Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, hiện nay mực nước đầu nguồn trên địa bàn tỉnh, khu vực nội đồng Tháp Mười và khu vực phía nam đều ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2023, khoảng từ 0,1 - 0,6m.
Mực nước thực đo ngày 7-10 tại trạm Tân Châu trên sông Tiền mức 3,26m, thấp hơn mức báo động I là 0,4cm, cao hơn cùng kỳ 46cm. Trạm TP Cao Lãnh trên sông Tiền 2,24m cao hơn mức báo động I khoảng 34cm, cao hơn cùng kỳ 59cm.
Trong khi đó, theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, mực nước thực đo ngày 7-10 trạm Long Xuyên trên sông Hậu khoảng 2,72m, vượt mức báo động I khoảng 82cm và cao hơn báo động III 0,22cm; trạm Châu Đốc mực nước 3,23m, cao hơn mức báo động I khoảng 23cm.
Dự báo trong 5 ngày tới, mực nước các nơi lên nhanh và đạt đỉnh triều. Mực nước khu vực đầu nguồn ở mức cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng từ 0,3 - 0,5m; mực nước khu vực nội đồng Tháp Mười ở mức cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 0,2m; mực nước khu vực phía nam (TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc, huyện Cao Lãnh, huyện Lấp Vò) ở mức báo động cấp III, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng từ 0,4 - 0,6m.
Nhận định đến giữa tháng 10-2024, nhiều khả năng xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và tập trung ở khu vực các tỉnh miền Trung. Hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng gây mưa vừa, mưa to ở khu vực trung lưu sông Mê Kông và tiếp tục bổ sung nước cho vùng hạ lưu, làm cho mực nước khu vực hạ lưu rút chậm trong cuối tháng 10 và tháng 11.
Trong tháng 10, trên địa bàn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp sẽ có các đợt mưa diện rộng, với lượng mưa vượt trung bình nhiều năm, các đợt mưa to thường trùng với kỳ triều cường nên sẽ ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân ở một vài điểm.
Về tình hình thủy văn, mực nước tại khu vực đầu nguồn (khu vực ven sông Tiền) sẽ xuống chậm đến ngày 12-10, sau đó lên chậm và đạt đỉnh triều đợt 15-9 âm lịch sắp tới vào khoảng ngày 18 đến 20-10 ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn đỉnh triều vừa qua khoảng 5 - 10cm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận