07/09/2020 07:17 GMT+7

Mua vàng thẳng từ người bán: coi chừng vàng nhái, vàng giả

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Chênh lệch cao giữa giá mua - bán vàng gần đây khiến nhiều người lên các diễn đàn để mua hoặc lân la đến các công ty vàng hỏi mua trực tiếp từ người đi bán.

Mua vàng thẳng từ người bán: coi chừng vàng nhái, vàng giả - Ảnh 1.

Nguy cơ vàng giả, nhái cao nếu mua bán trao tay trên các diễn đàn mạng. Trong ảnh: kiểm tra vàng khi khách đến bán tại Công ty SJC - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Người mua giảm được tiền chênh lệch phải trả cho "nhà vàng". Nhưng việc này sẽ dẫn đến rủi ro ra sao cho người mua - người bán?

"Cưa đôi" chênh lệch

Chị Thanh Uyên (quận 3, TP.HCM) cho biết tháng 8 vừa qua khi chị đến giao dịch tại trụ sở một công ty vàng lớn, có một khách hàng đã kéo tay chị "hỏi nhỏ" là chị đến mua hay bán vàng. "Người này nói nếu tôi bán vàng thì bán cho họ để họ giảm bớt chênh lệch phải trả so với mua trực tiếp ở công ty. Tôi khá bất ngờ với lời đề nghị này vì chỉ quen mua bán trực tiếp với công ty vàng lớn" - chị Uyên kể.

Không chỉ riêng chị Uyên, dạo trên một số diễn đàn vàng gần đây cũng xuất hiện nhan nhản các trường hợp hỏi mua bán vàng miếng qua diễn đàn vàng quy tụ khá đông thành viên: "Ai cần bán vàng miếng SJC ở Hà Nội inbox em", "Em cần mua 3 lượng vàng SJC tại khu vực Hà Nội, anh chị nào muốn bán không, chúng ta cưa đôi chênh lệch"... Ngay sau đó, một số trường hợp phản hồi và đề nghị hãy nhắn tin trực tiếp. Một số tiệm vàng cũng vào mời chào giá tốt.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc chào mời mua bán theo dạng giữa cá nhân với cá nhân này mới xuất hiện trong thời gian gần đây, khi thị trường vàng sốt nóng trở lại và chênh lệch giữa giá mua - bán vàng bị đẩy quá xa.

Đỉnh điểm như ngày 12-8, có thời điểm các công ty vàng kéo giãn chênh lệch giá mua - bán lên mức cao chưa từng có: 4,68 triệu đồng/lượng. Với mức chênh lệch này, người bán vàng chịu thiệt gần 10% trên mỗi lượng vàng, do vậy nhiều người mua - bán tìm cách lách bằng thỏa thuận riêng.

Theo lý giải của chị T.H. (TP.HCM) - một người muốn mua bán dạng này - là "lợi cho cả người bán lẫn người mua" do người bán có thể bán với mức giá cao hơn, trong khi người mua thì mua rẻ hơn so với mua tại tiệm vàng. Chưa kể mua kiểu này hai cá nhân chốt giá với nhau rồi giao dịch. Còn nhiều khi ở những thời điểm giá vàng biến động nhanh, chạy đến tiệm vàng thì giá vàng đã bỏ xa mức giá cũ.

Về rủi ro, chị T.H. nói: "Thường những người bán vàng miếng đều có hóa đơn chứng từ, trên hóa đơn có ghi rõ số xêri nên tôi cũng không quá lo. Nếu cần thiết tôi sẽ nhờ tiệm vàng xem".

Coi chừng vàng nhái

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia cho rằng nếu nghe qua tưởng rằng phương thức mua bán vàng này giúp tiết kiệm chênh lệch giá nhưng có thể là "lợi bất cập hại".

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Trọng cho rằng vàng là tài sản giá trị lớn, khi mua cần yêu cầu phải có hóa đơn, trên đó ghi rõ số xêri của miếng vàng. Nếu mua bán theo kiểu tự thỏa thuận rất dễ "dính chấu" do tình trạng vàng nhái SJC (tức miếng vàng bốn số chín thật nhưng không phải do Công ty SJC sản xuất) rất tinh vi. Ngoài ra còn có rủi ro là mua phải vàng giả, vàng không đúng tuổi.

"Vàng nhái hiện khá tinh vi. Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường sẽ rất khó phân biệt do mẫu mã, trọng lượng gần như nhau. Có trường hợp kẻ xấu còn rạch một đường nhỏ dưới bao bì thật của miếng vàng SJC để "lồng" miếng vàng nhái vào. Không nên ham rẻ hơn vài trăm ngàn đồng mà ôm lấy rủi ro", ông Trọng khuyến cáo.

Trong khi đó, chuyên gia Trần Thanh Hải - chủ tịch HĐQT Công ty SJC Phú Thọ - cho rằng mua bán vàng theo kiểu "trao tay" trên còn có rủi ro bị cơ quan chức năng xử phạt. Vì theo quy định tại nghị định 24 của Chính phủ, kinh doanh vàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện; tổ chức, cá nhân chỉ được mua bán vàng tại các ngân hàng và công ty được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng.

Cảnh báo lừa đảo

Đáng lưu ý, trên chính các diễn đàn mua bán vàng này đã vừa xuất hiện cảnh báo về việc lừa đảo thông qua rao bán vàng giá thấp. Người điều hành diễn đàn này cho biết "hãy cảnh giác với những nick đưa giá không minh bạch hoặc không có cửa hàng giao dịch cụ thể". Theo cảnh báo này, có những nick Facebook tung trên mạng với giá vàng giao dịch rẻ hơn giá của các đầu mối sỉ hoặc nhái thương hiệu của nhà vàng nổi tiếng, lấy địa chỉ của các cửa hàng uy tín nhưng thực chất không phải người của cửa hàng này. Khi khách chốt giá, họ sẽ yêu cầu chuyển khoản một phần để giữ giá. Nhưng khi khách đến lấy vàng thì chỉ tới các địa chỉ rất lung tung.

Như vậy người mua đối mặt với các rủi ro: mất tiền cọc đã chuyển khoản hoặc nhận phải vàng nhái, vàng giả do người mua không phải là nhà vàng chuyên nghiệp để kiểm định. Cũng có thể nhận đủ vàng nhưng giá khác giá đã chốt.

Trên thực tế dù đã cảnh báo nhưng thỉnh thoảng vẫn có trường hợp mua phải vàng nhái. Như trường hợp của chị V.T. cho biết từng bị toát mồ hôi khi đem miếng vàng SJC mua của một công ty vàng khác đến bán tại Công ty SJC và được thông báo đây không phải miếng vàng do công ty sản xuất. SJC còn yêu cầu bấm lỗ trên miếng vàng hoặc sẽ thông báo với cơ quan công an.

May mắn do còn hóa đơn, trên đó có ghi rõ số xêri của miếng vàng, chị đã liên hệ với công ty nơi chị mua miếng vàng để yêu cầu cử đại diện đến giải quyết. Sau đó, công ty bán vàng cho chị đã đồng ý mua lại miếng vàng của chị. Tuy vậy, nếu mua trao tay, rất có thể người sở hữu vàng như chị V.T. sẽ không may mắn như vậy.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước TP.HCM nói gì?

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, hiện ở TP.HCM có 837 điểm được cấp phép giao dịch mua bán vàng miếng thuộc 20 ngân hàng và 12 doanh nghiệp kinh doanh vàng.

"Người dân chỉ nên mua bán vàng ở những nơi được cấp phép, vừa là cách để bảo vệ mình tránh khỏi rủi ro vàng nhái, vàng giả, vừa tránh việc bị cơ quan chức năng xử phạt nếu phát hiện mua bán vàng ở những nơi không được cấp phép", ông Minh nói.

Nguy cơ nhái cao vì siêu lợi nhuận

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tình trạng vàng nhái SJC hay xuất hiện ở những thời điểm giá vàng sốt nóng và chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt việc gia công vàng miếng tại Công ty SJC nên giới kinh doanh không thể "biến" vàng lậu thành vàng SJC như trước. Do vậy, họ đã nghĩ ra cách dập thành các miếng vàng nhái thương hiệu vàng rồi tuồn ra bán.

Với chênh lệch ngày 6-9 là 2,42 triệu đồng/lượng, cứ tiêu thụ được một miếng vàng nhái lợi nhuận đã là 2,42 triệu đồng. Nếu tiêu thụ được 1.000 miếng, lợi nhuận là 2,42 tỉ đồng.

Liên tục giằng co, liệu giá vàng có tăng lại vào tuần tới? Liên tục giằng co, liệu giá vàng có tăng lại vào tuần tới?

TTO - Ngày 5-9, giá vàng thế giới kết thúc tuần giao dịch ở mức 1.934,8 USD/ounce. Đây là tuần thứ 4 liên tục giá vàng thế giới kết thúc tuần giao dịch dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp