Trong đề xuất sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân của Bộ Tài chính vừa trình, về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) hiện nay, nếu lấy mức giảm trừ cá nhân 9 triệu đồng/tháng và giảm trừ cho người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/người/tháng thì số CBCCVC phải đóng thuế thu nhập cá nhân không nhiều.
Giả sử người đó độc thân thì lương phải trên 9 triệu đồng/tháng mới phải đóng thuế. Nếu người đó có con, người phụ thuộc thì thu nhập ít nhất phải khoảng 13 triệu đồng/tháng trở lên mới phải đóng thuế. So với mức lương của CBCCVC hiện nay thì chỉ có người làm lâu năm, người có chức vụ mới lọt vào diện này.
Tới đây, khi TP.HCM triển khai cơ chế đặc thù, có thêm khoản chi thu nhập tăng thêm cho đối tượng này thì có thể thêm một số người sẽ rơi vào diện đóng thuế thu nhập, tuy nhiên mức đóng sẽ không cao, chủ yếu đóng ở mức 1 (thuế suất khoảng 5%).
Nhưng mức giảm trừ (9 triệu đồng với cá nhân và 3,6 triệu đồng/người phụ thuộc) đúng là thấp so với mặt bằng giá cả, chi tiêu ở các TP lớn như TP.HCM. Nhưng để đưa ra con số này đã có sự tính toán, so sánh với thu nhập, điều kiện sống các tỉnh, thành khác trên cả nước và cả các nước trong khu vực. Cho nên con số đó có thể thấp với TP.HCM nhưng lại là cao với các tỉnh miền núi.
Nhà nước chỉ có thể lấy con số trung bình. Ở đây, nếu có thể điều chỉnh cho công bằng hơn thì mức giảm trừ này nên linh hoạt theo từng địa phương, vùng miền tùy mặt bằng chi tiêu, thu nhập và giá cả ở nơi đó.
Cũng có ý kiến e ngại rằng việc tăng thu nhập cho CBCCVC thì họ sẽ phải đóng nhiều thuế thu nhập hơn. Tôi cho là không nên tiếp cận với góc độ như vậy. Hệ thống tiền lương cho người trong bộ máy nhà nước của chúng ta vẫn đang bị xem là chưa sát thực tế, chưa đảm bảo cuộc sống cho người lao động, cho nên chúng ta vẫn đang nỗ lực cải cách chế độ tiền lương sao cho hợp lý hơn.
Việc tăng thu nhập cho CBCCVC là việc rất nên làm. Vấn đề ở đây là phải xác định mức thuế suất cũng như mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cho công bằng, hợp lý, vừa không làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, vừa góp phần đóng góp cho ngân sách.
(Ông Cao Thanh Bình - Phó trưởng ban Kinh tế và ngân sách HĐND TP.HCM)
Lương công chức thấp nhất so với mặt bằng thu nhập chung Theo báo cáo mà UBND TP.HCM vừa gửi các cơ quan trung ương về tình hình thực hiện chính sách tiền lương từ năm 2004 đến nay, hệ thống thang lương, bảng lương còn nặng về bằng cấp, chưa theo trình độ, chất lượng công việc yêu cầu hoặc chức vụ đảm nhận. Mức lương cơ sở của công chức từ tháng 7-2017 được nâng lên 1,3 triệu đồng, song vẫn không đủ chi phí cho cuộc sống. Lương bình quân của CBCCVC thấp hơn thu nhập bình quân của người lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, chế độ nâng ngạch, bậc, xếp lương hiện nay không gắn với khối lượng, tính chất công việc. Mỗi lần tăng lương chỉ vài trăm ngàn đồng và 2-3 năm mới lên được 1 bậc lương. Ngoài thu nhập từ tiền lương, các cơ quan, đơn vị của TP đã bổ sung thu nhập có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cho CBCCVC, như tiền bồi dưỡng họp, tiền bồi dưỡng cho người chủ trì hoặc tham gia đóng góp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, thù lao báo cáo viên hoặc giảng viên kiêm nhiệm, tiền hỗ trợ ăn trưa... Nhiều trường hợp, các khoản thu nhập ngoài lương chiếm tỉ lệ lớn trong tổng thu nhập của CBCCVC. Tuy nhiên CBCCVC vẫn dành nhiều thời gian cho các việc làm khác (trong giờ và ngoài giờ) để có thêm thu nhập. UBND TP kiến nghị: Tiền lương tối thiểu của CBCCVC ít nhất phải bằng tiền lương thấp nhất của người lao động đã qua đào tạo làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Việc chi trả lương thông qua thang, bảng, bậc lương phải gắn với trình độ, thâm niên, chất lượng hiệu quả công việc..., khuyến khích người trẻ cố gắng phấn đấu mà không bị ràng buộc bởi thâm niên công tác, tạo được động lực để có chuyên gia giỏi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận