Chung cư New Sài Gòn (Hoàng Anh Gia Lai 3), huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Khi chúng tôi mới rời khu chung cư New Sài Gòn (Hoàng Anh Gia Lai 3, đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) được một đoạn đường, ông Trương Minh Châu - trưởng ban quản trị khu chung cư - gọi điện thoại thông báo: khoảng 17g ngày 26-9, cư dân ở đây lại phải ngửi mùi hôi thối.
Sau cơn mưa chiều 27-9, ông Châu lại nhắn tin: “Chiều nay mưa, khu vực Hoàng Anh Gia Lai 3 có mùi hôi thúi ghê lắm”.
Tội cho mấy đứa nhỏ
Trước đó, gọi điện thoại đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ, anh Trần Quang Vinh (khu chung cư New Sài Gòn) rất than phiền và lo lắng khi cả nhà thường xuyên phải ngửi mùi hôi thối ập vào nơi gia đình sinh sống.
Theo anh Vinh, cách đây 3 - 4 tháng xuất hiện những đợt hôi kinh khủng. Sau khi báo chí viết nhiều tin bài phản ánh tình trạng bức xúc này thì mùi hôi tạm lắng được ít lâu.
Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây mùi hôi thối tiếp tục ập vào căn hộ của gia đình anh Vinh. Cảm nhận của anh đợt hôi thối này ít hôi hơn so với đợt trước đó. Thời điểm thường xuất hiện mùi hôi là khoảng 20 - 21g.
Nhưng theo anh Vinh, tuy mùi hôi xuất hiện lần này có nhẹ hơn nhưng điều lo lắng đối với gia đình là mùi hôi chưa chấm dứt, nếu cứ tái đi tái lại thì cuộc sống lâu dài của người dân sẽ ra sao.
Về loại mùi, cảm nhận của anh Vinh là giống mùi phân tươi. Người lớn ngửi phải thứ mùi này còn chịu không nổi, nên rất tội cho mấy đứa nhỏ.
“Cái thứ mùi rất khó chịu này, tôi nghĩ trẻ con không sao chịu được. Các bác (cơ quan chức năng) xử lý thế nào để dân còn sống được” - anh Vinh rất than phiền chất lượng cuộc sống bị đảo lộn, có khi đang trong giờ ăn tối, mùi hôi xộc vào bữa ăn là coi như mất ngon.
Anh Vinh cũng cho biết rất xót cho hai đứa con mình phải sống trong môi trường có mùi hôi và nhiều đứa trẻ khác cũng phải chịu cảnh như vậy.
Bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM - ẢNH: QUANG ĐỊNH |
Đang ngủ say, phải bừng tỉnh vì hôi
Ông Trương Minh Châu khẳng định thứ mùi hôi mà người dân than phiền liên tục trong thời gian qua không phải mới xuất hiện gần đây mà nó đã kéo dài từ 1 - 2 năm nay. Song, khi đó mùi hôi không nặng nề như vừa qua.
Vào năm ngoái, một đoàn cán bộ chuyên môn của huyện Nhà Bè đã đến khu chung cư New Sài Gòn để nắm bắt thông tin về thực tế mùi hôi.
Có thể mỗi người cảm nhận khác nhau về mùi hôi, nhưng theo ông Châu, đa số cư dân ở khu New Sài Gòn đều cho rằng đó mùi rác phân hủy.
Ông Châu cũng khẳng định ban quản trị khu chung cư đã tiếp nhận nhiều phản ảnh bức xúc của người dân về mùi hôi. Gia đình ông Châu cũng phải ngửi thứ mùi này giống như nhiều gia đình khác.
Đôi lúc gặp phải đợt hôi lúc 2g sáng, khi đang ngủ cũng phải bừng tỉnh dậy, không chịu nổi với thứ mùi này, rồi phải đóng kín cửa.
Gia đình ông Châu còn có thêm một nỗi lo nữa là mùi hôi không chỉ “viếng thăm” qua rồi bay đi mà rất e ngại chúng bám vào đủ thứ đồ đạc và cứ quanh quẩn trong nhà.
Ông Châu cho biết sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến của cư dân trong khu, đồng thời kiến nghị chính quyền phải có giải pháp kiên quyết để khắc phục, chấm dứt hẳn để bảo vệ sức khỏe dân cư. Hiện tại, khu chung cư New Sài Gòn có đến hơn 1.000 căn hộ.
Thứ mùi hôi thối nói trên không chỉ mang đến sự than phiền đối với hàng nghìn người dân ở khu chung cư New Sài Gòn, mà dân cư nhiều khu vực khác cũng phải gánh chịu bao nhiêu phiền toái vì thứ mùi hôi này. Chẳng hạn như nhiều hộ dân ở khu dân cư 6B đường Phạm Hùng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) cũng rất bức xúc, bực bội khi cuộc sống của gia đình họ phải chịu đựng cảnh mùi hôi thối tra tấn.
Mới đây, Văn phòng Thành ủy TP.HCM đã thông báo kết luận của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng sau buổi làm việc với các nhà máy xử lý chất thải trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh).
Một trong những yêu cầu ông Thăng đưa ra là phải tập trung các giải pháp trước mắt để hạn chế đến mức thấp nhất mùi hôi khuếch tán từ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, đặc biệt là mùi hôi từ hoạt động chôn lấp rác, xử lý trường hợp xe chở rác để rơi vãi chất thải trên đường.
* Ý KIẾN CÁC NHÀ CHUYÊN MÔN: PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM) Chỉ có thể tìm cách hạn chế Với thực tế hiện nay chỉ có thể hạn chế mùi hôi thối ở khu Nam TP.HCM bằng những giải pháp trước mắt như: đảm bảo phun xịt chế phẩm sinh học khử mùi, điều hành giờ giấc, phủ bạt che đậy nguồn thải… Còn để giải quyết triệt để một vấn đề lớn như vậy thì không thể chỉ một vài ý kiến là có thể giải quyết được, ngay cả khi đó là ý kiến của những người có trách nhiệm cao nhất hiện nay ở TP.HCM. Nếu nhà đầu tư đang xử lý những nguồn thải lớn hiện nay gây ra mùi hôi thối cho khu vực Nam TP có lỗi (do không đảm bảo các yêu cầu về môi trường, gây ra mùi hôi thối) thì lỗi của việc quy hoạch, cấp phép cho xử lý rác tại những khu vực đó trước đây chắc cũng không thể ít hơn. Nếu bây giờ đặt ra yêu cầu đối với TP.HCM làm thế nào để cho môi trường ở khu vực Nam TP không còn mùi hôi, trở lại sự trong lành như trước đây thì tôi e rằng đấy là chuyện quá khó. Trước mắt chỉ có thể tìm cách hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm mùi hôi thối mà thôi. Với việc không nên tập trung toàn bộ lượng rác của TP mà chia ra chôn lấp ở cả Phước Hiệp (Củ Chi) như trước đây cũng là một giải pháp tình thế để giảm bớt mùi hôi cho khu vực này. Bởi vì phân tán, chia nhỏ nguồn thải, không tập trung về một nơi cũng là một giải pháp có thể chấp nhận được khi chưa có giải pháp triệt để hơn. Nói chung, rác sinh hoạt hay một số loại chất thải khác của TP.HCM cần được xử lý nhằm bảo vệ môi trường, nhưng lựa chọn giải pháp nào phải ưu tiên nghĩ đến việc làm sao cho công nghệ được lựa chọn không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vì vậy ngay cả khi phương pháp xử lý rác bằng chôn lấp có rẻ hơn đi nữa, nhưng nếu người dân sống trong phạm vi ảnh hưởng của bãi chôn lấp rác cứ phải sống trong bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề bởi mùi hôi… thì cũng cần phải xem xét lại. Về lâu dài, sớm muộn gì TP.HCM cũng phải coi chuyện chôn lấp rác là thứ yếu mà phải lựa chọn công nghệ xử lý rác triệt để, đẩy mạnh tái chế rác thải… *GS.TSKH Lê Huy Bá: Không khống chế được mùi, phải giảm tiếp nhận chất thải Rõ ràng ở khu Nam TP.HCM đang tập trung một số nguồn thải, trong đó rác thải sinh hoạt là nguồn thải lớn, được tập trung xử lý ở khu này. Với đặc điểm có nhiều thành phần hữu cơ (rau cỏ, thức ăn thừa, thịt cá thải bỏ…), ở điều kiện nhiệt độ trên 35 độ C, rác thải sinh hoạt sẽ bị phân giải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong quá trình này, chính giai đoạn phân giải tạo ra các sản phẩm hữu cơ trung gian của chất hữu cơ sẽ gây mùi hôi rất mạnh. Khi trời nắng nóng, nhiệt độ bãi rác tăng cao có khi đến 90 độ C, những hợp chất hữu cơ thăng hoa và bốc mùi lên rất dữ. Theo tính toán chuyên môn, với điều kiện tốc độ gió khoảng 7 - 8 m/giây là mùi hôi có khả năng phát tán dễ dàng và đi xa 15 - 20km. Một đặc điểm khác cũng cần lưu ý: tuy bùn hầm cầu cũng phát sinh mùi hôi nhưng rất khó có khả năng bay xa vì nó là những phân tử khí mang mùi có trọng lượng phân tử lớn. Trong khi đó, rác thải sinh hoạt có nhiều hợp chất vòng thơm có trọng lượng phân tử nhỏ hơn, nhẹ hơn; nó là chất gây mùi, tiền thân của các loại axit hữu cơ. Cho nên khả năng phát tán mùi từ rác thải sinh hoạt, khi chúng ở giai đoạn phân giải yếm khí và yếu khí - háo khí xen kẽ hay thiếu khí, là rất lớn; đồng thời trong đó có chứa cả khí hydro sulfua (H2S) với mùi đặc trưng “thối ơi là thối”. Chính vì những đặc điểm này mà bãi chôn lấp rác tạo ra rất nhiều loại chất khí gây mùi phức tạp, không dễ dàng gì xử lý được. Tôi đề cập khá nhiều đến một số khía cạnh mùi của các hợp chất axit hữu cơ rất đặc trưng để thấy rằng đâu là vấn đề cần giải quyết trước nỗi bức xúc của cộng đồng dân cư ở khu Nam TP hiện nay. Nếu mùi hôi tiếp tục phát tán, lan rộng trong môi trường sống của dân cư, khả năng khống chế bằng nhiều cách không đảm bảo hiệu quả… thì bắt buộc phải giảm khối lượng nguồn thải tập trung ở khu vực này. Trong các nguồn thải, tôi đề nghị cần đặc biệt chú ý lượng rác thải sinh hoạt khổng lồ, một nguồn mà bản thân nó luôn gây mùi hôi lớn, đang được tập trung về đây để xử lý. Về yêu cầu bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong lâu dài, tôi đề nghị phải đặc biệt quan tâm đến khả năng chuyển hóa của mùi hôi vì chúng có thể tạo ra những chất độc hại ảnh hưởng đến thần kinh, phổi…, nhất là đối với trẻ nhỏ vốn rất mẫn cảm với môi trường. Khi mùi hôi thối lọt vào nhà, chúng không dễ dàng biến mất mà trú ngụ, “ám” vào các loại đồ đạc, mền mùng, chiếu gối, quần áo…, rồi gặp những điều kiện thuận lợi sẽ sinh ra các chất độc hại thứ sinh mà trong khoa học cũng chưa thể đánh giá và lường hết được. Nói như vậy để thấy rằng không thể chấp nhận mùi hôi thối cứ mãi bao trùm cuộc sống của cộng đồng dân cư, sẽ rất tai hại nếu không có biện pháp chấm dứt hoàn toàn, xử lý triệt để, nhất là ở khu vực dân cư hiện đã đông đúc và mỗi ngày một đông đúc hơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận