13/10/2008 06:45 GMT+7

Muhammad Yunus: "Chủ nghĩa tư bản đã thành một sòng bạc"

THANH TUẤN lược dịch (theo Spiegel)
THANH TUẤN lược dịch (theo Spiegel)

TT - Nhà kinh tế đoạt giải Nobel hòa bình 2006 Muhammad Yunus nói rằng lòng tham đã phá hủy hệ thống tài chính thế giới. Hasnain Kazim đã phỏng vấn Yunus trên Spiegel (Đức) về những động lực lợi nhuận, mối quan tâm đến xã hội và điều gì nên làm để kết thúc cuộc khủng hoảng tài chính.

qb3t1wkT.jpgPhóng to

Chương trình cho vay mua điện thoại để phụ nữ kinh doanh cho thuê tại làng của họ là một mô hình tín dụng nhỏ thành công của Grameen Bank. Ông Yunus đang trao điện thoại cho các phụ nữ -Ảnh: Corbis

TT - Nhà kinh tế đoạt giải Nobel hòa bình 2006 Muhammad Yunus nói rằng lòng tham đã phá hủy hệ thống tài chính thế giới. Hasnain Kazim đã phỏng vấn Yunus trên Spiegel (Đức) về những động lực lợi nhuận, mối quan tâm đến xã hội và điều gì nên làm để kết thúc cuộc khủng hoảng tài chính.

* Ông Yunus, trong nhiều năm ông luôn nói về chuyện kinh doanh chú ý hơn tới góc độ xã hội và chỉ trích tầm nhìn hạn hẹp chỉ chăm chăm tối đa lợi nhuận là có hại. Và giờ thì toàn bộ hệ thống tài chính đang rúng động... Chúng ta nên làm gì?

- Có những lỗ hổng lớn trong hệ thống tài chính hiện tại cần được sửa chữa. Thị trường rõ ràng không có khả năng tự giải quyết những vấn đề của bản thân, và giờ mọi người đang chạy tới cầu cứu những khoản hỗ trợ khẩn cấp từ chính phủ. Đó không phải là dấu hiệu tốt vì nó cho thấy niềm tin ở thị trường đã biến mất. Cho đến nay, đáng tiếc là không có lựa chọn nào tốt hơn việc để chính phủ tiếp quản hoặc hỗ trợ. Đó chính phương pháp đang được dùng chống khủng hoảng hiện nay - bắt đầu từ gói cứu trợ 700 tỉ USD ở Mỹ…

* Vấn đề từ chiến thuật này là gì?

- Điểm mấu chốt vẫn là chúng ta phải trở lại với cơ chế thị trường càng nhanh càng tốt để vượt qua cuộc khủng hoảng và giải quyết được các vấn đề. Giải pháp thực tế xuất thân từ thị trường chứ không phải từ chính phủ.

* Nhưng ông vừa nói thị trường không có khả năng làm điều đó?

- Đó chính là điều chúng ta cần khắc phục. Trong một thời gian dài, những ưu tiên chính vẫn luôn là tối đa hóa lợi nhuận và tìm mọi cách để phát triển nhanh nhất - nhưng chính những trọng tâm đó đã dẫn tới tình hình ngày hôm nay. Mỗi ngày chúng ta cần phải nhìn xem liệu có sự phát triển nguy hại nào tồn tại ở đâu không. Nếu phát hiện thấy khiếm khuyết thì phải hành động ngay tức thì. Nếu có gì phát triển nhanh bất thường thì phải chặn lại. Tại sao các công ty không góp vào một quỹ chung để mua vào khi có cổ phiếu bị rủi ro? Tôi thậm chí có thể hình dung mô hình kinh doanh kiểu đó.

* Một mặt ông nói thị trường phải tự giải quyết vấn đề, mặt khác ông phê phán sự phát triển quá nhanh của nó. Có vẻ ông nghĩ rằng mô hình thị trường hướng về lợi nhuận đã thất bại?

- Không phải vậy. Thị trường, với các cơ chế của nó, sẽ tiếp tục tồn tại - đó là điều không bàn cãi. Điều tôi chỉ trích rằng hiện nay việc kinh doanh chỉ nhắm một mục tiêu duy nhất là tối đa hóa lợi nhuận. Thực tế việc giúp ích cho xã hội cũng phải cần được tính đến. Cần có nhiều công ty với mục đích không chỉ là kiếm được lợi nhuận nhiều nhất, mà là đem lại được nhiều lợi ích nhất cho nhân loại.

* Liệu có thể đạt được hai mục tiêu đó cùng lúc? Ngân hàng ông sáng lập, Grameen Bank - từng giúp ông đoạt giải Nobel hòa bình năm 2006 - đã giúp được cả người dân và kiếm được lợi nhuận tốt.

- Đó là ngân hàng tập trung làm những điều tốt cho xã hội và tạo lợi nhuận. Tuy vậy, ngân hàng không tập trung vào chuyện tối đa hóa lợi nhuận. Thực tế tôi cũng không muốn biến tất cả công ty hướng về lợi nhuận thành các tổ chức hoạt động xã hội. Có hai loại công ty - và sẽ luôn có những loại hình kinh doanh mà mục tiêu chính sẽ là kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. Điều đó vẫn được. Tuy vậy, kiếm được nhiều tiền càng tốt cũng chỉ là phương tiện chứ không phải mục tiêu. Mọi người phải đầu tư tiền vào thứ gì đó có ý nghĩa, và tôi muốn đó là thứ gì giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người.

* Nhưng việc tăng những công ty có quan tâm tới những vấn đề xã hội thì liên quan gì tới cuộc khủng hoảng tài chính?

- Nếu có nhiều công ty quan tâm tới những vấn đề xã hội, con người sẽ có nhiều cơ hội định đoạt cuộc sống của mình hơn. Thị trường sẽ cân bằng hơn so với tình trạng hiện nay.

* Ông đang nói về thế giới với chủ nghĩa vị tha…

- Có rất nhiều nhà từ tâm trên thế giới này, những người giúp người khác với nhà cửa, giáo dục... Nhưng đó chỉ là con đường một chiều. Đồng tiền được sử dụng mà không bao giờ trở lại. Nếu tiền đó được đầu tư vào các công ty biết quan tâm tới những vấn đề xã hội, đồng tiền sẽ nằm trong nền kinh tế và sẽ có hiệu quả hơn nhiều vì được sử dụng theo các tiêu chí của thị trường.

* Ông nghĩ ai là người gây ra tình trạng suy sụp của thị trường tài chính hiện nay?

- Bản thân thị trường đang thiếu những quy định đầy đủ. Chủ nghĩa tư bản hiện nay đã xuống cấp thành một sòng bạc. Thị trường tài chính bị đẩy lên bởi lòng tham. Sự đầu cơ đã đạt tới mức độ thảm khốc. Tất cả những thứ đó cần phải kết thúc.

* Cuộc khủng hoảng hiện nay xuất phát từ cuộc khủng hoảng tín dụng - những người mua nhà ở Mỹ không trả được tiền thế chấp. Ở Ngân hàng Grameen Bank, nơi cung cấp các khoản tín dụng nhỏ, tỉ lệ hoàn tiền vay gần 100%. Ông có nghĩ ngân hàng của mình có thể là mô hình cho toàn bộ hệ thống tài chính thế giới?

- Điểm khác biệt cơ bản là mô hình của chúng tôi kết nối chặt với thực tế nền kinh tế. Khi chúng tôi cung cấp khoản vay 200 USD, số tiền đó sẽ dùng để mua bò. Nếu cho vay 100 USD, số tiền được dùng để mua vài con gà. Nói cách khác, đồng tiền đi liền với những giá trị vững chắc. Tài chính và nền kinh tế phải có sự kết nối với nhau. Ở Mỹ, thị trường tài chính đã hoàn toàn tách rời với thực tế nền kinh tế. Các lâu đài được xây trên bầu trời và đột nhiên mọi người nhận ra các lâu đài đó không tồn tại. Đó chính là điểm khi hệ thống tài chính sụp đổ.

* Giờ có phải là lúc các chính phủ can thiệp vào thị trường và củng cố các biện pháp quản lý?

- Cần phải có luật lệ nhưng chính phủ không nên được phép lái hoàn toàn nền kinh tế. Nhưng mặt khác cũng phải thấy rõ rằng “bàn tay vô hình” như lý thuyết của Adam Smith không thể giải quyết được hết các vấn đề của thị trường. “Bàn tay vô hình” này đã biến mất hoàn toàn chỉ trong vài ngày vừa rồi. Những gì chúng ta chứng kiến là sự sụp đổ thê thảm của thị trường.

THANH TUẤN lược dịch (theo Spiegel)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp