05/01/2025 09:09 GMT+7

Mức phạt 'choáng' giúp thay đổi văn hóa giao thông

Nghị định 168 tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 bước đầu đã thay đổi ý thức tham gia giao thông của nhiều người, qua ngã tư không còn chen vượt đèn đỏ.

Mức phạt 'choáng' giúp thay đổi văn hóa giao thông - Ảnh 1.

Những tấm áp phích tuyên truyền nghị định 168 dọc tuyến đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: TRÍ ĐỨC

Nhắc nhau không vượt đèn đỏ, leo lề, lấn làn... Tuổi Trẻ trích giới thiệu ý kiến bạn đọc xung quanh việc này.

Chúng tôi phải đảm bảo cho người dân ở nơi xa nhất cũng nắm được quy định mới để khi tham gia giao thông không vi phạm luật.

Thượng tá Hoàng Văn Trung (trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị)

Ngay ngắn dừng chờ đèn đỏ

Mức phạt 'choáng' giúp thay đổi văn hóa giao thông - Ảnh 2.

Bạn đọc TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG

Đầu năm mới 2025, trên các tuyến đường thành phố Buôn Ma Thuột cũng như trên các quốc lộ 14, 26, 27 đi qua tỉnh Đắk Lắk đã thấy sự đổi khác về thói quen thường thấy trên đường.

Tại các giao lộ trong nội thành có tín hiệu đèn như Lê Duẩn - Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tất Thành - Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tất Thành - Lý Tự Trọng, nhiều người dừng chờ đèn ngay ngắn trước vạch dừng và không thấy tiếng còi thúc giục vượt khi đèn đỏ còn ở những giây cuối như trước đây.

Tình trạng xe khách, xe con hay chèn ép, vượt ẩu đoạn dốc cầu từ ngã ba Ea Kao về đường Lê Duẩn hay đoạn qua chợ đầu mối Tân Hòa, quốc lộ 26 đường đi Nha Trang ở những giờ cao điểm cũng giảm hẳn.

Trên sân tập của các cơ sở đào tạo lái xe, thầy trò nhắc nhau cẩn thận hơn khi đóng mở cửa lúc lên xuống xe không đảm bảo an toàn gây tai nạn tăng mức phạt lên 20 - 22 triệu đồng so với trước đây chỉ 400.000 - 600.000 đồng.

Buổi cà phê sáng cuối tuần giữa những người bạn cũng rôm rả quanh câu chuyện xử phạt hành chính các lỗi vi phạm giao thông theo hướng tăng nặng. Đa số đều đồng thuận chủ trương đánh mạnh vào hầu bao người vi phạm mới mong có những chuyển biến tích cực về ý thức giao thông.

Phạt một người nhưng lại cứu được nhiều người không chết oan uổng vì tai nạn giao thông.

Trong bữa cơm gia đình, vợ tôi dặn các con ra đường phải đi đứng cẩn thận. Đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, không đi hàng hai, hàng ba trên đường, không được đi xe lên vỉa hè... Và dặn cả tôi nghe điện thoại cũng phải dừng xe vào sát lề đường...

Các con tôi cũng mong trường học sẽ tổ chức tuyên truyền về nghị định 168 để học sinh cùng gia đình, người thân, bạn bè tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông.

Bạn đọc TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG

Mức phạt 'choáng' giúp thay đổi văn hóa giao thông - Ảnh 3.

Hình ảnh ít thấy với giao thông tại Hà Nội những ngày qua: Xe cộ đã dừng ngay ngắn trước các vạch đèn đỏ - Ảnh: HỒNG QUANG

Cần tăng cường phạt nguội

Mức phạt 'choáng' giúp thay đổi văn hóa giao thông - Ảnh 4.

TS Nguyễn Văn Thanh

Thực tế mấy ngày nay ra đường, tôi thấy người dân đã chấp hành luật giao thông tốt hơn, không có cảnh chen lấn vào vạch kẻ cho người đi bộ sang đường, ít trường hợp vượt đèn đỏ…

Bước đầu nghị định 168 đã phát huy hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, cần tiếp tục thực hiện, xử lý nghiêm minh, không được lơi lỏng.

Một số ý kiến cho rằng mức phạt nâng cao này có thể gây "choáng" với những người thu nhập thấp.

Nhưng tôi cho rằng phải có chế tài xử phạt nghiêm thì ý thức tham gia giao thông mới được nâng cao, trật tự giao thông được lập lại.

Nếu anh thấy "choáng" với mức phạt thì anh hãy chấp hành nghiêm chỉnh các quy định để không phải xử phạt. Việc xử lý vi phạm cần nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và cần tránh không để xảy ra tiêu cực.

Ở các thành phố lớn, với lượng phương tiện đông đúc, có hiện tượng khi có mặt cảnh sát giao thông thì người dân thực hiện tốt, còn không lại vi phạm. Không thể nào có đủ lực lượng có mặt ở mọi lúc mọi nơi để xử lý vi phạm.

Do vậy giải pháp hữu hiệu nhất là cần tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị, lắp camera để phạt nguội. Việc phạt nguội sẽ giúp kiểm soát tốt, xử phạt nghiêm minh, chính xác các trường hợp vi phạm.

Quan trọng hơn việc phạt nguội sẽ tránh được tiếp xúc trực tiếp giữa người thực thi công vụ với người vi phạm trên đường, từ đó hạn chế tối đa tiêu cực.

Trong thời gian ngắn nhất cần có các giải pháp để làm tốt việc định danh biển số xe máy. Khi có đồng bộ hệ thống camera phạt nguội thì người dân sẽ nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông mà không cần sự có mặt của lực lượng chức năng.

Mấy ngày qua có nhiều phàn nàn về việc hệ thống đèn tín hiệu ở chỗ này chỗ khác còn có trục trặc, hỏng hay bỏ đếm giây. Cơ quan chức năng phải phối hợp để sớm giải quyết, đảm bảo xử phạt nghiêm minh, tránh bỏ lọt vi phạm nhưng phải làm đúng, chính xác…

TS Nguyễn Văn Thanh (nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam)

Vừa xử phạt vừa tuyên truyền

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM, cho biết bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi vượt đèn đỏ, chạy trên vỉa hè, chạy ngược chiều, nồng độ cồn…

Phòng PC08 cũng tuyên truyền đến người dân về mức phạt nghị định mới để người dân nắm, nâng cao ý thức chấp hành khi tham gia giao thông.

"Cảnh sát giao thông khuyến cáo người dân luôn ý thức được trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông: đi đúng làn đường, không đi ngược chiều, không phóng nhanh vượt ẩu, không vi phạm tốc độ, đặc biệt là không vi phạm về nồng độ cồn.

Chúng tôi mong mọi người tham gia giao thông luôn ý thức được trách nhiệm của mình, đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân cũng như cho người tham gia giao thông trên đường", thượng tá Nguyễn Văn Bình nói.

Nắm luật mới để không vi phạm

Nhắc nhau đi đường đúng luật - Ảnh 2.

Shipper T.Q.H. (28 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) chạy ngược chiều trên đường Cộng Hòa bị tổ công tác Đội CSGT Tân Sơn Nhất thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM thổi phạt. Thời điểm trên, anh H. không xuất trình được giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe. Với lỗi trên, tài xế sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng, trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thượng tá Hoàng Văn Trung, trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị, cho biết ngay khi có quy định xử phạt mới, đơn vị này đã triển khai thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Những quy định mới được cập nhật về cho ban an toàn giao thông các địa phương qua các lớp tập huấn. Thông tin về quy định mới cũng đã được cơ quan chức năng phát rộng rãi cho người dân, đặc biệt là người dân ở các vùng sâu, vùng xa.

Theo ông Trung, sắp tới đơn vị sẽ triển khai gắn biển ghi mức phạt ở các ngã tư, trên các cột đèn giao thông để khi dừng đèn đỏ, người dân được tiếp cận với quy định mức phạt mới.

Những con số về mức tiền phạt cao gấp nhiều lần ở dạng trực quan như vậy sẽ đủ khiến người dân tự điều chỉnh hành vi của bản thân khi tham gia giao thông.

Lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết trong 3 ngày đầu áp dụng nghị định 168, lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã phát hiện, lập biên bản xử lý 806 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 2 tỉ đồng.

Các lỗi vi phạm bị lực lượng chức năng xử lý chủ yếu như chạy quá tốc độ, vi phạm quy định nồng độ cồn, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông và đi sai làn đường.

Anh Nguyễn Văn Tùng - tài xế chở hàng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang - chia sẻ từ khi nghị định 168 nâng mức xử phạt tăng cao khiến anh lái xe cẩn trọng hơn, nếu dính phạt là cả nhà thiếu tiền trang trải, sinh hoạt hơn cả tháng trời.

"Anh em tài xế nhắc nhau chiều tối về không nhậu, hôm sau còn xỉn nguội, bị phạt theo quy định mới coi như… xong phim", anh Tùng nói.

Anh Nguyễn Đình Hòa (trú TP Đà Nẵng) có ý kiến: "Số tiền thu từ xử phạt cần được trích để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đảm bảo hệ thống đèn tín hiệu, biển báo rõ ràng, hợp lý, dễ nhận biết thực hiện. Nếu biển báo rắc rối sẽ khiến người đi đường khó nhận diện và dễ vi phạm".

Thượng tá Phạm Hồng Hải - phó trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng - cho biết: "Để tránh việc vi phạm, người dân cần nghiên cứu kỹ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nghị định 168 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan hiện hành để nâng cao, bổ sung kiến thức;

Phải nâng cao ý thức chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông mọi lúc mọi nơi; nêu cao văn hóa, giúp đỡ, hỗ trợ trong tham gia giao thông; tuyên truyền, vận động người thân tuân thủ nghiêm các quy định.

Đồng thời thường xuyên giám sát, theo dõi, phát hiện những bất cập, tồn tại, thiếu sót trong thi hành quy định về trật tự an toàn giao thông để kịp thời phản ánh, góp ý với cơ quan chức năng; nâng cao ý thức, vai trò trong đấu tranh trước những hành vi sai trái và bảo vệ những hành động đẹp trong tham gia giao thông".

Nhắc nhau đi đường đúng luật - Ảnh 5.Muốn rẽ phải khi đèn đỏ nên xem lại biển báo giao thông

Được rẽ phải hay không được rẽ phải khi chờ đèn đỏ? Và rẽ làm sao cho đúng luật để không bị xử phạt?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp