14/08/2019 14:49 GMT+7

Mùa Vu Lan: Những góc nhìn đa chiều về Mẹ trên màn ảnh

ĐỨC TRẦN
ĐỨC TRẦN

TTO - Không theo lối tuyên truyền sáo rỗng, các tác phẩm đặc tả mối liên hệ mẫu tử luôn được các nhà làm phim tác giả cài cắm triết lý, quan điểm và góc nhìn duy mỹ.

Nước mắt chảy xuôi

Nếu phải mượn nỗi mất mát là thước đo tình yêu, có lẽ Secret SunshineRabbit Hole dễ trở thành đại diện tiêu biểu cho điện ảnh châu Á và Hollywood.

Được nhào nặn từ bàn tay của những nhà làm phim độc lập, Secret SunshineRabbit Hole có điểm chung là tập trung khai thác biến chuyển tâm lý phức tạp của người phụ nữ - người mẹ, khi họ mất đi lẽ sống lớn nhất của mình là con cái.

Trong Secret Sunshine (đạo diễn Lee Chang-dong), Lee Shin-ae sống vì cậu con trai - món quà duy nhất cô có được từ thượng đế. Chồng qua đời vì tai nạn, Shin-ae quyết định trở về quê chồng là Miryang - một khu làng nhỏ để bắt đầu cuộc sống mới. Nhưng bình ổn chưa được bao lâu thì con trai Shin-ae bị bắt cóc tống tiền, cô mất phương hướng, lạc lối trong niềm tin về điều thiện, cả khi bên cạnh luôn có anh thợ máy tốt bụng Jong-chan làm chỗ dựa tinh thần.

Với Shin-ae, cơ hội để cô sống một cuộc đời mới tụt về con số không. Ở vạch xuất phát rất khó bước tiếp, Shin-ae tự làm đau mình vì cô tin nỗi đau thể xác và tinh thần do chính cô tạo ra, sẽ khỏa lấp đi nỗi đau mất con.

Mùa Vu Lan: Những góc nhìn đa chiều về Mẹ trên màn ảnh - Ảnh 1.

Jeon do-yeon trong phim Secret Sunshine - Ảnh: CJ

Xuyên suốt hành trình hòa giải nỗi đau, Secret Sunshine động chạm đến tín ngưỡng nhưng hai phân cảnh này được vị đạo diễn xứ Hàn xử lý xuất sắc, dấy lên mối bất hòa trong suy nghĩ của nhiều người trước cái gọi là "xưng tội" và "tha tội".

Shin-ae không chấp nhận kẻ giết con cô rửa sạch cái ác chỉ bằng lời nói. Nhưng càng ôm thù hận thì càng làm chậm quá trình sống tích cực mà Shin-ae mong ước từ khi đến Miryang.

Nếu Secret Sunshine đi cung đường mạo hiểm trong phong cách và mô tả xung đột nội tâm thì Rabbit Hole lại diễn ra theo hướng truyền thống: tác nhân bên ngoài đối với nỗi đau; dù dễ tạo ra đồng cảm nhưng trải nghiệm xem Rabbit Hole khó hơn do mạch phim chậm, nhân vật luôn kìm nén cảm xúc.

Becca - một phụ nữ trung lưu đang sở hữu cuộc sống yên bình, người chồng tốt, cậu con trai ngoan, công việc ổn định. Một ngày nọ, khi tai nạn xe cướp mất đứa trẻ bốn tuổi, Becca rơi vào trầm cảm. Cô không còn thiết tha chuyện chăn gối, tình cảm vợ chồng theo chiều đổ vỡ.

Becca bỏ ngoài tai những lời động viên, khước từ lối sinh hoạt bình thường, với cô tất cả mọi thứ đều vô tri vô giác từ khi mất con. Tám tháng sau, Becca cho toàn bộ đồ dùng của con trai, bán nhà, cô từ chối có thêm đứa con với chồng dù anh nỗ lực giúp cô vượt qua bờ vực suy sụp.

Mùa Vu Lan: Những góc nhìn đa chiều về Mẹ trên màn ảnh - Ảnh 2.

Nicole Kidman trong phim Rabbit Hole - Ảnh: Lionsgate

Cũng như Secret Sunshine, cái chết và sự sống luôn liên đới với tín ngưỡng, Becca lẫn Shin-ae, họ chưa thật sự sẵn sàng chấp nhận mất mát. Ngỡ ngàng vì có người nói rằng con mình chết do ý Chúa, Becca ngưng điều trị sang chấn tâm lý. Nhưng Becca hiểu con trai mình mất vì tai nạn, đó là yếu tố để cô nhanh chóng từ bỏ sự dày vò.

Giữa Becca và Danny - cậu thanh niên vô tình gây ra cái chết, nảy sinh mối quan hệ kỳ lạ, đặc biệt khi Danny nói với Becca về thế giới song song trong cuốn truyện tranh mà cậu viết dở. Tất nhiên, sự ăn năn của Danny đã được Becca đồng cảm. Cô bắt đầu đón tiếp hiện tại một cách bình thản...

Tương tự với Shin-ae, sau khi chống đối cả thế giới, một buổi sáng thức dậy nhìn thấy ánh nắng ngoài sân, Shin-ae nhận ra nếu cứ mãi lún sâu, con trai cô có sống lại không, có hạnh phúc khi thấy mẹ mình thế này không?

Ta hiểu người mẹ đến đâu?

Xung đột giữa bố mẹ và con cái có thể đến từ việc họ sống ở hai thế hệ khác. Xuyên không là kế sách thông minh nhất để con cái học cách hiểu cha mẹ.

Vừa mang chút hư ảo, vừa ngập tràn khung hình đẫm chất thơ; My Mother, the Mermaid có thể khiến người xem bật khóc dù trong phim chẳng có nỗi đau. Chỉ đơn giản, khi ta hiểu được bố mẹ mình, ta yêu họ nhiều hơn.

Mùa Vu Lan: Những góc nhìn đa chiều về Mẹ trên màn ảnh - Ảnh 3.

Cảnh trong phim My Mother, the Mermaid - Ảnh: CJ

Na-yeong không đồng điệu với cha mẹ, đôi khi cô chán ngấy đấng sinh thành vì lối sống cách biệt. Trước ngày cô công tác xa, cha cô âm thầm rời khỏi nhà, bỏ lại người mẹ điềm nhiên đến khó hiểu. Buộc phải dừng chuyến đi bất đắc dĩ, Na-yeong lên đường tìm cha ở hòn đảo nơi đấng sinh thành ra cô yêu nhau.

Chính tại hòn đảo đó, Na-yeong gặp Yoen-sun, mẹ cô hồi trẻ. Cả hai tạo nên mối quan hệ song song giữa hiện tại và quá khứ. Từ cuộc gặp gỡ xuyên không này, Na-yeong ngưỡng mộ "cô thợ lặn" vùng quê Yoen-sun cùng tình yêu thanh xuân trong trẻo mà mẹ dành cho chàng đưa thư Jin-guk, tức cha Na-yeong hiện tại.

Càng tiếp xúc với Yoen-sun của quá khứ, Na-yeong dần đổi thay trong tư duy. Cô là bản sao hiện đại và trưởng thành của mẹ, người mà trước đây Na-yeong tưởng rằng không bao giờ hiểu. Tác phẩm đã thành công khi gắn kết mối liên hệ phức tạp giữa hai thế hệ.

Mùa Vu Lan: Những góc nhìn đa chiều về Mẹ trên màn ảnh - Ảnh 4.

Brie Larson và diễn viên nhí Jacob Tremblay trong Room - Ảnh: A24

Thể hiện tình thương rất riêng, Room Changeling thử thách người xem đưa ra những tranh luận.

Trong Room - cuốn phim thành công nhất nhì năm 2016, tình mẹ được đo bằng sinh mạng. Nếu Ma không yêu con, cô sẽ chọn cái chết khi trở thành nô lệ của gã đàn ông có biệt danh "Nick già" suốt 7 năm. Nhưng yêu con, Ma nuôi dưỡng đứa trẻ trong bóng tối...

Tình mẫu tử khiến Ma tin rằng đứa trẻ sẽ gặp rủi ro nếu rời xa vòng tay bảo bọc của cô. Chỉ đến khi Nick già đưa ra khuyến cáo sẽ không chu cấp thức ăn cho hai mẹ con, Ma mới nghĩ đến kế hoạch giúp con thoát thân. Ma ở lại căn hầm với nguyện vọng đánh đổi: để con được sống như người bình thường.

Đồng nhất với Room về việc lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật, Changeling không chỉ nâng tầm diễn xuất của minh tinh Angelina Jolie mà nó còn biểu đạt hình ảnh người mẹ hấp dẫn: vừa mẫn cảm và xả thân vì tình yêu, vừa gan lì và quyết liệt như một điều tra viên.

Mùa Vu Lan: Những góc nhìn đa chiều về Mẹ trên màn ảnh - Ảnh 5.

Cảnh trong phim Changeling - Ảnh: Universal

Trở về nhà sau giờ làm, Christine phát hiện ra con trai 9 tuổi mà cô vừa hôn tạm biệt lúc sáng biến mất không dấu vết. Lấy bối cảnh những năm 30 đầy hiểm nguy, thật không dễ để Christine "chân yếu tay mềm" đối đầu với với những thế lực đen tối, các điều luật trời ơi đất hỡi của cảnh sát nằm vùng Los Angeles.

Uẩn khúc xảy đến khi Christine từ chối đứa trẻ mà sở cảnh sát trao trả cho cô, vì đó không phải đứa con cô mang nặng đẻ đau. Bằng tình thương người mẹ, dù bị cáo buộc hoang tưởng, sau nhiều năm Christine vẫn đấu tranh tới cùng sự thật bởi cô tin Walter - cậu con trai, vẫn tồn tại.

Không như Room hay Rabbit Hole Secret Sunshine...; Changeling khép lại với tia hi vọng mong manh. Dù dừng ở mảng màu xám ngà, Changeling và những tác phẩm kể trên đều đong đầy xúc cảm, đa chiều, thông điệp nhân văn cảm hứng từ câu nói "chín tháng mười ngày".

Secret Sunshine đoạt giải Ảnh hậu Liên hoan phim Cannes 2007

Rabbit Hole mang về đề cử Oscar Nữ diễn viên chính năm 2011

My Mother, the Mermaid đoạt giải Ảnh hậu Điện ảnh Hàn Quốc năm 2004

Room mang về giải Oscar Nữ diễn viên chính năm 2016

Changeling mang về đề cử Oscar Nữ diễn viên chính năm 2009

TTO - Nụ hôn của Văn và Ian, do Lãnh Thanh và Võ Điền Gia Huy đóng, 'tình' hơn cả nhiều nụ hôn nam nữ khác trong phim Việt. Còn Hồng Đào đã có một vai bà mẹ đỉnh cao trong sự nghiệp điện ảnh của chị cho đến lúc này.

ĐỨC TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp