng muỗi khác. Và đây sẽ là vũ khí để giới y học chống lại bệnh sốt rét. Ước tính trên thế giới có khoảng 3,2 tỷ người, tương đương gần 50% dân số toàn cầu, có nguy cơ mắc bệnh sốt rét do muỗi cắn.
Bệnh sốt rét giết chết 580.000 người mỗi năm, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Trong năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính sẽ có 214 triệu ca nhiễm sốt rét trên toàn thế giới và 438.000 trường hợp thiệt mạng.
Một số chuyên gia quốc tế đang tìm cách biến đổi gen để muỗi trở nên vô sinh và tuyệt chủng. Tuy nhiên nhiều người lo ngại tiêu diệt hoàn toàn loài muỗi có thể dẫn tới những hậu quả ngoài dự đoán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận